Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Nội

02/06/2019 - 12:35 PM
So với Tổng điều tra 2012, nhìn chung kết quả và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp Hà Nội năm 2016 tăng khá cao. Cụ thể, doanh thu thuần khối doanh nghiệp tính đến 31/12/2016 là 2.995 nghìn tỷ đồng, tăng 8,2% so năm 2015 và tăng 42,9% so 5 năm trước. Thuế và các khoản nộp ngân sách đạt 180.800 tỷ đồng, tăng 4,9% so năm 2015 và tăng 72,6% so Tổng điều tra trước. Tuy nhiên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 chỉ đạt 84.202 tỷ đồng, giảm 9,1% so năm 2015 và tăng 19% so năm 2011. Điều này dẫn tới tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các doanh nghiệp năm 2016 giảm 0,5% so năm 2015, tỷ lệ nộp ngân sách so với doanh thu còn 6%, giảm 0,2% so năm 2015 và tăng 1% so Tổng điều tra 2012. Nhìn chung, những khó khăn chung của nền kinh tế vẫn tác động mạnh đến khối doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong năm 2016 chiếm ở mức cao 61%, cao hơn nhiều mức 47,4% của Tổng điều tra 2012. Trong khi đó, số doanh nghiệp có lãi chiếm 37,2%, thấp hơn nhiều mức 51% của năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp không lỗ, không lãi chiếm 1,8%.
 
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ trọng doanh thu thuần cao nhất nhưng tỷ suất lợi nhuận trước thuế lại thấp nhất trong ba khu vực kinh tế. Khu vực doanh nghiệp nhà nước doanh thu thuần giảm nhưng tỷ suất lợi nhuận trước thuế lại cao nhất
 
Trong ba khu vực kinh tế của Hà Nội thì khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm số lượng chủ yếu nên tỷ trọng doanh thu thuần của khu vực này cũng cao nhất, đạt 2.006 nghìn tỷ, chiếm 67% tổng doanh thu thuần toàn khối doanh nghiệp, tăng 13,5% so năm 2015 và tăng 74% so 5 năm trước; Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 566 nghìn tỷ, chiếm 18,9%, giảm 9,5% so năm 2015 và giảm 19,2% so 5 năm trước; Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 424 nghìn tỷ, tăng 13% và tăng 67,3%. Dù doanh thu thuần chiếm tỷ trọng khác nhau, nhưng lợi nhuận trước thuế của các khu vực kinh tế lại chiếm tỷ lệ tương đối đồng đều. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ suất lợi nhuận trước thuế cao nhất, chiếm 36,2%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệp FDI là 32,7%, cuối cùng là doanh nghiệp ngoài nhà nước là 31,1%. Ngoài ra, chỉ có doanh nghiệp FDI có tỷ suất lợi nhuận trước thuế tăng so năm 2015 là 22,1%, còn tỷ suất lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước đều giảm 29,1% và 5,2%. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế của hai khu vực trên giảm dẫn đến lợi nhuận trước thuế của toàn bộ khu vực doanh nghiệp Hà Nội giảm 9,1% so năm 2015.
 
Khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động hiệu quả nhất và giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế Thủ đô
 
Tuy số lượng doanh nghiệp ít, nhưng các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội vẫn khẳng định hoạt động có hiệu quả, giữ vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, là khu vực đóng góp lợi nhuận lớn nhất trên địa bàn, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và có khả năng định hướng các thành phần kinh tế khác cùng phát triển. Xét một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh gồm lợi nhuận bình quân trên lao động, lợi nhuận bình quân trên vốn và lợi nhuận bình quân trên doanh thu thì doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI vẫn là khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả nhất, doanh nghiệp ngoài nhà nước có hiệu quả thấp nhất. Lợi nhuận bình quân/lao động của doanh nghiệp nhà nước là 137 triệu đồng/lao động, gấp 9 lần doanh nghiệp ngoài nhà nước và gấp 1,3 lần doanh nghiệp FDI. Lợi nhuận bình quân/1 đồng vốn gấp 3 lần và lợi nhuận bình quân/1 đồng doanh thu gấp 4,2 lần so doanh nghiệp ngoài nhà nước.
 
Tỷ lệ doanh nghiệp có lãi của khối doanh nghiệp nhà nước cũng đạt mức cao nhất 82,1% với mức lãi bình quân một doanh nghiệp là 94.919 triệu đồng, gấp 64,6 lần so với mức lãi bình quân một doanh nghiệp ngoàI nhà nước và gấp 2,7 lần so mức lãi bình quân của doanh nghiệp FDI.
Bảng 1: Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của các doanh nghiệp Hà Nội
                   năm 2016 phân theo loại hình doanh nghiệp

 
  Lợi nhuận bình quân/1 lao
động (Triệu đồng)
Lợi nhuận bình quân/1 đồng
vốn (Đồng)
Lợi nhuận bình quân/1 đồng doanh thu (Đồng)
TỔNG SỐ 38 0,016 0,028
Doanh nghiệp nhà nước 137 0,025 0,054
Doanh nghiệp ngoài nhà nước 15 0,008 0,013
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 105 0,039 0,065
 
Với lợi thế về qui mô sản xuất như nguồn vốn, lao động và thêm những ưu đãi về đất đai, nguồn lực nên doanh nghiệp nhà nước có điều kiện phát huy tối đa những ưu thế của mình, đem đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn các khu vực khác. Trong khi đó khối doanh nghiệp ngoài nhà nước chủ yếu là các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nên qui mô năng lực sản xuất bị hạn chế, lại bị cạnh tranh nhiều nên hiệu quả sản xuất thấp hơn.
 
