Sau gần 15 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn của tỉnh Hưng Yên không ngừng được đầu tư phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Những kết quả đã đạt được Chương trình MTQG xây dựng NTM
Xác định xây dựng NTM là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của Tỉnh nói chung, của người dân nông thôn nói riêng nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, ngày 4/10/2010, Tỉnh ủy Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023
cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Văn Giang
( Ảnh: TTXVN)
Để nhiệm vụ xây dựng NTM được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả tích cực, tỉnh Hưng Yên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ NTM từng năm; đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM. Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố của Tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình bằng những phần việc cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời, Tỉnh chỉ đạo và phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tới tất cả các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân...
Trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Hưng Yên hỗ trợ 203 tỷ đồng, tương đương khoảng 145 nghìn tấn xi măng cho các địa phương làm 1.016km đường giao thông. Giai đoạn 2016-2020, Tỉnh tiếp tục ban hành nhiều các cơ chế, chính sách mới tạo sự đột phá như: Hỗ trợ các thôn, xã khó khăn xây dựng nhà văn hóa, trường học, đường giao thông, tập trung cải tạo cảnh quan môi trường, thay đổi cách đánh giá, thẩm định xã đạt chuẩn NTM… Các chính sách hỗ trợ đã tạo điều kiện cho các địa phương thuận lợi triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình NTM.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền được các cấp, ngành từ Tỉnh đến cơ sở luôn chú trọng, qua đó phát huy tinh thần chung sức, đồng lòng của người dân trong việc khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, đặc biệt là phát huy vai trò của người dân chung sức xây dựng NTM.
Hạ tầng khu vực trung tâm huyện Văn Giang được quy hoạch xây dựng hiện đại và đồng bộ
Từ năm 2011 đến năm 2019, toàn tỉnh Hưng Yên đã huy động gần 64 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó Nhân dân đóng góp trên 42 nghìn tỷ đồng. Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến năm 2020, Hưng Yên là một trong ba tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, với 100% số xã đạt chuẩn NTM năm 2019.
Với chủ trương xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn Tỉnh sẽ có 55 - 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 1 - 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, chương trình xây dựng NTM ở tỉnh Hưng Yên trong giai đoạn 2021 - 2025 không chỉ tập trung vào hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà còn chú trọng đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng trong xã hội nông thôn.
Bên cạnh thực hiện tốt các quy định của Trung ương, tỉnh Hưng Yên cũng ban hành nhiều cơ chế chính sách, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Tiêu biểu như: Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 233/2022/NQ-HĐND ngày 30/8/2022 quy định chính sách hỗ trợ các địa phương về đích sớm, được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2279/KH-UBND ngày 30/9/2021 phê duyệt Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Ở giai đoạn trước, tỉnh Hưng Yên chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì giai đoạn này chuyển sang thực hiện những nội dung trọng tâm, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân như: Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thực hiện Chương trình OCOP; triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Theo số liệu báo cáo đến hết năm 2023, tỉnh Hưng Yên đã có 102/139 số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Quyết tâm thực hiện xây dựng NTM vượt mục tiêu đề ra
Kết thúc năm 2023, với những kết quả tích cực đã đạt được trong xây dựng NTM, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành nghị quyết số 412/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2024, 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có từ 1 đến 2 huyện được công nhận huyện NTM nâng cao.
Như vậy, nhiều chỉ tiêu NTM mà hiện nay tỉnh Hưng Yên đang phấn đấu thực hiện đã cao hơn mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Cụ thể như số xã đạt chuẩn NTM nâng cao 139 xã (Nghị quyết là từ 55 - 60 xã); tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu chiếm 30% (Nghị quyết từ 25 - 30 xã).
Lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ thực hiện chương trình xây dựng NTM
của các huyện, xã, thôn tỉnh Hưng Yên năm 2024
Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Hưng Yên đã huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Bên canh đó, Tỉnh ưu tiên đầu tư các công trình, dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn.
Đồng thời, Tỉnh chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị tăng cao và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Cùng đó, Tỉnh tiếp tục triển khai Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có hiệu quả; phát triển các ngành nghề nông thôn, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kết hợp dịch chuyển dần lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác; xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản.
Người dân xã Xuân Quan (huyện Văn Giang) chăm sóc hoa
Nhằm tiếp sức cho các địa phương sớm về đích NTM nâng cao, kiểu mẫu và tiếp tục hướng tới những mục tiêu mới trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, ngày 7/12/2023, Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 415/NQ-HĐND thông qua chủ trương phương án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ các xã đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên.
Theo đó, trong giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh Hưng Yên dành trên 1.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để hỗ trợ các xã đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng NTM. Trong số đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ các xã có tiêu chí về cơ sở hạ tầng còn thấp, chưa đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; đồng thời, ưu tiên hỗ trợ các xã đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí đã đạt nhưng mức đạt của một số chỉ tiêu còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu theo các Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Tính riêng 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Hưng Yên đã huy động đượng gần 5 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, nguồn ngân sách trên 3,5 nghìn tỷ đồng và nguồn vốn nhân dân đóng góp gần 1,2 nghìn tỷ đồng.
Vừa qua, Hội đồng thẩm định xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Sau khi đánh giá, thẩm định hồ sơ, mức độ đạt chuẩn từng tiêu chí tại các địa phương, Hội đồng thẩm định nhất trí đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên công nhận 36 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đợt 1 năm 2024. Trong đó, đề nghị công nhận 8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao gồm: Ngô Quyền, Thiện Phiến (Tiên Lữ); Minh Hải, (Văn Lâm); Hồng Tiến, Dân Tiến, Đông Ninh, Đại Tập, Liên Khê (Khoái Châu); 5 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu gồm: Quang Hưng (Phù Cừ); Trung Dũng, Lệ Xá (Tiên Lữ); Xuân Dục (thị xã Mỹ Hào); Lạc Hồng (Văn Lâm).
Đối với 23 xã còn lại, yêu cầu các địa phương tập trung hoàn thiện các nội dung, tiêu chí chưa hoàn thiện, báo cáo sở, ngành liên quan và Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh kết quả hoàn thiện các nội dung, tiêu chí để trình Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong tháng Mười một.
Với kết quả đã đạt được, cùng với việc huyện Văn Giang đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023, tỉnh Hưng Yên tự tin sẽ hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM của năm 2024./.
Thành Nam