Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2023

02/01/2025 - 02:38 PM
Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình 01/4/2023 được thực hiện theo Quyết định số 276/QĐ-TCTK ngày 07 tháng 3 năm 2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập các thông tin về dân số, tình hình biến động dân số (sinh, chết và di cư) cũng như thông tin cơ bản về tình hình sử dụng các biện pháp tránh thai và nạo, phá thai.
 
Với kết quả điều tra thu được, Tổng cục Thống kê biên soạn và trình bày ấn phẩm: “Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2023”. Ấn phẩm gồm 4 phần:
 
Phần I - Kết quả chủ yếu: Trình bày kết quả chủ yếu của cuộc điều tra cùng với các phân tích về quy mô và cơ cấu dân số, tình trạng hôn nhân, giáo dục, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản, mức sinh, mức chết, di cư và các đặc trưng cơ bản của người di cư;
 
Phần II- Các biểu số liệu tổng hợp: Cung cấp cho người sử dụng các biểu số liệu tổng hợp cơ bản;
 
Phần III - Thiết kế và tổ chức điều tra: Mô tả quá trình tổ chức cuộc điều tra; thiết kế và ước lượng mẫu điều tra: Dàn chọn mẫu, xác định cỡ mẫu và phân bổ mẫu, ước tính quyền số suy rộng mẫu; một số khái niệm, định nghĩa của các chỉ tiêu biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình;
 
Phần IV - Các phụ lục: Bao gồm các phụ lục về những nội dung cần thiết bổ trợ thêm cho nội dung chính của sách.
 
Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 01/4/2023
 
Hiện nay, nhu cầu thông tin về biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình ngày càng được người dùng tin quan tâm, đặc biệt là các cấp, các ngành. Đây là công cụ quan trọng để đánh giá thực hiện các chỉ tiêu dân số chủ yếu, xu hướng biến động cũng như các đặc trưng kinh tế - xã hội của dân số, từ đó giúp hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm cũng như thời kỳ.
 
Trong lĩnh vực dân số và kế hoạch hóa gia đình, ngoài nguồn thông tin cơ bản từ Tổng điều tra dân số và nhà ở định kỳ 10 năm/lần và Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ định kỳ 5 năm/lần. Hằng năm, Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình còn được tổ chức để phục vụ việc tính toán các chỉ tiêu thống kê trong lĩnh vực dân số và thực hiện kế hoạch hóa gia đình trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành, đáp ứng nhu cầu của người dùng tin trong và ngoài nước, thực hiện tính so sánh quốc tế.

Một số kết quả chủ yếu được trình bày trong Ấn phẩm cho thấy, dân số Việt Nam có đến thời điểm 01/4/2023 ước đạt 100,1 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm 38,0%, dân số nông thôn chiếm 62,0%, dân số nam chiếm 49,4% và dân số nữ chiếm 50,6% trong tổng dân số. Mật độ dân số Việt Nam là 302 người/km2, đứng thứ ba ở khu vực Đông Nam Á.
 
Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi) chiếm 66,8%. Tỷ số phụ thuộc chung là 49,6%. Chỉ số già hóa là 58,3%. Tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn của cả nước là 75,2%, trong đó số người có vợ/chồng chiếm 65,6% trong tổng dân số từ 15 tuổi trở lên. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) chung của hai giới là 27,2 năm, của nam là 29,3 năm và của nữ là 25,1 năm.
 
Có 23,8% dân số từ 5 tuổi trở lên đang đi học. Chỉ có 2,5% dân số từ 5 tuổi trở lên chưa bao giờ đi học. Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên là 96,6%. Tỷ lệ biết chữ của dân số thành thị là 98,5%; nông thôn là 95,4%. Số người có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên chiếm 69,8% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tỷ trọng những người có trình độ học vấn cao nhất là đại học trở lên chiếm 10,5%, tỷ trọng dân số không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 75,1% trong tổng dân số từ 15 tuổi trở lên.
 
Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) bất kỳ của phụ nữ 15-49 tuổi hiện có chồng đạt 76,7%, tăng dần từ nhóm tuổi 15-19 và đạt giá trị cực đại tại nhóm tuổi 40-44. Trong số những phụ nữ 15-49 tuổi có chồng hiện không sử dụng các BPTT, lý do muốn có con chiếm 47,8%, lý do đang mang thai chiếm 18,3%. Tỷ lệ phụ nữ 15-49 tuổi hiện đang có chồng có nạo/phá thai và hút điều hòa kinh nguyệt trong 12 tháng trước thời điểm điều tra là 0,4%.
 
Tỷ lệ khám thai ít nhất 1 lần của phụ nữ 10-49 tuổi đối với lần sinh gần nhất là 95,5%. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 1,0 điểm phần trăm (tương ứng 96,1% so với 95,1%).
 
Tổng tỷ suất sinh (TFR) đạt 1,96 con/phụ nữ. TFR của khu vực thành thị là 1,70 con/phụ nữ, thấp hơn con số 2,07 con/phụ nữ của khu vực nông thôn. Tỷ suất sinh thô (CBR) là 14,2 trẻ sinh sống/1000 dân, con số đó của thành thị là 13,5 trẻ sinh sống/1000 dân, thấp hơn của nông thôn là 14,1 trẻ sinh sống/1000 dân.
 
Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) duy trì ở mức khá cao với 111,8 bé trai/100 bé gái. Từ năm 2009 đến nay, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về hệ lụy của sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Phần đông các bà mẹ biết giới tính trước khi sinh khi thai từ 15 đến 28 tuần (55,7%). Số bà mẹ biết giới tính trước khi sinh khi thai trên 28 tuần chiếm tỷ lệ thấp nhất (4,0%). Điều đó chứng tỏ khi mang thai, đa số phụ nữ có tâm lý muốn biết sớm giới tính thai nhi. Hầu hết phụ nữ đều biết giới tính khi sinh của thai nhi bằng phương pháp siêu âm, công cụ chuẩn đoán hiệu quả và hiện đại.
 
Tỷ suất chết thô (CDR) của cả nước ước là 5,7 người chết/1000 dân, trong đó của thành thị là 4,7 người chết/1000 dân, nông thôn là 6,3 người chết/1000 dân. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi đạt 11,6 trẻ em dưới 1 tuổi chết/1000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi của Việt Nam đã giảm thấp nhất kể từ năm 2009 đến nay. Mức độ chết trẻ em dưới 5 tuổi của cả nước đã giảm đáng kể (năm 1999 là 56,9 phần nghìn giảm xuống còn 17,4 phần nghìn năm 2023).
 
Tuổi thọ trung bình chung là 74,5 tuổi, tuổi thọ trung bình của nam giới là 72,1 tuổi, thấp hơn của nữ giới là 77,2 tuổi. Phần lớn các trường hợp chết xảy ra trong 12 tháng trước thời điểm điều tra là do bệnh tật (92,5%). Tỷ trọng chết vì các loại tai nạn chiếm 6,4%, tỷ trọng chết vì các nguyên nhân khác chiếm 1,1%. Trong số các trường hợp chết do tai nạn, tai nạn giao thông chiếm tỷ trọng lớn nhất, gấp hơn bốn lần so với tai nạn lao động (tương ứng là 3,7% và 0,8%).
 
Đông Nam Bộ là vùng có tỷ suất di cư liên vùng thuần dương cao nhất trong cả nước (khoảng 7,4‰, trong đó tỷ suất nhập cư là 9,6‰, và tỷ suất xuất cư là 2,2‰). Bắc Ninh là tỉnh có tỷ suất di cư thuần cao nhất là 36,5‰, tiếp đến là Bình Dương 23,0‰./.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top