Kết quả thực hiện chương trình đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2030

23/06/2021 - 10:18 AM
Trợ giúp người khuyết tật tại Việt Nam là một trong những chủ trương, chính sách lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và đẩy mạnh. Theo đó, Chương trình Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 đã đạt được những kết quả tích cực, đảm bảo đúng yêu cầu, mục đích trợ giúp người khuyết tật phát huy hết khả năng của mình, tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.
 
Kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 (Đề án 1019) của Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, sau 8 năm triển khai Đề án đã giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật (NKT) được cải thiện đáng kể. Đặc biệt nhận thức của người dân về NKT đã thay đổi, tiến bộ vượt bậc, nhiều rào cản môi trường cũng như xã hội đã và đang từng bước được dỡ bỏ, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phát huy khả năng của mình, tự tin, tự lực trong cuộc sống.

Theo báo cáo, hiện cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lện, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu NKT được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu cụ thể:

Về tiếp cận giáo dục: Đến nay Việt Nam đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cấp tỉnh ở trên 20 tỉnh thành phố; đã có 107 cơ sở giáo dục chuyên biệt và 12 trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật và triển khai giáo dục hòa nhập ở tất cả các cấp học phổ thông. Số trẻ khuyết tật được đi học ở Việt Nam đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỷ qua. Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 88,7%, trung học phổ thông là 33,6%.

Hiện cả nước có 4 trường Đại học sư phạm và 3 trường Cao đẳng Sư phạm thành lập khoa Giáo dục đặc biệt và mở các mã ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật và hàng năm, các trường này đào tạo được gần 600 giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Hàng năm tập huấn giáo dục hòa nhập cho 600 - 700 cán bộ quản lý và từ 2.000 - 2.500 giáo viên mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông cốt cán của 63 tỉnh/thành phố về nghiệp vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật để những người này tiến hành tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên tại các địa phương về giáo dục hòa nhập, tiếp tục phát triển mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong cả nước.

Về chăm sóc y tế và phục hồi chức năng: Cả nước có 50 tỉnh/thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển công tác phục hồi chức năng; 36 tỉnh, thành phố đã tiến hành khám sàng lọc khuyết tật, xác định nhu cầu cần phục hồi của người khuyết tật, trong đó có 16 tỉnh được bổ sung ngân sách của Bộ Y tế để triển khai hoạt động; 29/63 tỉnh, thành phố triển khai hệ thống thông tin và có trên 500 nghìn NKT đã được lập hồ sơ theo dõi phần mềm. Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho NKT đến nay đã được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố với 337 quận, huyện và 4.604 xã, phường. Thông qua chương trình, đã có 170 nghìn NKT được chăm sóc sức khỏe, 23,2% NKT có nhu cầu được phục hồi chức năng tại cộng đồng, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe NKT.

Về đào tạo nghề và việc làm: Cả nước có 1.130 cơ sở dạy nghề có tổ chức dạy nghề cho NKT, trong đó có 744 cơ sở công lập, 386 cơ sở tư thục. Trong số các cơ sở dạy nghề cho NKT có 225 cơ sở dạy nghề chuyên biệt. Tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho NKT là 3.359 giáo viên.

Đến nay, các địa phương đã chủ động xây dựng, rà soát, phê duyệt 4.355 lượt danh mục nghề đào tạo, 3.657 định mức chi phí đào tạo làm căn cứ thực hiện đào tạo cho lao động nông thôn và đào tạo hòa nhập cho NKT; các địa phương cũng đã lựa chọn, phê duyệt danh mục và định mức chi phí đào tạo cho trên 950 lượt nghề để tổ chức đào tạo chuyên biệt đối với NKT. Giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm có từ 25- 27 nghìn NKT được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.

 
Kết quả thực hiện chương trình đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2030

Ảnh minh họa

 
Ước tính bình quân mỗi năm các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức của/vì NKT ở Trung ương và các địa phương dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho khoảng 10 nghìn NKT. Hoạt động tư vấn học nghề và việc làm cho NKT cũng được quan tâm, hiện cả nước có 64 trung tâm dịch vụ việc làm, bình quân mỗi năm các trung tâm đã tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho khoảng 20 nghìn lượt NKT với tỷ lệ thành công đạt trên 50%.

Về hỗ trợ tiếp cận giao thông, xây dựng: Kết quả triển khai Đề án tại các địa phương cho thấy, có nhiều công trình xây mới, cải tạo đã đảm bảo cho NKT tiếp cận. Công tác thẩm tra, thẩm định các công trình xây dựng mới trong những năm gần đây, có 95% công trình nhà chung cư được đánh giá là đảm bảo tiếp cận sử dụng, 80% các công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại dịch vụ, văn phòng, trụ sở cơ quan đảm bảo tiêu chuẩn tiếp cận của NKT và 85% các công trình hạ tầng kỹ thuật đảm bảo tiếp cận và sử dụng của NKT.

