Năm 2024, huyện Thoại Sơn kỷ niệm 45 năm ngày tái lập huyện trong niềm vui hân hoan đón nhận Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Kết quả trên đã đưa Thoại Sơn trở thành một trong ba huyện tiên phong xây dựng nông thôn mới nâng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới với mô hình hay và cách làm hiệu quả
Huyện Thoại Sơn được tái thành lập vào năm 1979, theo Quyết định 300-CP, ngày 23/8/1979 của Hội đồng Chính phủ về điều chỉnh địa giới một số huyện và thị xã, thuộc tỉnh An Giang. Những ngày đầu tái thành lập, Thoại Sơn còn là một vùng quê nghèo khó, điều kiện kinh tế - xã hội thiếu thốn, giao thông chưa phát triển, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù xuất phát điểm thấp nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trong Huyện, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn đã vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tìm ra hướng đi riêng, với những giải pháp, cách làm hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật, Huyện đã là mạnh dạn triển khai nhiều mô hình chuyển đổi như: Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thực hiện trồng lúa từ 1 vụ sang 2 - 3 vụ, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, thực hiện nhiều mô hình an sinh - xã hội.
Song song với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển nông thôn được huyện chú trọng và triển khai quyết liệt cùng cả nước trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2018, huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới với 14/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kế thừa những thành tựu đã đạt được, Thoại Sơn tiếp tục nỗ lực xây dựng nông thôn mới nâng cao với nhiều mô hình hay và cách làm hiệu quả.
Cụ thể, Huyện đã mở rộng mới 11 tuyến đường đến trung tâm xã từ 3,5 mét lên 7,5 mét, với chiều dài 43 km; đường liên xã, liên ấp được nhựa hoá 31 tuyến, với 118 km và đạt tỷ lệ 100% các tuyến; mô hình đội thi công cầu thiện nguyện: Cất mới 42 cây cầu bê tông kiên cố (kinh phí xã hội hoá 71%, Nhà nước hỗ trợ 29%), nhân công huy động Nhân dân và lực lượng cán bộ tham gia. Hệ thống đèn chiếu sáng được đầu tư mới 56 tuyến, với 136 km vốn xã hội hóa 50%, ngân sách 50%. Qua đó đã nâng tổng số tuyến đường có hệ thống chiếu sáng là 98 tuyến và chiều dài 401 km/401 km, đạt tỷ lệ 100%.
Bên cạnh đó, Huyện tích cực triển khai các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 114 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp, tổng kinh phí trên 32,6 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hỗ trợ 8,2 tỷ đồng trên các lĩnh vực: 82 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt; 21 mô hình trong lĩnh vực thủy sản và 11 mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Thông qua các mô hình hỗ trợ, nông dân đã nhân rộng trên toàn huyện trên 425 mô hình, đã thu hút được doanh nghiệp lớn vào sản xuất, góp phần giải quyết khoảng 10.000 lao động tại địa phương. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần hàng năm, đến nay còn 1,17%.
Huyện Thoại Sơn triển khai nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới đem lại hiệu quả cao
Toàn huyện có 23 Quỹ Khuyến học khuyến tài với kinh phí vận động được hơn 23 tỷ đồng; huyện có 54 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, chiếm 80,5%, so mặt bằng chung của tỉnh là 55 %, so năm 2018 tăng 39 trường và thêm 58,2%. Thông qua các Quỹ Khuyến học khuyến tài đã giúp cho hàng nghìn con em học sinh khó khăn được đến trường và hoàn thành các cấp học; bên cạnh đó quỹ còn hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất và động viên giáo viên vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao chất lượng dạy và học.
Trong lĩnh vực y tế, Huyện có 22 xe chuyển viện miễn phí chuyên dùng và có 18 quỹ giúp bệnh nhân nghèo; từ kinh phí các nguồn quỹ trên đã tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho bệnh nhân vượt qua khó khăn, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo.
Từ năm 2003 đến nay, huyện Thoại Sơn đã xây dựng và phát triển 31 Quỹ xã hội từ thiện, với kinh phí vận động được là 57 tỷ 190 triệu đồng; mô hình mái ấm tình thương của Huyện với 18 Quỹ vận động kinh phí được 135 tỷ 764 triệu đồng làm nhà từ thiện và đã thực hiện cất hơn 2.650 căn nhà tình thương cho hộ nghèo và khó khăn về nhà ở của Huyện; mô hình bếp ăn từ thiện ở các trường học,... Các mô hình này không chỉ hỗ trợ được cho Nhân dân trong Huyện mà còn góp phần thúc đẩy tiêu chí nông thôn mới của huyện đạt trước lộ trình đề ra.
