Hành trình 55 năm ASEAN phát triển lên tầm cao mới

08/08/2022 - 11:42 AM
Năm 1967 là cột mốc đánh dấu sự thành lập của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua chặng đường 55 hình thành và phát triển, đến nay, ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế mạnh mẽ và gắn kết. Trong kết quả đó có sự đóng góp lớn của Việt Nam – một thành viên tích cực và trách nhiệm.

ASEAN - một mô hình hợp tác khu vực thành công trên thế giới

Ngày 8/8/1967, trên cơ sở Tuyên bố Băng Cốc (tại Thái Lan), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN được thành lập với sự tham gia của 5 nước đầu tiên: In-đô-nê-xi-a, Ma-lay-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan và Phi-lip-pin, với mục tiêu là phát triển kinh tế văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Từ năm 1984-1999, ASEAN tiếp tục mở rộng thành viên với sự tham gia của 5 quốc gia tiếp theo là Bru-nây, Việt Nam, Lào, My-an-ma và Campuchia. Cộng đồng ASEAN được hình thành dựa trên 3 trụ cột là: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.

Trải qua chặng đường 55 năm hình thành và phát triển, vai trò và bản lĩnh của ASEAN không ngừng được củng cố và tôi luyện. Vượt qua thử thách, khó khăn, đến nay, ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế mạnh mẽ và gắn kết, có vai trò trung tâm đối với hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung.
 
Kết quả của hành trình 55 năm - động lực để ASEAN phát triển lên một tầm cao mới
Một cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và gắn kết (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) ngày 3/8/2022, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Chủ tịch luân phiên ASEAN 2022 nhận định, trong 55 năm qua, ASEAN đã đạt được những thành tựu ngoài kỳ vọng. Bất chấp những tác động tiêu cực từ những thách thức mới, ASEAN vẫn vững vàng và lạc quan trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Những kết quả đạt được trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN rất đáng khích lệ, theo đó, ASEAN đã triển khai được 98% các dòng hành động trong Kế hoạch Tổng thể của Trụ cột Chính trị-an ninh, 88,3% trong Trụ cột Kinh tế, 72% trong Trụ cột Văn hóa-xã hội và triển khai 14/15 sáng kiến thuộc 5 lĩnh vực chiến lược của Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 (MPAC). ASEAN cũng đang trao đổi về Chiến lược Hợp nhất về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, nhằm tận dụng tối đa cơ hội do Cách mạng này mang lại.

Một trong những dấu mốc quan trọng trong hơn một nửa thế kỷ phát triển là việc các nước thành viên ASEAN đã cùng nhau xây dựng nền móng quan trọng để hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, với các đặc trưng: Một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được tự do luân chuyển trong nội khối ASEAN với mức độ tự do hóa thuế quan lên tới khoảng 98 - 99%, các gói cam kết tự do hóa thương mại dịch vụ được thực thi, tạo nên một khu vực thương mại tự do với môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Sự hình thành AEC đã giúp kinh tế khu vực ASEAN đạt những thành tích nổi bật. Theo số liệu thống kê của Ban Thư ký ASEAN, năm 2020, tổng GDP ASEAN đạt 3.000 nghìn tỷ USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 của thế giới. Năm 2021, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, song GDP của cả khối vẫn tiếp tục tăng và đạt 3.360 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2015, thời điểm Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập.

Cũng trong hơn 5 thập kỷ, các nước thành viên đã chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN, cùng nhau xây dựng khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng với các đối tác ngoại khối, tiến hành ký kết, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như: FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN - Australia - New Zealand, FTA ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc)… Nổi bật trong đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tạo nên một khu vực thương mại tự do có quy mô lớn, chiếm 30% dân số thế giới và 32% GDP toàn cầu với nhiều tiềm năng phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực. Điều này giúp tăng trưởng thương mại và hợp tác kinh tế khu vực hơn nữa và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ hợp tác với các đối tác.

Đặc biệt, kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020, các thành viên ASEAN đã “nắm chặt tay”, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để củng cố và trở thành một “cộng đồng bền vững và hòa nhập hơn”. Đây sẽ mãi là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết và thống nhất ASEAN.

Với tinh thần “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được và sự đoàn kết mạnh mẽ, các nước thành viên ASEAN đã thể hiện quyết tâm cùng vượt qua khó khăn, đặc biệt là thúc đẩy phục hồi sau Covid-19, thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

ASEAN tự hào là một mô hình hợp tác khu vực thành công trên thế giới. Các quốc gia thành viên sẽ tiếp tục đoàn kết, đồng thuận và thống nhất để cùng xây dưng một mái nhà chung, thực hiện mục tiêu chung vì một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đưa ASEAN ngày càng hoàn thiện và vươn lên mạnh mẽ hơn.

