Huyện Tân Sơn - Phát huy nội lực, phát triển bứt phá

02/10/2022 - 12:04 PM

Tân Sơn là huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ, có tuổi đời còn khá "trẻ", được thành lập 15 năm trước theo Nghị định 61/2007/NĐ-CP ngày 09/04/2007 của Chính phủ trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Thanh Sơn. Dựa trên những nền tảng sẵn có, huyện Tân Sơn đã nỗ lực vượt qua những khó khăn ban đầu, đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Ông Nguyễn Xuân Toản, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn cho biết: Là một địa phương có bộ máy chính quyền còn trẻ, nội lực kinh tế của huyện còn yếu, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khó khăn, ít lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư; năng lực của các thành phần, tổ chức kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp với các Sở, ban, ngành, trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tân Sơn đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ổn định.
 


Tân Sơn tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị khu Trung tâm
hành chính huyện tại xã Tân Phú, hướng tới trở thành thị trấn trong tương lai gần

Tháng 03 năm 2018, huyện Tân Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu trước 02 năm so với kế hoạch. Kể từ đó, Tân Sơn đã tập trung vào các thế mạnh đặc trưng của địa phương để phát triển nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới. Đảng bộ Huyện đã đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, có 16 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 05 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 01 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Năm 2021, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Huyện đã đạt và vượt KH đề ra. Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 960 tỷ đồng; Thu ngân sách nhà nước đạt 51,13 tỷ đồng, vượt 46% dự toán giao; Giá trị sản phẩm bình quân/ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 105 triệu đồng, đạt kế hoạch; Trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn ước đạt 1.062 ha vượt kế hoạch, trong đó chuyển hóa rừng gỗ lớn ước đạt 142 ha; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội ước giảm xuống còn 64,2%, vượt kế hoạch; Tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề ước đạt 53,5%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, chứng nhận ước đạt 26,5%, đạt kế hoạch; Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,01%; tỷ lệ hộ cận nghèo 2%, đạt kế hoạch.
 


Dự án Khu dân cư số 2, xã Tân Phú đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng để đón nhà đầu tư

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn cũng ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ. Số bác sĩ trên vạn dân đạt 7,8 người; số giường bệnh trên vạn dân là 31,8 giường; cơ bản đạt kế hoạch. Chất lượng khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện được nâng lên so với các năm trước, bệnh viện đã áp dụng mô hình bệnh viện vệ tinh, khám chẩn đoán trực tuyến, mời chuyên gia, bác sĩ tuyến trên về khám chữa, phẫu thuật các ca bệnh nặng, vượt khả năng của Trung tâm Y tế huyện. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt mục tiêu, trong đó, Các xã khu vực III đạt 100%, các xã khu vực II đạt từ 98,9% trở lên; các xã khu vực I đạt từ 90% trở lên, bằng bình quân chung của tỉnh.

Về xây dựng nông thôn mới, Huyện giữ vững các tiêu chí đạt chuẩn Nông thôn mới của xã Minh Đài; 02 xã Văn Luông, Long Cốc mỗi xã đạt thêm 01 tiêu chí Nông thôn mới. Các xã còn lại đạt thêm ít nhất 01 chỉ tiêu hoặc tiêu chí Nông thôn mới, trong đó có 06 xã đạt thêm 01 tiêu chí (Xuân Đài, Thạch Kiệt, Xuân Sơn, Đồng Sơn, Tam Thanh, Thu Cúc); số khu dân cư đạt chuẩn NTM ước đạt 24 khu, tăng thêm 05 khu. Thực hiện phân bổ, giải ngân nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới năm 2021 theo chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, số tiền 1,59 tỷ đồng. Các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của các xã, các khu trong huyện hàng năm đều được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; ngày càng khang trang, sạch, đẹp; kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục liên tục được đầu tư, xây dựng và nâng cấp; các mô hình sản xuất, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học được nhân rộng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
 


Công trình cầu vượt lũ Kiệt Sơn đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu đi lại,
sinh hoạt và trao đổi giao thương hàng hóa của nhân dân