Trên các tuyến đường và các khu vực trọng yếu trên địa bàn huyện được lắp đặt 2.266 camera an ninh. Mô hình này hỗ trợ cơ quan Công an nắm bắt kịp thời về trật tự an ninh của Huyện; đồng thời xử lý nhanh việc trấn áp tội phạm khi xảy ra trên địa bàn, đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng ngừa tội phạm. Từ đó góp phần ổn định trật tự xã hội của địa phương.
Trái ngọt từ những nỗ lực không ngừng
Xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành các chủ trương, chương trình, kế hoạch thực hiện trong trung hạn và hằng năm; đồng thời, đã chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện trải dài từ cấp tỉnh đến cơ sở, trong đó chú trọng phấn đấu đạt mục tiêu 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Huyện và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Thoại Sơn bước vào giai đoạn 2021-2025, với nhiều khó khăn thách thức. Trong đó, Bộ tiêu chí, chỉ tiêu nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao các cấp đều được nâng cao, bổ sung nhiều chỉ tiêu mang tính định lượng, có chiều sâu về phát triển kinh tế, nâng cao tính thụ hưởng về văn hóa, an toàn về môi trường, chú trọng về chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn. Trong điều kiện nguồn lực của Trung ương và địa phương phân bổ trực tiếp cho Chương trình có hạn, cả hệ thống chính trị và Nhân dân huyện Thoại Sơn đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vận dụng nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo hiệu quả để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Huyện Thoại Sơn đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023
Những nỗ lực của Huyện đã đem lại thành quả to lớn khi năm 2024, huyện Thoại Sơn kỷ niệm 45 năm ngày tái lập huyện trong niềm vui hân hoan đón nhận Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Thoại Sơn đã hoàn thành mục tiêu và về đích sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, trở thành 1 trong 3 huyện đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản của Huyện chiếm 46,15%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,16% và thương mại - dịch vụ chiếm 34,69%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm, dự kiến đến cuối năm 2024 giảm còn 0,74%. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của huyện không ngừng được đầu tư và mở rộng với 435km là đường nhựa, bê tông nhựa, 75km đường bê tông xi măng, 3.186 cầu bê tông đã kết nối với tỉnh và thông suốt từ huyện đến các xã, thị trấn.
Huyện Thoại Sơn tiếp tục duy trì, nâng chất 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới và hoàn thành việc đạt 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao ở 100% số xã trên địa bàn huyện theo Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thực hiện duy trì, nâng chất 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và thực hiện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao, hoàn thành 04/04 điều kiện quy định để đề nghị công nhận huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Với thành tích vượt trội trong kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ đổi mới, trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thoại Sơn vinh dự và tự hào được Nhà nước phong tặng là huyện đầu tiên trong cả nước đạt cả 3 danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2000, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2009 và huyện đầu tiên trong tỉnh An Giang đạt chuẩn huyện Nông thôn mới năm 2018.
Năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang đã trao tặng Bằng khen của Đảng bộ huyện Thoại Sơn đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tặng Cờ thi đua cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “An Giang chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 đã được trao tặng bằng khen và giấy khen.
Đáng chú ý, với 31 nguồn quỹ kể từ năm 2003 đến nay, Huyện Thoại Sơn đón nhận Kỷ lục Việt Nam, với nội dung Huyện xây dựng và vận động xã hội hóa được nhiều nguồn quỹ nhất để phục vụ công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn.
Nông thôn Thoại Sơn ngày càng phát triển, phấn đấu đạt nông thôn mới kiểu mẫu
Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã góp phần to lớn giúp diện mạo nông thôn Thoại Sơn ngày càng tươi đẹp, khang trang, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Thoại Sơn giữ gìn và phát huy tối đa các di tích cấp Quốc gia, di tích cấp tỉnh, Di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo-Ba Thê (An Giang).
Những thành quả trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Thoại Sơn là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Huyện đã nỗ lực phấn đấu trong suốt thời gian qua. Với những thành quả đạt được, huyện Thoại Sơn tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; hướng đến xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới./.
Thu Hiền