Nâng cao đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi huyện Yên Bình

11/11/2024 - 11:38 AM

Yên Bình là huyện vùng thấp nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Yên Bái, Huyện có 5 dân tộc cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 48,8%. Những năm qua, huyện Yên Bình đã triển khai, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo. Để triển khai, thực hiện có hiệu quả các Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG), huyện Yên Bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo một cách công khai, minh bạch, dân chủ và nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế: Trong giai đoạn 2021-2023, kinh tế huyện Yên Bình duy trì đà tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ (trong đó công nghiệp, xây dựng tăng cao). Bên cạnh đó, huyện Yên Bình đã khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất nông nghiệp, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các mô hình, đề án phát triển nông nghiệp phát huy được hiệu quả, từng bước hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, phát triển vùng chăn nuôi hàng hóa tập trung; một số sản phẩm nông sản đặc sản của Huyện tiếp tục khẳng định thương hiệu và phát huy giá trị kinh tế. Đến nay, toàn Huyện có vùng cây ăn quả tập trung với trên 2.000 ha, trong đó có khoảng 1.000 ha bưởi đặc sản Đại Minh cho doanh thu hằng năm trên 50 tỷ đồng; gần 500 ha chè cho năng suất, chất lượng tốt; trên 2.000 lồng nuôi cá, trên 800 ha diện tích nuôi trồng thủy sản cho sản lượng hằng năm gần 8.000 tấn cá đang được duy trì; trên 320 mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm, dê hàng hoá đang hoạt động hiệu quả; gần 300 cơ cở chăn nuôi trâu, bò quy mô trên 10 con...


Người dân xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình ươm cây quế giống phát triển kinh tế đồi rừng

Công tác thu hút đầu tư ngày càng được huyện Yên Bình quan tâm, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tập thể. Huyện đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp như: Xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu. Thu hút đầu tư kinh doanh ở những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn, khu thương mại. Từng bước phát huy lợi thế hồ Thác Bà để phát triển du lịch bền vững, Huyện đã tập trung triển khai nhiều nội dung hợp tác phát triển trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ nhằm khai thác, phát huy thế mạnh trên cơ sở tiềm năng, tài nguyên sẵn có của địa phương để xây dựng địa điểm du lịch thu hút du khách. Lượng khách tới thăm quan và nghỉ dưỡng tăng nhanh qua các năm, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 250.000 lượt khách du lịch đến Huyện, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 30%.


Bưởi Đại Minh trở thành cây ăn quả đặc sản, đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương

Xác định công nghiệp là khâu đột phá trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cùng với việc tập trung thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, huyện Yên Bình đã vận dụng tối đa các chính sách khuyến khích của Nhà nước nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn huyện với nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp; đồng thời bố trí gần 270 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng dự án Cụm công nghiệp Phú Thịnh nhằm đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, chế biến sâu gắn với tiềm năng, lợi thế của huyện (như: Chế biến sâu khoáng sản đá trắng, xi măng, bột Cacbonnat Canxi, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến gỗ công nghệ cao...).

Về kết quả thực hiện các Chương trình MTQG: Những năm qua, huyện Yên Bình tập trung triển khai, thực hiện 3 Chương trình MTQG: Xây dựng nông thôn mới, Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các chương trình đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra, đến hết năm 2023, huyện Yên Bình đã hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn của huyện nông thôn mới.


Mô hình nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà đã tạo sinh kế cho hàng nghìn hộ dân của huyện Yên Bình

Đến năm 2023, 100% số xã của huyện Yên Bình (22/22 xã) được công nhận và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ Tiêu chí 2021-2025; 07 xã, chiếm 31,8% được công nhận và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo Bộ Tiêu chí 2021-2025; có 02/02 thị trấn, đạt 100% đáp ứng đầy đủ mức độ đạt các tiêu chí đánh giá điều kiện xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh; hoàn thành 9/9 tiêu chí xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Yên Bình với một số kết quả nổi bật như sau:

Trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao gắn với thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Huyện Yên Bình hiện có 18 dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện tại 22/22 xã và 38 sản phẩm OCOP; một số sản phẩm đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng như: Bưởi Đại Minh, Gạo Bạch Hà, Cá Hồ Thác Bà, Chè Hán Đà...

Hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư đồng bộ: Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Yên Bình kết nối tới 24 xã, thị trấn. Các tuyến đường huyện hằng năm được bảo trì, cải tạo và được trồng cây xanh. Sản xuất công nghiệp với cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu của nền kinh tế (trên 54%). Cảnh quan, không gian trên địa bàn toàn huyện đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn.


