Kết quả Khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam năm 2020

18/08/2022 - 03:23 PM
Ấn phẩm “Kết quả khảo sát mức sống dân cư Việt Nam năm 2020” được Tổng cục Thống kê biên soạn, phát hành và công bố vào tháng 6/2022. Ấn phẩm có gần 850 trang, gồm các bảng biểu số liệu và phân tích kết quả của cuộc điều tra Khảo sát mức sống năm 2020 được triển khai trên phạm vi cả nước với quy mô mẫu 46.980 hộ ở 3132 xã/phường, đại diện cho cả nước, các vùng, khu vực thành thị, nông thôn và tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Ấn phẩm gồm 2 phần:
 
Phần I, Tổng quan mức sống dân cư Việt Nam năm 2020, gồm các nội dung: Một số đặc điểm nhân khẩu học cơ bản liên quan đến mức sống; Giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khoẻ; Việc làm và thu nhập; Chi tiêu; Nhà ở, điện, nước, phương tiện vệ sinh và đồ dùng lâu bền; Giảm nghèo; Các đặc điểm chung của xã; Nhận xét chung.
 
1. Nhân khẩu học: Trong vòng 10 năm từ 2010 đến 2020, quy mô bình quân hộ gia đình có dấu hiệu giảm dần từ 3,9 người/hộ năm 2010 xuống 3,6 người/hộ năm 2020. Quy mô hộ gia đình thành thị là 3,5 người/hộ và nông thôn là 3,7 người/hộ. Hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp nhất có quy mô hộ lớn hơn nhóm thu nhập cao nhất (3,9 người/hộ so với 3,1 người/hộ). Tỷ lệ người phụ thuộc theo độ tuổi lao động có dấu hiệu tăng dần qua thời gian, vào năm 2010 cứ mỗi người trong độ tuổi lao động thì có 0,55 người phụ thuộc, tăng lên 0,69 người phụ thuộc vào năm 2020. Tỷ lệ nhập cư của dân số từ 15 tuổi trở lên tăng dần qua các năm, từ 0,86% năm 2010 lên 1,57% năm 2020.
 
2. Giáo dục: Tỷ lệ đi học đúng tuổi năm 2020 của ba cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông lần lượt là 98,1%, 93,4% và 76,1%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi THPT thấp nhất trong 3 cấp phổ thông. Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em dân tộc Khmer thấp nhất trong các dân tộc. Chi cho giáo dục bình quân 1 người đi học trong 12 tháng trước điều tra tăng dần qua các năm, năm 2020 chi cho giáo dục bình quân là 7071 nghìn đồng/người/năm, tăng gần 7% so với 2018.
 
3. Y tế và chăm sóc sức khỏe: Năm 2020, cả nước có 36,8% người có khám chữa bệnh trong 12 tháng trước điều tra. Y tế nhà nước vẫn chiếm vai trò chủ đạo. Bảo hiểm y tế đạt được độ bao phủ cao trong nhóm những người dân có khám chữa bệnh, năm 2020 có gần 95% những người đi khám chữa bệnh có bảo hiểm y tế. Chi tiêu y tế bình quân một người có khám chữa bệnh trong năm 2020 là 3033,2 nghìn đồng/người/năm, chiếm tỷ trọng 5,8% trong tổng chi tiêu đời sống của hộ gia đình. Năm 2020, tỷ lệ hộ có chi cho y tế vượt 10% so với tổng chi tiêu là 11,7%.
 
Kết quả Khảo sát Mức sống dân cư Việt Nam năm 2020

4. Việc làm và thu nhập: Năm 2020, 11,4% dân số hoạt động kinh tế trong độ tuổi lao động là lao động thanh niên có độ tuổi từ 15-24, 18,7% là lao động già có độ tuổi từ 50 trở lên. Có 53,3% dân số từ 15 tuổi trở lên có công việc chính là làm công, làm thuê. Số giờ làm việc bình quân 1 người từ 15 tuổi trở lên trong 1 tuần của công việc chính năm 2020 là 36,9 giờ. Thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt 4249,8 nghìn đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản có xu hướng giảm dần.
 
5. Chi tiêu: Chi tiêu theo giá hiện hành năm 2020 bình quân 1 người 1 tháng đạt 2890,2 nghìn đồng/người/ tháng, tăng 13% so với 2018. Năm 2020, chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2713,3 nghìn đồng (chiếm tới 93,9% trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Sự bất bình đẳng trong chi tiêu đời sống bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 5,7 lần năm 2020, (5677,9 nghìn đồng/ người/tháng so với 1001,6 nghìn đồng/ người/ tháng). Xu hướng tiêu dùng các mặt hàng tinh bột (gạo và lương thực quy gạo) giảm dần và tăng dần các mặt hàng thịt, cá, trứng trong dân cư.
 
