Kết quả thực hiện Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát của một số bộ, ngành

04/10/2022 - 03:16 PM

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

Để ngày càng hoàn thiện khung khổ pháp lý về thanh toán không dùng tiền mặt theo yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngăn ngừa các rủi ro, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, bảo vệ thông tin, dữ liệu của khách hàng trong hoạt động thanh toán, ngăn chặn kịp thời những nguy cơ về an ninh mạng, thúc đây sự đổi mới và cạnh tranh, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhìn chung, trong năm qua, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế có sự tăng trưởng nhanh; hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thanh toán điện tử được đầu tư; các sản phẩm, dịch vụ thanh toán ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, tiện ích phát triển mạnh; thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi... 

Đối với hoạt động phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tiếp nhận, tổng hợp, phân tích, xử lý các báo cáo theo quy định của pháp luật về vấn đề này và tội phạm khác có liên quan đến rửa tiền (gần 2.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ); chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc liên quan đến rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến rửa tiền cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (hơn 600 báo cáo liên quan đến 43 vụ việc); cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan chức năng trong nước (xử lý hơn 200 văn bản yêu cầu). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước  đã cảnh báo tới cơ quan, tổ chức, cá nhân các vấn đề liên quan đến rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và tội phạm khác liên quan đến rửa tiền.

Bộ Công Thương

Trong năm 2019-2020, Bộ Công Thương tập trung triển khai các công việc đấu tranh, phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nhìn chung, các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công Thương ban hành trong 2 năm 2019-2020 về quản lý thị trường, quản lý cụm công nghiệp, quản lý khuyến công quốc gia, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại điện tử… khá đầy đủ và phù hợp với chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước, hướng tới mục tiêu khuyến khích chính thức hóa các hoạt động phi chính thức và tăng cường quản lý, giám sát làm giảm, thu hẹp quy mô hoạt động kinh tế và kinh tế bất hợp pháp do ngành Công Thương quản lý.

Năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó trọng tâm vào các nhóm sản phẩm thiết yếu với đời sống người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 như: Sản xuất, vận chuyển khẩu trang, găng tay không đảm bảo chất lượng, nguồn gốc; xăng dầu; cá tầm; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra việc niêm yết giá bán nhằm giảm thiểu việc lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường trong thời gian dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, đặc biệt là các loại hàng hóa trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ Công Thương đã xây dựng, tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 của Chính phủ về hoạt động thương mại điện tử, qua đó bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng hóa, dịch vụ qua hình thức thương mại điện tử. 

Tuy nhiên, việc triển khai các văn bản quản lý còn gặp một số khó khăn như: Doanh nghiệp, người dân chưa sẵn sàng hợp tác báo cáo việc sử dụng hoạt động thương mại điện tử. Các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử có tính ẩn danh cao, dễ giả mạo, thay đổi nhằm che giấu thông tin cá nhân, thay đổi dấu vết gây khó khăn cho cơ quan quản lý khi tiến hành kiểm tra, giám sát về các hoạt động này.

Bộ Xây dựng 

Bộ Xây dựng đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật ngành xây dựng với mục đích phát hiện vướng mắc, bất cập để sửa đổi bổ sung, phù hợp với thực tế nhằm hạn chế các hoạt động kinh tế chưa được quan sát ngành xây dựng. Các văn bản ngành xây dựng đã nâng cao chất lượng công trình xây dựng, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; hạn chế tiêu cực trong quá trình thiết kế, thẩm định, thi công công trình xây dựng nói riêng và hoạt động xây dựng nói chung; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân về hoạt động xây dựng tại địa phương, giảm thiểu tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch. 
 
Năm 2021, Bộ Xây dựng đã rà soát, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật ngành xây dựng theo nguyên tắc kế thừa những quy định phù hợp và bổ sung những quy định mới, đảm bảo bám sát và quản lý tốt hoạt động thực tế đang diễn ra. Cụ thể: Trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa, tinh gọn, bãi bỏ nhiều nội dung rườm rà, tập trung vào các quy định, hướng dẫn cụ thể về các vi phạm trong lĩnh vực xây dựng của chủ đầu tư, nhà thầu, tổ chức, cá nhân trọng hoạt động đầu tư xây dựng. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ban hành năm 2021 cũng bổ sung hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị lập biên bản để tăng tính răn đe, ngăn chặn. Bổ sung thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính của một số chức danh. Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Xây dựng năm 2014 và năm 2020, từ đó làm rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình thiết kế, thẩm định, thi công xây dựng công trình nói riêng và hoạt động xây dựng nói chung nhằm hạn chế tiêu cực. Bộ Xây dựng cũng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là hoạt động kinh doanh bất động sản của hộ gia đình, cá nhân, góp phần quản lý hoạt động kinh tế chưa được quan sát trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. 

Bộ Giao thông vận tải

Năm 2021, Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo hoạt động thanh tra chuyên ngành, mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện từ ngày 15/11/2021 đến ngày 15/12/2021 trên phạm vi toàn quốc. Đã phát hiện, xử phạt 3.718 trường hợp vi phạm về tải trọng với số tiền xử phạt trên 22,4 tỷ đồng. 

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại 735 đơn vị kinh doanh vận tải; xử phạt vi phạm hành chính 353 đơn vị với số tiền xử phạt trên 1,7 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải của 89 đơn vị và thu hồi phù hiệu của 78 phương tiện. Đối với hoạt động “xe dù”, “bến cóc”, tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 14.640 lượt đơn vị, phương tiện kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô; xử phạt vi phạm hành chính 6.425 lượt đơn vị, phương tiện có vi phạm với số tiền xử phạt trên 12,53 tỷ đồng. 

