Năm 2010, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Bình Liêu có xuất phát điểm rất thấp với 6 xã đặc biệt khó khăn, 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân chỉ hơn 8 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến trên 60% (cao nhất tỉnh). Các nhóm tiêu chí cơ bản như quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở...đều rất thấp. Trong khi đó, trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, một bộ phận lớn quen với cách làm manh mún nhỏ lẻ và có tư tưởng trông chờ ỷ lại, một số phong tục lạc hậu vẫn tồn tại khiến việc xây dựng NTM ở Bình Liêu từng là “ý tưởng xa vời”.
Đứng trước những thách thức vô cùng lớn đó, huyện Bình Liêu xác định xây dựng NTM phải đột phá từ việc xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông- đô thị là động lực. Từ đó, Bình Liêu xây dựng Nghị quyết chuyên đề để huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng. Ngoài sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh (thông qua Nghị quyết phát triển vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo), Bình Liêu còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp thông qua hiến đất, tham gia ngày công và kinh phí để làm đường, xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu. Trong 13 năm (từ năm 2010 - 2023), trong tổng vốn huy động thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn là hơn 430 tỷ đồng thì vốn ngoài ngân sách chiếm tới 18%. Nhờ vậy, đến nay, toàn Huyện có 419,8 km đường giao thông, trong đó đường huyện là 101,68km, đường xã có 83,74 km, đường thôn có 121,95km, đường ngõ xóm có 76,81 km, đường nội đồng 46,99km. Hệ thống đường trên địa bàn Huyện được bê tông, nhựa hóa đạt 100%. Nhờ hệ thống hạ tầng giao thông, diện mạo địa phương có bước chuyển toàn diện. Đường giao thông thôn được cứng hóa đến tận khu vực rừng sản xuất góp phần giảm bớt những khó khăn, vất vả nên người dân rất phấn khởi, nhất là con em được đến trường học thuận tiện, an toàn hơn. Giao thông thuận lợi mở ra nhiều cơ hội phát triển cho huyện miền núi, biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc.
Xác định mục tiêu cốt lõi của xây dựng NTM là nâng cao thu nhập của người dân, huyện Bình Liêu có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả, khai thác tốt được lợi thế về nông, lâm nghiệp. Cụ thể, Huyện Bình Liêu triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án tái cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, gắn liền với các hình thức hỗ trợ, qua đó, hình thành được vùng sản xuất tập trung đối với các cây chủ lực như: Cây dong riềng (148,8ha), cây hồi (trên 7.000ha), cây sở (trên 400ha), cây thông (trên 12.000ha)… Các tiến bộ khoa học - kỹ thuật được người dân, doanh nghiệp áp dụng hiệu quả trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi và mang lại giá trị kinh tế cao. Tư duy sản xuất của người dân thay đổi theo hướng từ đơn lẻ chuyển sang liên kết để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng tới xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ. Đến nay, Huyện có 22 hợp tác xã nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực, được cấp mã vùng trồng và các chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất an toàn (VietGap).
Để đảm bảo các tiêu chí về môi trường, Huyện hỗ trợ kinh phí, vận động người dân xây dựng khu chuồng trại tập trung, triển khai mô hình về thu gom chất thải gia súc, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tăng cường chỉnh trang đô thị, trồng cây xanh dọc các tuyến đường, xây dựng vườn hoa, tiểu cảnh, cây xanh tại các khu trung tâm, xây dựng cổng chào thôn khang trang. Đến nay, hệ thống thoát nước được xây dựng kiên cố, đảm bảo an toàn, được nạo vét, khơi thông dòng chảy, phát quang, kè bờ tạo cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp; hệ thống chiếu sáng trên địa bàn xã, thôn được đầu tư xây dựng đạt 52,4%; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom, xử lý đạt 97,5%, không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung. Các ban, ngành, đoàn thể của huyện Bình Liêu cũng đã triển khai nhiều phong trào như: “Ngày Chủ nhật xanh”, “5 không 3 sạch”, thực hiện tốt mô hình “Tự quản về an ninh trật tự” để xây dựng thôn, xóm an toàn, bình yên.
Bằng sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và trên hết là khát vọng vươn lên trong mỗi người dân, Bình Liêu đã có sự bứt phá ngoạn mục trong hành trình xây dựng NTM, trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Kết thúc năm 2023, Bình Liêu có 6/6 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 2 xã Hoành Mô và Húc Động đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, thị trấn Bình Liêu đáp ứng đủ điều kiện đô thị văn minh. Thu nhập bình quân đạt hơn 70 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện chỉ còn 0,84% tỷ lệ nghèo đa chiều; không còn nhà tạm; 100% người dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Công tác giáo dục – đào tạo chuyển biến tích cực với tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt gần 96%, người dân được chăm lo y tế, đời sống tinh thần được nâng cao. Với quan điểm xây dựng NTM không có điểm dừng, năm 2024, Bình Liêu bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong giai đoạn này, Huyện xác định chuyển dần từ lượng sang chất, tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại và nông dân văn minh vùng dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/người/năm.
Từ quá trình xây dựng NTM và NTM nâng cao, Bình Liêu ngày càng có điều kiện và nguồn lực để gìn giữ các bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, huyện Bình Liêu có 4 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian của các dân tộc; 4 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; 1 loại hình lễ hội truyền thống; 11 di sản loại hình nghề thủ công truyền thống; 22 di sản thuộc tri thức dân gian. Chính sự đa dạng, phong phú về văn hóa đã mang lại cho huyện Bình Liêu nguồn tài nguyên giá trị về văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc.
Để khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trở thành sản phẩm du lịch, Huyện đã xây dựng và hoàn thành: Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”… Ngoài ra, Huyện đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả 26 CLB văn nghệ từ thị trấn đến cấp xã, thôn; tổ chức các lớp truyền dạy hát Then – đàn tính, hát Soóng Cọ, hát Pả dung vào trong trường học nhằm trao truyền và phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian; duy trì nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, Lễ hội đình Lục Nà, Lễ Hội hoa Sở, Hội Mùa vàng với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị nhằm giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống.
Bên cạnh giá trị văn hóa, Bình Liêu còn được ví như một “Sapa thu nhỏ” của vùng Đông Bắc với những dãy núi trùng điệp, cảnh quan thiên nhiên vẫn hoang sơ, thơ mộng và khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Đến với Bình Liêu, du khách sẽ say mê với những cung đường biên giới ngập tràn cỏ lau trắng, những thửa ruộng bậc thang chín vàng, tự hào khi đứng bên các cột mốc 1297, 1305, 1327 cheo leo, thác suối Khe Vằn, Khe Tiền hùng vĩ.
Trên cơ sở những lợi thế này, Bình Liêu đã xây dựng thành 7 nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá - trải nghiệm bản sắc văn hóa gắn với các lễ hội, du lịch biên giới… Để hoạt động du lịch ngày càng nâng cao chất lượng và hiệu quả, Huyện tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện, phát triển của các làng nghề, đưa sản phẩm OCOP vào phục vụ du lịch, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ du lịch cho các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ, tăng cường quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch, liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh…
Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, Bình Liêu từ “từ chỗ không có du lịch” đã trở thành điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong bản đồ du lịch văn hóa, trải nghiệm của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc. Năm 2023, huyện đón 150 nghìn lượt khách, trong đó khách lưu trú khoảng 40 nghìn lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 77 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương./.
|