Bên cạnh đó, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước cũng là những lao động có trình độ tay nghề cao hơn. Theo kết quả Tổng điều tra đến 01/01/2017, lao động có trình độ trung cấp trở lên chiếm 70,3% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, trong khi đó tỷ lệ này ở doanh nghiệp ngoài nhà nước là 61,2% và ở doanh nghiệp FDI là 55,9%. Mặc dù tỷ lệ lao động của toàn khối doanh nghiệp có trình độ trung cấp trở lên tăng từ 57,3% năm 2011 lên 61,5% năm 2016, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn gặp khó khăn hơn trong việc thu hút nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao.
 
Doanh thu thuần của ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đứng thứ hai trong ba ngành kinh tế chính.
 
Trong ba khối ngành kinh tế chính, doanh nghiệp ngành dịch vụ có doanh thu thuần chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 1.946 nghìn tỷ đồng, chiếm 65% tổng doanh thu thuần khối doanh nghiệp, tăng 4,2% so năm 2015. Doanh nghiệp ngành công nghiệp, xây dựng đạt 1.045 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,5% và tăng 18,4%. Thấp nhất là doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 4,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,1%. Doanh thu ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao do số lượng các doanh nghiệp nằm trong ngành lớn, chiếm tới 74,4% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, gấp 3 lần số doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng và gấp 74,3 lần số doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên xét về tổng lợi nhuận trước thuế thì các doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng lại là khối doanh nghiệp có mức đạt cao nhất với 44.405 tỷ đồng, chiếm 52,7% tổng lợi nhuận trước thuế toàn khối doanh nghiệp, đồng thời cũng là khối ngành duy nhất có mức lợi nhuận tăng so với năm 2015, tăng 23,6%. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp ngành dịch vụ đạt 40.465 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 48,1% và giảm 28,4%, doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp số lượng doanh nghiệp ít, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nên lợi nhuận bị âm 668 tỷ đồng.
 
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng có hiệu quả sản xuất kinh doanh cao nhất
 
 Xét về hiệu quả sản xuất kinh doanh theo một số chỉ tiêu lợi nhuận bình quân/1 lao động, lợi nhuận bình quân/1 đồng vốn, lợi nhuận bình quân/1 đồng doanh thu thì doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng cũng đạt hiệu quả cao nhất. Lợi nhuận bình quân/1 lao động doanh nghiệp công nghiệp - xây dựng đạt 42 triệu đồng/1 lao động, cao gấp 1,1 lần so lợi nhuận bình quân/1 lao động toàn khối doanh nghiệp và cao hơn các khối ngành khác.
           Bảng 2: Một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của các doanh nghiệp Hà Nội
                                       năm 2016 phân theo ngành kinh tế

 
    
  Lợi nhuận bình quân/1 lao động (Triệu đồng) Lợi nhuận bình quân/1 đồng vốn (Đồng) Lợi nhuận bình quân/1 đồng doanh thu (Đồng)
TỔNG SỐ 38 0,016 0,028
Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản -39 -0,053 -0,156
Công nghiệp, xây dựng 42 0,030 0,042
Dịch vụ 36 0,011 0,021
 
 
Số doanh nghiệp trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tuy hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả nhất, nhưng lại là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi cao nhất đạt 49%, tiếp đến là ngành công nghiệp - xây dựng là 42%, thấp nhất là ngành dịch vụ là 35,5%. Tuy nhiên mức lãi bình quân 1 doanh nghiệp của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản rất nhỏ, bằng 2,1% mức lãi bình quân một doanh nghiệp công nghiệp - xây dựng và bằng 3,6% ngành dịch vụ. Mức lãi bình quân ngành công nghiệp, dịch vụ cao nhất, góp phần làm tăng mức lãi bình quân trên một doanh nghiệp của toàn Thành phố.
 
Nhìn chung, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động có lãi trong các ngành đều giảm so với Tổng điều tra 2012, điều đó cho thấy tuy số lượng các doanh nghiệp tăng lên nhanh chóng qua các năm, nhưng tỷ lệ các doanh nghiệp thực sự hoạt động có hiệu quả vẫn còn ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn nên hoạt động cầm chừng. Số lượng các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ bị ngừng hoạt động, giải thể do thua lỗ hàng năm cũng khá cao/.
 
(Trích Sách Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2016 của doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội - Ban Chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Hà Nội năm 2017, Nhà Xuất bản Thống kê)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top