Việt Nam – thành viên tích cực và chủ động trong ASEAN

Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN. Đây là bước ngoặt quan trọng và là bước đi đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình hội nhập ASEAN, tạo đà cho các bước hội nhập sâu rộng hơn vào sân chơi khu vực và quốc tế.

Từ khi gia nhập, đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong ASEAN đã trở thành một bộ phận quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam thời kỳ mới, và được chỉ đạo rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng. Trong 27 năm qua, Việt Nam ngày càng chứng tỏ mình là thành viên hết sức có trách nhiệm, tích cực đối với ASEAN và đã đóng góp rất nhiều cho các bước phát triển của khu vực. Việt Nam cùng với các nước ASEAN đã tích cực xây dựng cộng đồng ASEAN trên tất cả các trụ cột từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, và đặc biệt là dành ưu tiên cho tăng cường kết nối ASEAN. Việt Nam là nước đầu tiên thành lập Diễn đàn khu vực của ASEAN (gọi tắt là ARF) vào năm 1994, sau đó là một loạt cơ chế của ASEAN đều có sự đóng góp của Việt Nam như: Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng hay các cơ chế về phòng, chống Covid-19, các dịch bệnh khác.

Đặc biệt, trong vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp, từ cấp kỹ thuật đến cấp Bộ trưởng, với các nước ASEAN và các nước đối tác, để tìm giải pháp và thúc đẩy đồng thuận để tiến tới việc ký kết Hiệp định RCEP vào ngày 15/11/2020. Nỗ lực rất lớn trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam được các nước ASEAN và đối tác đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Cũng trong năm 2020, là Chủ tịch ASEAN và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên phát huy tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” với hàng trăm cuộc họp được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến, đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện củng cố chuỗi cung ứng khu vực, khắc phục hậu quả tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế, tiêu biểu như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng và Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc xử lý các biên pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu.
 
Kết quả của hành trình 55 năm - động lực để ASEAN phát triển lên một tầm cao mới 1
Việt Nam tổ chức Lễ Thượng cờ ASEAN, kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hiệp hội
Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử

Gia nhập ASEAN, tận dụng tối đa những lợi ích mà hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung mang lại, nền kinh tế Việt Nam có những bước tiến vượt bậc trong gần 3 thập kỷ qua. Cụ thể, GDP bình quân đầu người tăng hơn 13 lần, quy mô nền kinh tế tăng hơn 17 lần, đứng thứ sáu trong khu vực ASEAN tính theo GDP danh nghĩa (thứ 3 nếu tính theo sức mua tương đương, chỉ sau In-đô-nê-xi-a và Thái Lan). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng vọt từ 5,4 tỷ USD vào năm 1995 lên 336,2 tỷ USD vào năm 2021 (số liệu Tổng cục Thống kê). Hội nhập ASEAN cũng đã mở rộng cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động...

Sau 27 năm, đến nay, khu vực thương mại tự do ASEAN là một trong những khuôn khổ hợp tác mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường hàng hóa mạnh mẽ nhất. Tỷ lệ xóa bỏ thuế nhập khẩu của Việt Nam dành cho các nước ASEAN đạt 98% (các nước ASEAN khác xóa bỏ khoảng 98,7% thuế nhập khẩu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam). Cũng thông qua ASEAN, Việt Nam có thêm điều kiện để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các đối tác quan trọng khác. Tính đến hiện tại, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do FTA, trong đó có đến 8 hiệp định thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN. Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số ít nước trong khu vực thực hiện 3 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và RCEP.

Có thể nói, kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995 đến nay, Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp vào sự vững mạnh của ASEAN và trở thành một nền kinh tế lớn và năng động nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Trong năm 2022 cũng như giai đoạn tiếp theo, thực hiện khát vọng về một khu vực hòa bình và ổn định lâu dài, phát triển bền vững và bao trùm, Việt Nam luôn lấy hòa bình và ổn định làm mục tiêu, lấy tinh thần trách nhiệm làm phương châm khi tham gia ASEAN. Việt Nam, với vai trò trung tâm ASEAN tiếp tục thúc đẩy tinh thần đối thoại, hợp tác, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thu hẹp bất đồng, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của các quốc gia, tránh các xung đột, mâu thuẫn. Về kinh tế, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì hội nhập ASEAN và xác định đây là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đật nước. Việt Nam tiếp tục khẳng định tinh thần chủ động, năng động trong việc triển khai các sáng kiến thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần tăng cường sự gắn kết chặt chẽ, phát huy tố chất của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, để ASEAN cất cánh lên một tầm cao mới, phục vụ tốt hơn nữa lợi ích của các quốc gia, vì hòa bình, ổn định và hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Bích Ngọc

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top