Huyện Bảo Lạc: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững

02/08/2024 - 01:08 PM

Bảo Lạc là huyện vùng cao, huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, nằm về phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm Tỉnh khoảng 130 km, có diện tích 919 km2; gồm 17 đơn vị hành chính cấp xã với 146 thôn, xóm, tổ dân phố, (trong đó, có 15 đơn vị cấp xã thuộc khu vực III. Có 04 xã giáp biên giới; dân số trên 55 nghìn người (trong đó, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%). Theo kết quả rà soát đến cuối năm 2023, số hộ dân trên địa bàn huyện là 11.302 hộ, trong đó: Số hộ nghèo là 4.726 hộ, chiếm tỷ lệ 41,82%; số hộ cận nghèo là 1.517 hộ, chiếm tỷ lệ 13,42%.

Bà Lê Thùy Dương, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lạc
 

Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã khẳng định được đây là một kênh dẫn vốn, một phương thức quản lý vốn hiệu quả, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, tạo kế sinh nhai, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trên địa bàn.

Hỗ trợ vay vốn làm nhà ở của hộ gia đình tại xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Huyện ủy, HĐND - UBND huyện đã đề ra, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Trình độ dân trí của Nhân dân ngày một nâng lên, các hộ đã phát huy hiệu quả trong phương án sản xuất, chuyển biến được cách nghĩ, cách làm và ý thức trả nợ, vươn lên thoát nghèo, lan tỏa thành phong trào trong toàn Huyện. Tỷ lệ giảm nghèo qua các năm của Huyện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Mô hình nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Phan Thanh, huyện Bảo Lạc

 
Tính đến 31/5/2024, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bảo Lạc đã triển khai cho vay 1.234 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn Huyện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 294 lượt hộ nghèo, 67 lượt hộ cận nghèo, được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp 144 hộ tạo nguồn vốn để sản xuất kinh doanh; 601 lao động tạo được việc làm; đầu tư xây dựng 104 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn (nhà vệ sinh, di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn, mua téc chứa nước, bể nước sạch...); xây dựng 20 căn nhà cho hộ nghèo theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, giải quyết việc làm cho 03 khách hàng chấp hành xong án phạt tù…

Mô hình nuôi tằm tại xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc

Để nâng cao hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi, trong Kế hoạch của UBND huyện Bảo Lạc về Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện. Trong đó, có giải pháp lồng ghép các nguồn lực giữa các chính sách, dự án với nguồn vốn tín dụng ưu đãi như: Khuyến nông, dạy nghề, xây dựng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất… Hội đồng nhân dân, UBND huyện tiếp tục bố trí nguồn lực ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang NHCSXH để cho vay (đến nay, nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH huyện là 4,3 tỷ đồng).

Mô hình cho vay trồng cây Hồi tại xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc


Bên cạnh đó, Huyện cũng chỉ đạo các Tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và UBND các xã, thị trấn trong việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Phòng giao dịch NHCSXH huyện tham mưu tốt cho Huyện ủy, UBND huyện và Ban đại diện Hội đồng quản trị về việc thực hiện nguồn vốn, kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn Huyện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các tồn tại, phát sinh để các chương trình tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động.

Giao dịch khách hàng tại xã Thượng Hà, huyện bảo Lạc

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Bảo Lạc có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo. Có thể khẳng định rằng thông qua nguồn vốn của NHCSXH đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống của các hộ vay, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần vào công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội tại địa phương./.

Lê Thùy Dương
Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bảo Lạc

 
 

 
 
 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top