Huyện Yên Bình chú trọng phát triển các mô hình kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương,
góp phần giảm nghèo bền vững

Lĩnh vực văn hoá, xã hội được quan tâm chăm lo, có nhiều tiến bộ, trường học, trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực đạt chuẩn quốc gia. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, Huyện đã thu hút được một số nhà đầu tư có tiềm năng vào khảo sát, triển khai dự án đầu tư phát triển du lịch vùng hồ, như: Tập đoàn Alphanam, Tập đoàn Sungroup, Công ty Cổ phần Flamigo Holding Group..., hình thành một số sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách trong nước và quốc tế, như: Du lịch tâm linh với điểm nhấn là Lễ hội Đền mẫu Thác Bà, du lịch cộng đồng với trên 30 điểm homestay, 18 câu lạc bộ, 08 đội văn nghệ dân gian phục vụ khách du lịch, mỗi năm thu hút trên 250 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm trên 30%, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt trung bình 170 tỷ đồng/năm. Hệ thống chính trị được giữ vững, tình hình an ninh, trật tự xã hội trong những năm qua luôn ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt; năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,29 triệu đồng/người/năm.

Về Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Huyện Yên Bình đã và đang triển khai thực hiện tại 117 thôn thuộc 16 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Huyện với tổng kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là 118,9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 25 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2023 tổng vốn đã bố trí trên 115 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển là trên 102 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp trên 13 tỷ đồng. Huyện đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 39 công trình (24 công trình đường giao thông, cầu qua suối; 02 công trình nước sạch; 07 trường lớp học, 06 chợ); hỗ trợ làm mới 123 căn nhà cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; hỗ trợ trên 260 hộ mua sắm nông cụ, máy móc chuyển đổi nghề; 224 hộ mua sắm téc nước sinh hoạt; hỗ trợ 55 con trâu, bò cho các hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc các thôn đặc biệt khó khăn để có sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững.


Câu Lạc bộ Văn nghệ dân gian dân tộc Cao Lan xã Phúc An chuẩn bị đạo cụ biểu diễn giao lưu văn nghệ

Bên cạnh đó, huyện Yên Bình tổ chức được 09 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho trên 300 lao động dân tộc thiểu số; hỗ trợ 2.200 triệu đồng để thực hiện các nội dung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; hỗ trợ các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, người dân từ Huyện đến cơ sở; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS&MN; tổ chức biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín; phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025. Thông qua đó đã góp phần xóa đói, giảm nghèo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Huyện; tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Bình năm 2023 chỉ còn 4,5%.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, do đây là Chương trình mới, với nhiều nhiệm vụ và được triển khai trên địa bàn rộng nên quá trình thực hiện, huyện Yên Bình cũng gặp không ít khó khăn, đó là: Chương trình có độ bao phủ rất lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực như: Văn hóa, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, quốc phòng… Vì vậy, việc xác định đúng đối tượng để thụ hưởng các chính sách là một thách thức. Đặc biệt, do địa bàn Huyện rộng lớn và bị chia cắt bởi hồ Thác Bà nên việc triển khai mất nhiều thời gian. Hướng dẫn thực hiện các chính sách thuộc Chương trình có quá nhiều văn bản, thiếu đồng bộ, vì vậy, chính quyền cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối chiếu, tìm kiếm những hướng dẫn để thực hiện đúng quy định. Bên cạnh đó, thực tế tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bộ máy chính quyền cơ sở phải triển khai một khối lượng công việc lớn là một thách thức không nhỏ trong việc triển khai Chương trình.


Bộ mặt hạ tầng trung tâm huyện nông thôn mới Yên Bình hôm nay đã đổi thay rất nhiều

Để các chính sách của Trung ương được triển khai, thực hiện một cách tập trung, hiệu quả và thiết thực, huyện Yên Bình đề xuất một số nội dung sau: Khi thiết kế các chính sách cần hướng tới nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất; ưu tiên các công trình sử dụng nguyên vật liệu địa phương và sử dụng lao động tại chỗ để tạo thêm sinh kế cho người dân; tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin…

Trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình cần đẩy mạnh việc cân đối vốn, sớm bố trí vốn giúp địa phương đủ nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tránh để lâu dẫn đến đội vốn; đồng thời có chính sách khích lệ đối với địa phương hoàn thành sớm mục tiêu Chương trình. Cùng với đó, lãnh đạo Tỉnh, huyện cần thường xuyên lắng nghe và nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh; tổ chức các cuộc họp tiếp nhận ý kiến, bàn giải pháp tháo gỡ trong việc giải ngân vốn đầu tư. Tổ chức thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho cán bộ cấp cơ sở theo hướng rõ nội dung, nhiệm vụ và cách thức tổ chức thực hiện (cầm tay chỉ việc), nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở bởi họ vừa là đối tượng, vừa là mục tiêu và cũng là người thực hiện Chương trình, coi đó là “đòn bẩy” giúp Chương trình đạt kết quả sớm và cao nhất./.


Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Yên Bình lần thứ IV, năm 2024

Với những giải pháp đồng bộ, sự đồng lòng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc cùng sự đầu tư từ các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai sẽ là động lực to lớn giúp huyện Yên Bình sớm hoàn thành các mục tiêu về phát triển kinh tế, văn hóa xã hội trên địa bàn, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nói chung và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng, đưa huyện Yên Bình phát triển toàn diện theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc./.

Nguyễn Xuân Trường
Chủ tịch UBND huyện Yên Bình

 

 
 

 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top