Hương thơm đón Tết

17/05/2019 - 04:05 PM
Những vần thơ gợi nhớ đến ký ức tuổi thơ của mỗi người dân Việt, vào chiều 30 Tết, bên cạnh nồi bánh chưng đang bốc khói nghi ngút còn có nồi nước mùi già ngát thơm đang chờ để mọi người trong nhà dùng làm nước tắm. Hương thơm của nồi nước lá mùi trong chiều cuối năm như báo hiệu phút giao thừa sắp tới khiến lòng người đều cảm thấy vừa phấn chấn, vừa sảng khoái.

Chẳng biết tự bao giờ, tắm lá mùi được coi như một “nghi thức” truyền thống không chỉ là để làm sạch cơ thể mà còn giúp xua tan buồn phiềnvận xui của năm cũ, chào đón một năm mới. Theo dân gian, phong tục tắm nước lá mùi già đun sôi vào mỗi dịp cuối năm được gọi là “tắm tất niên”, là một truyền thống đã có từ lâu đời, một trong những nét đẹp văn hóa của người dân đất Việt vẫn được nhiều gia đình lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Hàng năm, cứ đến ngày 27, 28 tháng Chạp, khi không khí Tết ùa tràn vào trong mỗi nếp nhà, dù việc dọn dẹp nhà cửa, nấu bánh chưng có bận rộn đến mấy, những bậc cao niên trong gia đình vẫn không quên nhắc con cháu mua nắm lá mùi già về đun nước để cả gia đình tắm trong chiều Tất niên.

Trong ký ức về những chiều 30 Tết xưa, sau khi “no nê” với những mùi củ kiệu, mùi khói từ nồi bánh chưng, mùi thức ăn xào nấu trên lửa, mùi vôi ve thay áo cho những bức tường trắng, ai cũng nóng lòng được đắm mình trong chậu nước  lá mùi thơm ngát, ấm nồng, cái mùi hương thanh tao, nồng nàn của lá mùi dường như gột rửa được tất cả những khó chịu, mang  lại cảm giác sạch sẽ, sảng khoái vô cùng. Vì thế được tắm, gội bằng nồi nước lá mùi trong ngày cuối cùng của năm cũ như mang đi những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư được trút bỏ, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.

Ngày xưa, mùi già chỉ bán trong những phiên chợ cuối năm và đầu năm mới. Vào những ngày này, mùi già bán chạy hơn cả rau ngoài chợ, hơn cả đào, quất bởi gia đình nào cũng mua ít nhất vài bó về nấu nước tắm cuối năm cho cả gia đình. Hương thơm ngai ngái, dìu dịu và trầm ấm của lá mùi lan tỏa khắp các con phố, xoa dịu bớt cái lạnh của mùa đông. Vì vậy, trong ký ức của mỗi người dân Việt xưa, cứ thấy mùi già là thấy Tết đã về.

Theo kinh nghiệm của các bậc cao niên, lá mùi được dùng để nấu nước tắm nên chọn lá mùi già, nếu cây đã trổ hoa li ti, kết những trái nhỏ xíu trên cành và thân cây đã chuyển từ màu xanh sang màu nâu tía thì khi tắm sẽ càng thơm. Giống mùi già có mùi thơm rất đặc biệt, cây càng khô thì lại càng thơm, chỉ đi ngang qua ai đang xách bó lá thô mộc ấybiết ngay. Hương thơm không quá nồngđặc,rất nhẹ và mát, đánh thức mọi giác quan mang tới cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Đây cũng là ưu điểm hơn hẳn hương thơm nhân tạo. Bó lá mùi mua về phải được rửa sạch sẽ, tránh để dập nát, để khi đun lên cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Nồi nước mùi già đun kỹ chuyển sang màu nâu nhạt, có hương thơm nồng nàn như kết tinh của thiên nhiên, của đất trời, của hương vị đồng quê, của rơm, của rạ... Có lẽ vì sự riêng biệt ấy mà hương thơm của lá mùi có thể đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương thơm đến vài ba ngày Tết.

Xét trên khía cạnh khoa học, theo Đông y, hạt mùi là một vị thuốc quý, có vị cay, tính ôn, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải cảm, tiêu độc trong cơ thể. Ngoài ra, lá của nó còn giúp ích nhiều cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng. Bên cạnh đó, loại cây này còn có tính sát khuẩn rất tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu. Bởi vậy, tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi có tác dụng làm cho da sạch, chống viêm nhiễm. Chỉ cần ngồi lại trong hương lá mùi thấm đẫm, sẽ khiến cho con người ta cảm thấy sảng khoái, thanh nhẹ và thông suốt; tĩnh lặng cảm nhận, gột rửa đi những nỗi buồn, muộn phiền, không may của năm cũ, sẵn sàng đón một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc và may mắn. Tắm lá mùi, cả thân thể và tâm hồn như được làm mới lại, thơm tho, sạch sẽ và đầy năng lượng, được tiếp thêm hy vọng và khao khát một năm mới tốt đẹp hơn.

Những ai đã từng được tắm nước lá mùi để đón Tết, chắc hẳn sẽ không quên hình ảnh của cha, của mẹ lụi cụi trong bếp, chuẩn bị một nồi nước lá to, khói bốc nghi ngút. Với nhiều người, mùi hương bình dị ấy không chỉ giúp nhớ về những phút giây đẹp đẽ, yên bình của tuổi thơ mà còn đong đầy sự yêu thương của cha mẹ.
Ngày nay,Tết đã khác xưa rất nhiều và trong đời sống cũng có khá nhiều dược mỹ phẩm tạo mùi tiện dụng, như xà phòng thơm dầu gội, sữa tắm… nhưng có lẽ vẫn còn nhiều người vương vấn với lá mùi già. Chính vì vậy, đối với nhiều người Việt, Tết, ngoài hoa đào, hoa mai, bánh chưng, câu đối đỏ… còn phải có hương của lá mùi già, bởi đơn giản đó là hương của mùa xuân, hương của Tết./.
Trúc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top