Hướng dẫn thực hiện một số nội dung chủ yếu bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước

13/12/2022 - 09:34 AM
Hệ thống quản lý chất lượng vừa là thước đo, vừa là cam kết của cơ quan thống kê trong sản xuất thông tin thống kê. Các cơ quan và tổ chức thống kê trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng từ những năm đầu của thế kỉ XX. Đến nay, một số cơ quan thống kê quốc gia và các tổ chức quốc tế đã xây dựng được một hệ thống hoàn chỉnh như Canada, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc... Trong những năm qua, việc đánh giá chất lượng thống kê ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các cuộc thanh tra, kiểm tra theo sự vụ, chưa có tính hệ thống và bao quát toàn bộ hoạt động thống kê, chưa có thang điểm cũng như các mức đánh giá chất lượng của mỗi nội dung tiêu chí để tính điểm, xếp loại khi các cơ quan thống kê thực hiện đánh giá chất lượng.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Ngày 05 tháng 01 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030. Đây là cơ sở để đánh giá chất lượng thống kê, thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng và hiệu quả hoạt động thống kê nhà nước, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng thống kê, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê nhà nước. Bộ tiêu chí chất lượng này gồm 19 tiêu chí và 92 nội dung tiêu chí chất lượng, là công cụ quản lý nhà nước về chất lượng thống kê một cách toàn diện, đồng bộ, nhất quán, minh bạch và hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí để các cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước áp dụng thống nhất trong việc thực hiện đánh giá chất lượng thống kê của cơ quan mình.

Thực hiện điểm a, khoản 1, Điều 2 Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030 cần nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, Bộ tiêu chí này áp dụng đối với cơ quan thống kê Trung ương; cơ quan thống kê Bộ, ngành gồm cơ quan thống kê tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước; cơ quan thống kê cấp tỉnh; cơ quan thống kê cấp huyện; Đoàn đánh giá chất lượng thống kê; chuyên gia đánh giá chất lượng thống kê; các tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đánh giá chất lượng thống kê nhà nước.

Đối với cơ quan thống kê Trung ương, cơ quan thống kê Bộ, ngành, cơ quan thống kê cấp tỉnh và cơ quan thống kê cấp huyện phải xác định số lượng tiêu chí, nội dung tiêu chí áp dụng tương ứng.

Hai là, đánh giá chất lượng thống kê được thực hiện theo các nguyên tắc sau: (1) Đánh giá tổng thể công tác thống kê thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan; (2) Đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác và đầy đủ.

Ba là, phải xác định mức đánh giá chất lượng và cách tính điểm của mỗi nội dung tiêu chí chất lượng thống kê. Mức đánh giá chất lượng của mỗi nội dung tiêu chí là mức chất lượng đạt được của mỗi nội dung tiêu chí.

Nội dung tiêu chí chất lượng cần được đánh giá theo 05 mức và điểm tương ứng. Tuy nhiên, cần rà soát và quy ước đối với từng tiêu chí cụ thể về mức và điểm tương ứng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và khả thi khi áp dụng. Ví dụ: Nội dung tiêu chí 5.1 (có quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác thống kê) áp dụng 01 mức đánh giá và tương ứng là 5 điểm.

Các mức cụ thể như:
  • Mức 1. Không đáp ứng yêu cầu của nội dung tiêu chí: 1 điểm.
  • Mức 2. Đáp ứng một phần nhỏ yêu cầu của nội dung tiêu chí: 2 điểm.
  • Mức 3. Đáp ứng phần lớn yêu cầu của nội dung tiêu chí: 3 điểm.
  • Mức 4. Đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nội dung tiêu chí: 4 điểm.
  • Mức 5. Đáp ứng cao hơn yêu cầu của nội dung tiêu chí: 5 điểm.
Bốn là, phải xác định điểm chuẩn của mỗi nội dung tiêu chí chất lượng thống kê và tỷ lệ điểm đánh giá. Điểm chuẩn của mỗi nội dung tiêu chí là 4 điểm và tính tổng số điểm chuẩn áp dụng cho từng đối tượng cụ thể (cơ quan thống kê Trung ương, cơ quan thống kê Bộ, ngành, cơ quan thống kê cấp tỉnh và cơ quan thống kê cấp huyện).

Tỷ lệ điểm đánh giá là tỷ lệ phần trăm giữa tổng điểm đánh giá so với tổng số điểm chuẩn tương ứng của từng đối tượng cụ thể. Tỷ lệ điểm đánh giá là cơ sở để xếp loại chất lượng thống kê (kém, trung bình, khá, tốt, rất tốt).

Năm là, phải xác định hình thức đánh giá chất lượng thống kê và xây dựng quy trình đánh giá tương ứng.
Đánh giá chất lượng thống kê được thực hiện dưới 03 hình thức:
  • Tự đánh giá chất lượng thống kê là hình thức đánh giá chất lượng thống kê do chính cơ quan thống kê đó thực hiện để đánh giá chất lượng thống kê của cơ quan mình thường xuyên, toàn diện và có hệ thống. Tự đánh giá chất lượng thống kê được thực hiện hằng năm.
  • Đánh giá độc lập chất lượng thống kê được thực hiện 5 năm một lần do cơ quan thống kê Trung ương thực hiện thông qua Đoàn đánh giá chất lượng thống kê.
  • Đánh giá đột xuất chất lượng thống kê được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về thống kê. Đây là hình thức đánh giá chất lượng thống kê do cơ quan thống kê Trung ương thực hiện thông qua Đoàn đánh giá chất lượng thống kê khi phát sinh vấn đề về chất lượng thống kê hoặc có dấu hiệu vi phạm về chất lượng thống kê.
Sáu là, phải xác định của các cơ quan có liên quan trong việc đánh giá chất lượng thống kê, trong đó:
  • Cơ quan thống kê Trung ương tổ chức thực hiện đánh giá độc lập chất lượng thống kê, đánh giá đột xuất chất lượng thống kê, tự đánh giá chất lượng thống kê; hướng dẫn và theo dõi việc tự đánh giá chất lượng của các cơ quan thống kê; biên soạn tài liệu và tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng đánh giá chất lượng thống kê nhà nước theo Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đánh giá chất lượng thống kê. Từ năm 2026, xây dựng và vận hành hệ thống tự đánh giá chất lượng thống kê nhà nước trực tuyến áp dụng cho các cơ quan thống kê thuộc hệ thống tổ chức thống kê nhà nước.
  • Cơ quan thống kê Bộ, ngành, cơ quan thống kê cấp tỉnh, cơ quan thống kê cấp huyện sử dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước để tự đánh giá chất lượng thống kê của cơ quan; thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về thực trạng chất lượng thống kê và hiệu quả hoạt động thống kê của cơ quan./.

Nguyễn Đình Khuyến

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Phương pháp chế độ và quản lý chất lượng Thống kê - TCTK
 

 
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top