Tân Sơn (Phú Thọ) là huyện miền núi, địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tới 83,5% dân số toàn Huyện. Với xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng hạn chế... song thời gian qua, huyện Tân Sơn đã thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương…

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang kiểm tra tiến độ Dự án đường giao thông kết nối phát triển du lịch
đồi chè Long Cốc
Những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật
Trong giai đoạn 2021-2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Sơn; sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong huyện, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Sơn lần thứ IV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đã đạt được những kết quả quan trọng.
Huyện tập trung phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, đặc thù theo chuỗi liên kết sản xuất cho giá trị kinh tế cao: Hình thành các vùng liên kết sản xuất chè đạt 56 ha; Số lượng đàn gà nhiều cựa thương phẩm trong nhóm hộ liên kết tăng mạnh so với năm 2020, đạt bình quân 20.000 con/năm, dự kiến đến năm 2025 sẽ đạt chỉ tiêu 30.000 con/năm; phát triển rừng sản xuất: Trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn đạt 3.562 ha, bình quân 891 ha/năm, vượt kế hoạch đề ra. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn Huyện, giai đoạn 2021-2025, chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tay nghề, kỹ năng cho lao động nông thôn, doanh nghiệp, HTX. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, dạy nghề đạt 58,8%, tăng 7% so với năm 2020. Các chính sách an sinh xã hội được Huyện triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Tân Sơn tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị khu Trung tâm hành chính huyện tại thị trấn Tân Phú
Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt đến nay đạt 96,9% kế hoạch, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa đạt 80,7%, vượt 0,7% mục tiêu đề ra; hạ tầng đô thị đảm bảo tiêu chí đô thị loại V, hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông, chính quyền điện tử phát triển mạnh: Tỷ lệ phủ sóng viễn thông và truyền hình đạt 100%, UBND huyện và 17/17 xã được đầu tư, bố trí bộ phận một cửa đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; hạ tầng điện đã đảm bảo tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới đạt 100%; Hạ tầng giáo dục đào tạo được củng cố và tăng cường, tỷ lệ trạm y tế đạt chuẩn quốc gia duy trì 100%.
Các công trình trọng điểm của Huyện được đầu tư xây dựng; tỷ lệ trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố đạt 100%, tỷ lệ học sinh được đến trường lớp đảm bảo 100%, các thôn đều đảm bảo có nhà sinh hoạt cộng đồng. Công tác quản lý nhà nước của chính quyền hoạt động hiệu quả; cải cách hành chính đạt kết quả tích cực, kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2023 xếp thứ 2/13 các huyện, thành, thị; xếp loại Chính quyền điện tử đứng thứ 5/13 huyện, thành, thị; công tác chỉ đạo, điều hành của UBND huyện có đổi mới theo hướng tiến bộ. Thành lập thị trấn Tân Phú theo Nghị quyết số 1282/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Huyện ổn định.

Đồng bào các dân tộc huyện Tân Sơn đã biết thay đổi tư duy sản xuất nên đời sống không ngừng vươn lên
Thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia
Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Sơn trong thời gian qua đã được Huyện ủy, HĐND - UBND huyện quan tâm chỉ đạo sát sao, hiệu quả. Mặc dù gặp nhiều khó khăn do nền tảng kinh tế, xã hội thấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, song huyện Tân Sơn đã huy động được sự vào cuộc tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đoàn kết thống nhất của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức của các tầng lớp Nhân dân, từ đó đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Đến nay, Huyện đã có 03 xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới, trong đó xã Minh Đài được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018, xã Long Cốc và Văn Luông dự kiến được công nhận năm 2025; các xã khác trên địa bàn Huyện đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Hiện, có 39 khu được công nhận khu dân cư nông thôn mới, 01 khu đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc tạo việc làm ổn định, nâng cao cuộc sống người dân địa phương
Nhìn chung, các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới của huyện Tân Sơn hằng năm đều được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc và ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục liên tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Các mô hình sản xuất, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học được nhân rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao…
Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, chương trình có nhiều chính sách đa dạng và địa bàn triển khai bao phủ rộng, trải dài trên địa bàn huyện Tân Sơn bao gồm: 10 dự án, 13 tiểu dự án và các nội dung chính sách thành phần.
Trong năm 4 năm qua (2021-2024), tổng nguồn lực để triển khai Chương trình đối với huyện Tân Sơn hơn 495 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hơn 403 tỷ đồng. Đến nay, sau gần 4 năm thực hiện, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình đã đi vào vận hành tương đối tốt, kết quả triển khai thực hiện Chương trình năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực. Bức tranh vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn Huyện thay đổi tốt hơn.

Huyện Tân Sơn khai thác tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch
Các nguồn lực, chính sách của Chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như kết nối đường giao thông, các công trình tưới tiêu phục vụ sản xuất, các công trình tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, sinh hoạt văn hóa; hoạt động đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho một lực lượng lao động trên địa bàn; thông qua đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Đặc biệt, các nội dung đầu tư, hỗ trợ có liên quan trực tiếp đến người dân như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt tập trung/phân tán (Dự án 1); Quy hoạch sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (Dự án 2); hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế cộng đồng (Dự án 3); Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu (Tiểu Dự án 1, Dự án 4); Đầu tư cơ sở vật chất các trường dân tộc bán trú, nội trú của Huyện, đào tạo nghề, nâng cao năng lực cho cộng đồng (Dự án 5); chính sách bình đẳng giới (Dự án 8); chính sách giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Tiểu dự án 2, Dự án 9), chính sách đối với người có uy tín (Tiểu dự án 1, Dự án 10) đã mang lại những hiệu quả tích cực, tạo sinh kế, nâng cao dân trí, đời sống vật chất tinh thần, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các DTTS.

Hội chợ thương mại trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm huyện Tân Sơn
Đến hết năm 2024, thông qua Chương trình, huyện Tân Sơn đã hỗ trợ về nhà ở cho 298 hộ; xây dựng hoàn thành 279 căn nhà; Hỗ trợ chuyển đổi nghề 897 hộ mua máy móc nông cụ, dụng cụ. Đầu tư xây dựng 8 danh mục dự án nước sinh hoạt tập trung. Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 333 hộ. Xây dựng và hỗ trợ 45 Dự án đa dạng hóa sinh kế cộng động với 1.123 hộ dân tham gia... Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn Huyện đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống bà con ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 1,7%. Dự kiến đến năm 2025 có 4 xã, 40 khu dân cư ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn./.
Trọng Nghĩa