6. Nhà ở, điện, nước, phương tiện vệ sinh và đồ dùng lâu bền: Phần lớn hộ dân cư sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố (95,6%), chỉ một tỷ lệ nhỏ hộ sống trong nhà thiếu kiên cố (3,2%) và nhà tạm (1,2%). Chất lượng nhà ở được nâng cao rõ rệt trong giai đoạn 2010-2020. Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2020 là 25,2 m2, tăng 7,4 m2 so với năm 2010, tương ứng tăng 41,2%. Năm 2020, điện lưới đã bao phủ hầu hết các vùng, miền trên cả nước khi có tới 99,5% hộ gia đình sử dụng điện lưới là nguồn thắp sáng chính. Gần một nửa số hộ gia đình (49,3%) sử dụng nước máy riêng trong năm 2020. Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng hố xí tự hoại, thấm dội nước ở mức khá cao (89,1%) tăng 29,8 điểm phần trăm so với năm 2010. Cách thức xử lý rác thải sinh hoạt của hộ gia đình có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ lệ hộ có rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý (68,5%) và giảm dần tỷ lệ hộ tự xử lý. Trong giai đoạn 2010-2020, số lượng đồ dùng lâu bền trên 100 hộ gia đình có xu hướng tăng mạnh.
 
7. Giảm nghèo: Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung cả nước năm 2020 là 4,8%, giảm gần một nửa so với năm 2016. Trong giai đoạn 2016-2020, khoảng cách nghèo đa chiều giữa khu vực nông thôn và thành thị đang giảm dần. Giai đoạn 2016-2019, tỷ lệ hộ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản có xu hướng giảm qua các năm ở đa số các chỉ số, cho thấy các hộ gia đình Việt Nam tiếp cận ngày càng tốt hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản. Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2020 là 0,375 thấp hơn GINI giai đoạn 2010-2019 ở mức 0,4 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình. Năm 2020, trên toàn quốc có 19,2% hộ được hưởng lợi từ dự án/ chính sách giảm nghèo. Có 32,7% hộ tự đánh giá cuộc sống cải thiện hơn nhiều, 52,4% hộ tự đánh giá cuộc sống cải thiện hơn một ít và 8,5% hộ tự đánh giá cuộc sống như cũ so với 5 năm trước đây.
 
8. Các đặc điểm chung của xã: Năm 2020, kinh tế nông nghiệp vẫn đóng vai trò chủ đạo, có đến 91,9% số xã có nguồn thu chủ yếu đến từ nông nghiệp. Sau nông nghiệp, nguồn thu của dân cư đến từ bán buôn, bán lẻ và dịch vụ khác, với tỷ lệ xã có nguồn thu nhập từ hai ngành này lần lượt là 76,2% và 34,7%. Tỷ lệ xã có nguồn thu nhập từ nông nghiệp có xu hướng giảm trong giai đoạn 2010-2020, tương ứng từ 96,8% xuống còn 91,9% và tăng dần tỷ lệ xã có nguồn thu từ công nghiệp, xây dựng, bán buôn, bán lẻ. Mức sống của nhân dân trong xã khá lên so với 5 năm trước (97,5%). Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân trong xã chủ yếu gặp khó khăn do tác động của giá cả/cung cầu. Kết cấu hạ tầng giao thông ở các xã đã có những bước tiến đáng kể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh. Hiện nay, kết cấu hạ tầng giao thông ở các xã đã có những bước tiến đáng kể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh. Hầu hết các xã đã có đường ô tô đến UBND xã (99,6%), các thôn có đường ô tô đến thôn chiếm 93,5%. Tỷ lệ xã tiếp cận với cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh ở mức khá cao. Nguồn nước ăn uống chính của người dân trong xã cũng được cải thiện khi tỷ lệ sử dụng nước máy tăng dần trong những năm qua. Hầu hết các xã đã có trạm y tế xã (99,3%), khoảng 47,8% đến 62,6% xã có lực lượng y, bác sĩ tư nhân góp phần chăm lo sức khỏe cho nhân dân. 85,4% xã có cửa hàng dược phẩm tư nhân và 40,8% xã có hiệu thuốc đông y.
 
9. Nhận xét chung: Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Mặc dù, thu nhập của dân cư có giảm so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Như vậy, bên cạnh việc giảm nghèo thì giảm bất bình đẳng cũng là một vấn đề cần được quan tâm.
 
Phần II, Kết quả số liệu tổng hợp về Khảo sát mức sống dân cư năm 2020, là hệ thống các bảng biểu số liệu với các nhóm chỉ tiêu thống kê về mức sống dân cư: Một số đặc điểm nhân khẩu học cơ bản liên quan đến mức sống; Giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khoẻ; Lao động - Việc làm; Thu nhập; Chi tiêu; Đồ dùng lâu bền; Nhà ở, điện, nước, phương tiện vệ sinh; Tham gia các chương trình xoá đói giảm nghèo; Ngành nghề sản xuất kinh doanh của hộ; Các đặc điểm chung của xã./.
 
Ngọc Linh (TH)
 
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top