Về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đường bộ: Đối với các đầu mối bốc xếp hàng hóa lên xe ô tô, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô và thực hiện các nội dung cam kết của 1.360 lượt đơn vị bốc xếp hàng hóa; đã phát hiện 136 lượt đơn vị có vi phạm, tồn tại trong việc thực hiện các nội dung đã cam kết, trong đó có 109 đơn vị vi phạm về xếp hàng lên xe ô tô vượt quá tải trọng cho phép tham gia giao thông bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt gần 1,3 tỷ đồng. Đối với hoạt động vận tải hàng hóa, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Thanh tra các Sở Giao thông vận tải đã tiến hành kiểm tra 53.032 lượt phương tiện trong việc chấp hành các quy định về tải trọng phương tiện đường bộ và kích thước thùng xe tải tự đổ; xử phạt vi phạm hành chính 9.022 lượt phương tiện vi phạm, trong đó có 8.053 trường hợp vi phạm về tải trọng với số tiền xử phạt trên 91,1 tỷ đồng, 969 phương tiện vi phạm về kích thước thành thùng hàng với số tiền xử phạt trên 7,4 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đối với 3.049 trường hợp.

Bộ Công an

Năm 2019-2020, Bộ Công an và các đơn vị chức năng đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kết hợp mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong đó có nhiều lĩnh vực liên quan đến Đề án NOE; xây dựng nhiều văn bản góp ý, đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản, bảo vệ đê điều và các hoạt động khác thuộc khu vực NOE.

Năm 2021, Bộ Công an chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của các bộ, ngành liên quan để thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về đảm bảo anh ninh quốc gia, an ninh kinh tế. Kết quả cho thấy, đã phát hiện 2 vụ khai thác vượt công suất được phép khai thác hàng năm nêu trong giấy phép khai thác khoáng sản, giá trị khoảng 19 tỷ đồng; phát hiện, bắt giữ 4,6 nghìn vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại, hàng cấm, hàng giả; thu giữ 2,5 triệu tấn than, khoáng sản vi phạm, trên 1 nghìn tấn hàng hóa và trên 12 triệu sản phẩm hàng hóa vi phạm các loại; 10 triệu khẩu trang các loại, gần 400 nghìn sản phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…; phát hiện khởi tố 7 vụ vi phạm rửa tiền, tạm giữ hơn 65,6 tỷ đồng; khởi tố trên 2 nghìn vụ về 6 tội danh thuộc nhóm nguy cơ cao về tội phạm rửa tiền; tiếp nhận 114 vụ thông tin giao dịch đáng ngờ do Cục Phòng chống rửa tiền – Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước cung cấp, đến nay đã xác minh được 33 vụ, trong đó có 1 vụ đã khởi tố về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; tạm giữ 90,5 nghìn trường hợp chở hàng hóa quá trọng tải; xử lý 1,3 nghìn trường hợp vi phạm về niên hạn sử dụng phương tiện; 9,9 nghìn trường hợp vi phạm về quy định đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện và gần 24 nghìn trường hợp chở quá số người quy định.  

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Năm 2021, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa chỉ tiêu, nhiệm vụ triển khai trong toàn Ngành; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (viết tắt là BHXH, BHYT, BHTN), phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu đề góp phần quan trọng nhằm đẩy lùi và hạn chế hoạt động của khu vực kinh tế ngầm thuộc lĩnh vực quản lý của BHXH Việt Nam. 

Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tính đến 31/12/2021 tiếp tục tăng trưởng so với thời điểm hết năm 2020, cụ thể: Số người tham gia BHXH là 16,547 triệu người, tăng 1,29% so với năm 2020; số người tham gia BHTN gần 13,39 triệu người, tăng 0,5% so với năm 2020; số người tham gia BHYT hơn 88,837 triệu người, tăng 0,98% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% so với dân số. 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành; đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, nhất là thanh tra đột xuất tại các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định, hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành (hoàn thiện Bộ tiêu chí nhận diện hành vi vi phạm, trục lợi trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN và phương thức kiểm tra, phát hiện, tích hợp, triển khai thử nghiệm trên phần mềm thanh tra); qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi nợ; đồng thời, có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ sử dụng lao động, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động và chủ sử dụng lao động. 

Công tác truyền thông luôn được tập trung nguồn lực, đổi mới theo hướng hiện đại, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù từng vùng miền và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT, BHTN và đã đạt được kết quả tích cực. Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm phục vụ, BHXH Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, hình thức truyền thông, xây dựng kịch bản, cách thức truyền thông để người dân tiếp cận thông tin nhanh, thuận tiện nhất. Qua đó, đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính sách an sinh xã hội, tự giác chấp hành tham gia như một nhu cầu tất yếu; đồng thời, nâng cao ý thức tuân thủ chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các doanh nghiệp.

Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thường xuyên được rà soát, cắt giảm các TTHC về số lượng, đơn giản hóa thành phần, biểu mẫu, hồ sơ (năm 2021, bộ thủ tục hành chính tiếp tục được cắt giảm xuống còn 25 thủ tục); tập trung cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng, linh hoạt các phương thức tiếp nhận, trả kết quả TTHC; đẩy mạnh giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến thời điểm hiện tại, 100% TTHC của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã được cung cấp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của Ngành; tích hợp, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia./.


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top