Về công nghệ, thông tin và truyền thông: Kể từ năm 2012, Việt Nam đã có chương trình dạy ngôn ngữ ký hiệu trên vô tuyến do đó NKT có thể sử dụng ngôn ngữ ký hiệu một cách thuận tiện. Hiện nay có 05 kênh truyền hình bao gồm: VTV1, VTV2, VTV4, Truyền hình Nhân Dân, và O2TV có chương trình truyền hình có phụ đề và ngôn ngữ ký hiệu cho NKT. Cả nước có hơn 60% các trang mạng/cổng thông tin của các cơ quan nhà nước đã cung cấp các chức năng cơ bản hỗ trợ NKT tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông (cụ thể như màn hình đọc cho NKT nhìn, tăng và giảm cỡ chữ).

Về trợ giúp pháp lý: Các Trung tâm trợ giúp pháp lý trong toàn quốc đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho trên 28,7 nghìn lượt NKT có khó khăn về tài chính, thông qua các hình thức tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Một số Trung tâm đã phối hợp tốt với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc các cơ sở của NKT để tổ chức trợ giúp pháp lý tại cơ sở hoặc chuyển gửi yêu cầu trợ giúp pháp lý của NKT có khó khăn về tài chính.

Bộ Tư pháp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng trợ giúp pháp lý đối với NKT cho người thực hiện trợ giúp viên pháp lý, kỹ năng làm việc với NKT, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là kỹ năng trợ giúp pháp lý trong tố tụng cho NKT.

Trợ giúp người khuyết tật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch: Đến nay cả nước đã có 64 đội thông tin tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, 577 đội cấp huyện, hằng năm đã tổ chức phục vụ hàng triệu lượt người xem, trong đó có một bộ phận là NKT. Về thể dục, thể thao: Cả nước có 45/63 tỉnh thành có phong trào thể dục thể thao cho NKT, trong đó 30-35 tỉnh, thành phố thường xuyên hoạt động có nền nếp. Cả nước có 68.470/118.200 thôn có Nhà văn hóa, khu thể thao thôn phục vụ cộng đồng trong đó có phục vụ NKT. Từ năm 2014, các vận động viên được tập huấn dài hạn, được hưởng chế độ dinh dưỡng cao, được tạo điều kiện tập luyện, tập huấn tốt… nhờ vậy đã giúp thể thao NKT Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ, là một trong10 đoàn dẫn đầu ở đại hội thể thao của châu lục, mở ra những cơ hội giành huy chương Paralympic.

Kế hoạch triển khai giai đoạn 2021-2030

Có thể thấy, những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 1019 giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định tính tất yếu và hiệu quả thiết thực mang lại, thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta đối với NKT, được xã hội đồng tình và đánh giá cao, NKT phấn khởi đón nhận và tham gia tích cực. Với việc triển khai tốt các chính sách, NKT được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện... Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2012- 2020, NKT tại ở một số địa phương còn gặp khó khăn như các công trình xây dựng, giao thông chưa thực sự đảm bảo cho NKT đi lại, Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT, các dịch vụ về tiếp cận y tế, quản lý nhóm đối tượng NTK... còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác trợ giúp NTK, đảm bảo an sinh xã hội, ngày 05/8/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 sẽ tăng thêm 3 nhóm hoạt động (12 nhóm so với 9 nhóm giai đoạn 2012-2020) là nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội NKT; trợ giúp cho NKT sống độc lập thông qua trợ tiện về phương tiện.

Với mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể, một số giải pháp được đề cập tới nhằm triển khai hiệu quả chương trình giai đoạn 2021-2030, bao gồm:

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về NKT phù hợp Hiến pháp và Công ước quốc tế về quyền của NKT; các cơ quan chức năng và địa phương cần tập trung rà soát, đánh giá các đề án chương trình giai đoạn tới.

Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NKT nhằm tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân về công tấc NKT. Tăng cường kiểm tra hoạt động trợ giúp NKT tại một số bộ, ngành, địa phương…

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; thúc đẩy kết nối hoạt động của các bộ, ngành để thực hiện chính sách tốt hơn. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, tổ chức và nhân dân trong thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về trợ giúp NKT.

Cùng với đó, các hội, đoàn thể cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để NKT tiếp cận các chính sách chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, tín dụng, bảo trợ xã hội, hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch, đi lại; xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện để NKT tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội, góp phần tăng nhanh số lượng NKT tham gia mạng lưới an sinh xã hội.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với NKT; xây dựng tiêu chuẩn các cơ sở hạ tầng thiết yếu phù hợp cuộc sống của NKT, tạo cơ hội bình đẳng cho NKT; đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp NKT, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp NKT.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho NKT; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm và nguồn lực để trợ giúp cho NKT; khuyến khích NKT có khả năng học tập, lao động khắc phục khó khăn, vươn lên sống độc lập, hòa nhập xã hội, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và giúp đỡ NKT khác; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật về NKT, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng xã hội đối với NKT.

Với các đề xuất, kế hoạch và giải pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất đối với NKT, tăng cường công tác xã hội đối với NKT và không để bỏ lại ai phía sau,… tin tưởng rằng công tác trợ giúp NKT của Việt Nam sẽ ngày càng được thúc đẩy hơn nữa, giúp NKT có điều kiện hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của đất nước./.
Gia Linh
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top