Khái quát hoạt động cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam qua kết quả Tổng điều tra Kinh tế năm 2021

13/07/2022 - 10:38 AM

Những kết quả của cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện đã cho thấy bức tranh rõ nét về hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Theo đó, số lượng các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng qua 4 kỳ Tổng điều tra gần nhất vẫn có xu hướng tăng nhưng tốc độ đang chậm dần.

Tổng cục Thống kê đã thực hiện Tổng điều tra đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với đơn vị điều tra là các cơ sở thờ tự, tu hành, nơi đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, những cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước công nhận như Phật giáo, Công giáo, Cao đài, Tin lành… và các cơ sở tín ngưỡng khác.
 

  2006 2011 2016 2020
Số lượng (Cơ sở) 28.066 35.743 42.721 46.807
Tăng/giảm so với kỳ trước (%)   27,4 19,5 9,6
Lao động (Người) 122.889 129.920 140.219 167.188
Tăng/giảm so với kỳ trước (%)   5,7 7,9 19,2
Bảng 1. Số lượng và lao động cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng qua các kỳ Tổng điều tra
 

Theo kết quả TĐTKT 2021, số lượng cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng năm 2020 là 46.807 cơ sở, tăng 9,6% so năm 2016, thấp so các năm 2016 và 2011 (số lượng cơ sở của năm 2016 so năm 2011 tăng 19,5%, của năm 2016 so năm 2011 tăng 27,4%).

Ngược lại với chỉ tiêu số lượng cơ sở, lao động trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có xu hướng tăng cao hơn trong 10 năm qua. Năm 2020 có 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 19,2% so với năm 2016, cao hơn tốc độ tăng năm 2016 so với 2011 (7,9%) và năm 2011 so với 2006 (5,7%). Tốc độ tăng bình quân năm giai đoạn 2016-2020 là 4,5%, cao hơn mức tăng 1,5% của giai đoạn 2011-2016 và 1,1% của giai đoạn 2006-2011.

Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng, với hơn 21,3 nghìn cơ sở, chiếm 45,7%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai với 7,6 nghìn cơ sở, chiếm 16,4%; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ ba với gần 7,5 nghìn cơ sở, chiếm 16%; vùng Đông Nam Bộ có gần 5,7 nghìn cơ sở, chiếm 12,1%; vùng Trung du và miền núi phía Bắc có gần 2,9 nghìn cơ sở, chiếm 6,2%; và vùng Tây Nguyên có số lượng cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng ít nhất với 1,7 nghìn cơ sở, chiếm 3,6% tổng số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên cả nước.

 

Khái quát hoạt động cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam
Biểu đồ 1: Tỷ trọng số lượng và lao động trong cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phân theo vùng kinh tế năm 2020


Quy mô lao động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tăng từ 3,3 người/cơ sở vào năm 2016 lên 3,6 người/cơ sở năm 2020. Mặc dù tốc độ tăng số lượng của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng năm 2020 thấp hơn so với năm 2016 (năm 2016 tăng 19,5% so với năm 2011) nhưng quy mô lao động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng lại tăng từ 3,3 người/cơ sở lên 3,6 người/cơ sở. Trong đó, bình quân 1 cơ sở tôn giáo là 4,3 người (năm 2016 là 4,2 người/cơ sở) và cơ sở tín ngưỡng là 2,4 người/cơ sở (năm 2016 là 1,7 người/cơ sở).

So với năm 2016, các cơ sở tín ngưỡng năm 2020 đều tăng trưởng mạnh hơn các cơ sở tôn giáo về cả số lượng cơ sở và lao động. So với năm 2016, tốc độ tăng về số lượng cơ sở tín ngưỡng đạt 17,1%, cao hơn mức tăng 5,1% của các cơ sở tôn giáo; tốc độ tăng về số lượng lao động của các cơ sở tín ngưỡng cao hơn so với các cơ sở tôn giáo (tương ứng là 65,1% và 8,7%).

Bình quân giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng số lượng cơ sở tín ngưỡng đạt 4,0%/năm; cơ sở tôn giáo là 1,3%/năm; tốc độ tăng về số lượng lao động của cơ sở tín ngưỡng và tôn giáo tương ứng là 13,4%/năm và 2,1%/năm.
 