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát huy thế mạnh của địa phương, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Sơn ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phát triển sản phẩm nông nghiệp Huyện theo chuỗi giá trị. Trong thời gian tới, huyện tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết như: Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ gà nhiều cựa Tân Sơn; mô hình liêt kết cải tạo, nâng cao chất lượng, sản lượng trâu, bò lai; mô hình cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn quả (cam, quýt); mô hình vườn ươm giống cây lâm nghiệp; mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ vỏ khô cây Gai xanh AP1; mô hình liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu chè xanh khu vực Vườn Quốc gia Xuân Sơn và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù, sản phẩm OCOP. Hỗ trợ tập trung vào giống, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng (nhà xưởng chế biến, bảo quản), sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, xúc tiến thương mại…


Huyện Tân Sơn khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch

Bên cạnh đó, Huyện chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng chuyển dịch cơ cấu phù hợp với thế mạnh và nội lực của địa phương. Trong cụm Công nghiệp Tân Phú, các doanh nghiệp cơ bản vẫn duy trì hoạt động, tổng doanh thu năm 2021 của các doanh nghiệp ước đạt hơn 200 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2020; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 950 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Công nghiệp khai khoáng, sản xuất chế biến chè, gỗ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, dịch vụ vận tải, lưu thông hàng hóa khó khăn nhưng ngành vẫn nỗ lực vượt qua. Huyện cũng chú trọng làm tốt công tác thẩm định dự toán đầu tư xây dựng công trình, trong thẩm định ước trên 50 công trình dự án, số tiền cắt giảm so với giá trị đề nghị thẩm định ước đạt 2,3 tỷ đồng; chú trọng kiểm tra đánh giá chất lượng các công trình xây dựng; kịp thời quán triệt, triển khai các quy định, hướng dẫn mới của trung ương, địa phương liên quan tới xây dựng, quy hoạch, trật tự đô thị.


Đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn) hiện là một trong những điểm dừng chân hấp dẫn thu hút
lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh. 
Ảnh: Tư liệu

Phát huy thế mạnh nội tại của địa phương, huyện Tân Sơn tiếp tục đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Phối hợp triển khai thực hiện đề án, kế hoạch, dự án phát triển du lịch của UBND tỉnh Phú Thọ, trong đó có quy hoạch phát triển du lịch đồi chè Long Cốc của Tổng Công ty chè Việt Nam đã được UBND tỉnh cho chủ trương. Tập trung quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, đồi chè Long Cốc, thành lập HTX để quản lý, hoạt động bài bản theo quy định. Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện dự án đầu tư khu du lịch Đồi chè Long Cốc gắn với phát triển các sản phầm chè. Rà soát, đầu tư sửa chữa, nâng cấp chợ một số xã được hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình MTQG phát triển đồng bào DTTS và MN. Thu hút, phát triển các dự án, cơ sở bán hàng tiện ích, khách sạn, homestay tại trung tâm huyện, trung tâm cụm xã và các khu vực phát triển du lịch; quản lý khai thác có hiệu quả, bền vững các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, cũng như chú trọng quản lý các dự án đầu tư đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện.


Du lịch Vườn Quốc gia Xuân Sơn tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ

Cùng với sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, huyện Tân Sơn đã đặt quyết tâm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên; xây dựng huyện phát triển nhanh và bền vững; hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025./.

                                                                                                           Trọng Nghĩa

 

Một số hình ảnh về phát triển kinh tế và du lịch huyện Tân Sơn


Đồng bào các dân tộc huyện Tân Sơn đã biết thay đổi tư duy sản xuất nên đời sống cư dân nông thôn
không ngừng vươn lên



HTX chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn liên kết với các hộ dân sẽ đảm bảo được
nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn



Anh Lý Kim Lợi, người dân tộc Dao ở khu Tân Lập, xã Thu Cúc thành công với mô hình trồng nho Hạ đen


Khu vực trồng nho Hạ đen tại huyện Tân Sơn


Du lịch đồi chè Long Cốc tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn


Ngoài dịch vụ lưu trú, Homestay ở Xuân Sơn cũng phục vụ du khách dịch vụ ăn uống ngoài trời
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top