Những năm qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng luôn phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, chủ động, tích cực và có giải pháp phù hợp thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT gắn với đào tạo nghề. Trong 3 năm gần đây, Trung tâm đã triển khai, thực hiện các hoạt động dạy và học, liên kết đào tạo trung cấp nghề; thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy chế, đa dạng hóa một số loại hình đào tạo tại Trung tâm, đáp ứng được phần nào nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của Nhân dân.
Thực hành nghề trồng trọt trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Nâng cao chất lượng đào tạo học viên vừa học văn hoá gắn với học nghề
Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Hòa trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Quảng Hòa có chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện về lĩnh vực đào tạo nghề trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; tổ chức dạy học chương trình GDTX cấp THPT, liên kết đào tạo trung cấp nghề, liên kết kiểm tra cấp chứng chỉ tiếng dân tộc, tin học, ngoại ngữ… cho người học có nhu cầu. Trung tâm cũng tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình, giáo trình học liệu trình độ sơ cấp đối với nghề được đào tạo; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; tư vấn, hỗ trợ các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn Huyện. Trung tâm luôn duy trì ổn định số lượng học viên trung bình từ 300 đến 500 học viên (năm 2023 đào tạo 25 lớp/817 học viên). Từ đó, góp phần vào công tác xây dựng xã hội học tập, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Thực hành nghề chăn nuôi - thú y tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn
Những năm gần đây, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Hòa tập trung đào tạo các ngành, nghề: Chăn nuôi thú y, Khuyến nông, khuyến lâm, Trồng trọt… nhằm tạo điều kiện cho học viên có cơ hội việc làm, hoặc học liên thông cao đẳng,… rút ngắn thời gian học lên cao đẳng, đại học sau khi tốt nghiệp THPT. Trung tâm xác định nâng cao chất lượng đào tạo học viên vừa học văn hoá gắn với học nghề là giải pháp quan trọng, góp phần phân luồng học sinh sau THCS, thực hiện công tác hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp khả năng nhận thức và điều kiện gia đình của học viên. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chú trọng công tác bồi dưỡng đội ngũ, nâng cao chất lượng giảng dạy: Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; chủ động, sáng tạo trong giảng dạy đáp ứng các yêu cầu theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của người học.
Thực hành nghề sửa chữa máy móc trong Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp trong đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, thầy và trò Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Hòa đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục thường xuyên giữ vững ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ học sinh học lực Khá, Giỏi, hạnh kiểm Tốt tăng theo từng năm. Chất lượng hai mặt giáo dục luôn đạt chỉ tiêu, kế hoạch, chất lượng học nghề phù hợp tình hình thực tế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được giữ vững, bình quân đạt 80%; Trung tâm liên kết với Trường Trung cấp nghề Cao Bằng mở và duy trì các lớp trung cấp nghề cho học viên vừa học văn hóa kết hợp với học nghề là 126 học viên.
Hưởng ứng ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Ba năm 2024
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn
Trong quá trình triển khai thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn Huyện, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Hòa luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng và đầu ra của sản phẩm, áp dụng cho thế mạnh, điều kiện tự nhiên của từng địa phương mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp như: Trồng chè tại xã Độc Lập, xã Phúc Sen; Miến dong xã Cai Bộ; Trồng rau an toàn xã Quảng Hưng, xã Ngọc Động… Một số ngành nghề phi nông nghiệp như: Sửa chữa điện dân dụng đã thu hút người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ít người như dân tộc HMông ở các xã Phi Hải, xã Quốc Toản nhằm mục đích giúp bà con có kiến thức cơ bản để tự sửa chữa các thiết bị điện thông thường, giảm chi phí gia đình, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động, tự tạo việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại các địa phương.
Tuyên truyền Ba Văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 2023
Trong giai đoạn 2022-2024, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Hòa đã tổ chức được 49 lớp đào tạo cho 1.644 học viên. Trong đó, 1.579 học viên trình độ sơ cấp (gồm các ngành nghề nông nghiệp: Sửa chữa máy nông nghiệp; Chăn nuôi gà, lợn hữu cơ; Nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; Trồng và nhân giống nấm; Kỹ thuật trồng cây dong giềng; Trồng chè; Trồng rau an toàn; Trồng ngô năn xuất cao; Nghề phi nông nghiệp: Hàn điện; Sửa chữa điện dân dụng); và đào tạo nghề thường xuyên (Sản xuất phân hữu cơ vi sinh) cho 65 học viên. Sau khi được đào tạo nghề do Trung tâm tổ chức, các học viên đã phát huy được những kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng nghề góp phần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, từng bước nâng cao năng xuất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo, tăng thu nhập, tạo việc làm và tự tạo việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo tại địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Lễ Khai giảng năm học 2023-2024
Trong thời gian tới, nhằm triển khai hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Quảng Hòa tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cha mẹ học viên và người lao động về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề; vai trò và vị trí của công tác giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Huyện. Trong đó, khâu tuyên truyền, đổi mới công tác tuyên truyền, khảo sát, tư vấn tuyển sinh, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề là nhiệm vụ quan trọng. Công tác tuyên truyền đảm bảo thông tin đầy đủ về chính sách đối với người học, chính sách ưu đãi, xu hướng và nhu cầu sử dụng lao động đến tất cả người dân lao động trên địa bàn Huyện để họ lựa chọn ngành nghề phù hợp với thế mạnh, điều kiện tự nhiên của mỗi địa phương, từ đó tư vấn tuyển sinh học nghề phù hợp./.
Trọng Nghĩa