  Quy mô
lao động
năm 2016 (Người/cơ sở)
Quy mô
lao động
năm 2020
(Người/cơ sở)
 
 
Tốc độ tăng
so với 2016 (%)
Tốc độ tăng BQ năm thời kỳ 2016-2020 (%)
Số lượng Lao động Số lượng Lao động
TỔNG SỐ 3,3 3,6 9,6 19,2 2,3 4,5
1. Cơ sở tôn giáo 4,3 4,2 5,1 8,7 1,3 2,1
2. Cơ sở tín ngưỡng 1,7 2,4 17,1 65,1 4,0 13,4
Bảng 2. Tốc độ tăng trưởng về số lượng và lao động của cơ sở tôn giáo,
tín ngưỡng năm 2020 so với năm 2016

Số lượng các cơ sở được xếp hạng di tích lịch sử năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2016. Theo đó, cả nước có 10,1 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được xếp hạng di tích lịch sử, chiếm 21,6% trong tổng số cơ sở, tăng 1.375 cơ sở so với năm 2016. Trong đó, các di tích được xếp hạng cấp quốc gia chiếm 27,8% trong số các cơ sở đã được xếp hạng, tăng 234 cơ sở so với năm 2016; các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố chiếm 72,2% trong số các cơ sở đã được xếp hạng, tăng 1.141 cơ sở so với năm 2016.
 

Đơn vị tính: Cơ sở

  Tổng số Chưa được xếp hạng Đã được
xếp hạng
Chia ra
Cấp
tỉnh/thành phố
Cấp
quốc gia
TỔNG SỐ 46.807 36.709 10.098 7.288 2.810
1. Cơ sở tôn giáo 28.512 25.153 3.359 2.434 925
2. Cơ sở tín ngưỡng 18.295 11.556 6.739 4.854 1.885

Bảng 3. Số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phân theo loại xếp hạng, loại cơ sở

 
Số cơ sở tôn giáo với 28,5 nghìn cơ sở, chiếm tỷ trọng 60,9% trong tổng số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có tới 88,2% cơ sở chưa được xếp hạng. Các cơ sở được xếp hạng lịch sử chỉ chiếm 11,8% với 3,4 nghìn cơ sở, chủ yếu là các cơ sở thuộc Phật giáo (chùa). Các cơ sở được xếp hạng cấp tỉnh/thành phố là 2,4 nghìn cơ sở; chiếm 72,5%; cấp Quốc gia là 925 cơ sở, chiếm 27,5% trong tổng số các cơ sở đã được xếp hạng.

Số cơ sở tín ngưỡng là 18,3 nghìn cơ sở trên cả nước, trong đó có 11,6 nghìn cơ sở chưa được xếp hạng, chiếm tỷ lệ 63,2%. Số cơ sở tín ngưỡng được xếp hạng di tích là 6,7 nghìn cơ sở, chiếm tỷ trọng 36,8% tổng số cơ sở tín ngưỡng (chủ yếu là đình). Trong tổng số cơ sở tín ngưỡng đã được xếp hạng, số cơ sở được xếp hạng di tích cấp tỉnh/thành phố là 4,8 nghìn cơ sở, chiếm 72,0%; cấp Quốc gia đạt gần 1,9 nghìn cơ sở, chiếm 28,0%.

Xét theo loại hình tôn giáo, Phật giáo là tôn giáo phổ biến nhất trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân nước ta, đứng thứ hai là Công giáo, các tôn giáo khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Năm 2020, số cơ sở Phật giáo chiếm 65,4% tổng số cơ sở tôn giáo, Công giáo chiếm 23,6% (năm 2016 là 64,8% và 23,9%; năm 2011 là 65,9% và 24,2%). Các cơ sở tôn giáo khác chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% tổng số cơ sở tôn giáo.

Xét theo loại cơ sở tín ngưỡng, đình chiếm tỷ trọng lớn nhất, đứng thứ hai là đền và đứng thứ ba là miếu. Cụ thể, số cơ sở tín ngưỡng là đình chiếm 52,6%, đền chiếm 23,5% và miếu chiếm 19,1% (năm 2016 đình chiếm 52,5%, đền là 23,0%; năm 2011 là 58,9% và 27,3%).

Trình độ chuyên môn của những người đứng đầu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được nâng cao qua các năm. Tỷ lệ người có trình độ từ đại học trở lên tăng dần, năm 2011 là 6,8%, năm 2016 là 14,2%, năm 2020 là 22,5%. Tỷ lệ người chưa qua đào tạo giảm dần từ 53,1% vào năm 2011 xuống 47,4% vào năm 2016 và 43,2% vào năm 2020.

 

Khái quát hoạt động cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam 1
Biểu đồ 2: Tỷ trọng theo trình độ chuyên môn của người đứng đầu trong
cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng năm 2016 và 2020


Thời kỳ 2016-2020 có sự phát triển khá nhanh về số lượng và lao động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thể hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và tạo điều kiện phát triển hoạt động của mọi tôn giáo, tín ngưỡng chính thống của nước ta./.
 

Thu Hiền
(Tổng điều tra kinh tế năm 2021 – Kết quả chính thức)

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top