Khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

09/08/2024 - 08:23 PM

Khai thác các giá trị di sản văn hóa là một trong những mục tiêu để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Để hiện thực hóa mục tiêu, những năm qua, Việt Nam đã thúc đẩy khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch, nhờ đó, du lịch di sản đã phát triển mạnh mẽ, lượng khách tham quan trong nước và quốc tế không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, với một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng quý giá và phong phú thì ngành du lịch Việt cần đẩy mạnh các giải pháp để khai thác, phát huy tiềm năng này

Khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

 Khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Du lịch thăm quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa rất phong phú, đa dạng và vô cùng quý giá được hun đúc và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước cùng với những thăng trầm lịch sự của dân tộc. Di sản văn hóa là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của dân tộc; đồng thời là sự kết tinh của trí tuệ, bản lĩnh, cốt cách con người Việt Nam. Nói tới di sản văn hóa Việt Nam phải kể tới những giá trị nổi bật trong đa dạng các loại hình di sản văn hóa nổi tiếng như: Trống đồng Ngọc Lũ (thời văn hóa Đông Sơn); Chiếc áo dài Việt Nam (giá trị biểu trưng cho văn hóa dân tộc); Vịnh Hạ Long; Khu di tích tháp Chăm Mỹ Sơn; Phố cổ Hội An; Cố đô Huế; Hoàng thành Thăng Long… được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Hay, Nhã nhạc cung đình Huế; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Lễ hội Đền Gióng; Hát Xoan,... được ghi vào danh sách di sản phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngoài ra, Việt Nam còn có hệ thống đồ sộ các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh ở cấp độ quốc gia hoặc địa phương và hệ thống các lễ hội, làng nghề truyền thống; Văn hóa ẩm thực của các vùng miền, các dân tộc; các di sản văn hóa văn nghệ dân gian…

Với một kho tàng di sản văn hóa vô cùng quý giá trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, việc khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch không chỉ tạo nên bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt Nam, tạo điểm nhấn cho du khách trong trải nghiệm và khám phá văn hóa đất nước con người Việt Nam khi tới du lịch đất nước có hình chữ S mà còn là nhân tố, nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước thông qua nguồn thu hoạt động du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch.

Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 với quan điểm chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Để hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược, Việt Nam đã thúc đẩy khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch. Đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch di sản văn hóa đa dạng với nhiều điểm đến nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam trải dài khắp đất nước. Xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc trưng từ thế mạnh của các di sản văn hóa, nhiều nơi đã tạo được thương hiệu nổi tiếng thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới thăm quan như: Khu vực miền Trung có thương hiệu “Con đường di sản”; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có thương hiệu sản phẩm du lịch “Tinh hoa Việt Nam” hội tụ các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất tại khu vực, bao gồm lịch sử văn hóa, các di sản, thiên nhiên, biển đảo và thành phố; Quảng Nam xây dựng hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến hai di sản thế giới”. Thành phố Hội An có thương hiệu gắn với làng nghề thông qua Lễ hội đèn lồng; Thừa Thiên - Huế có sản phẩm du lịch “Festival Huế”, Quảng Ninh có lễ hội đường phố Các-na-van Hạ Long; Hải Phòng có Lễ hội hoa phượng đỏ... Các tour tuyến du lịch lên các tỉnh vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc cũng ngày càng phát triển.

Ngoài ra, các di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh sau khi được xếp hạng, ghi danh và được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo cũng đã trở thành những điểm nhấn quan trọng hành trình du lịch được du khách trong nước và quốc tế quan tâm tìm kiếm và lựa chọn làm điểm đến du lịch khám phá đất nước và con ngưởi Việt Nam như: Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình); Quần thể di tích cố đô Huế (Thừa Thiên Huế); Khu thánh địa Mỹ Sơn; Phố cổ Hội An (Quảng Nam)...

Hiện, hầu hết các địa phương trong cả nước đều sở hữu hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú đang đóng góp to lớn vào phát triển du lịch của chính địa phương, trong đó có thể kể tới những trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam như: TP.Hà Nội, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng…

Tại Hà Nội - trung tâm văn hóa lớn, có hàng nghìn năm lịch sử với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú và đặc sắc, hàng năm thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế tới thăm quan như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, Tháp Rùa - đền Ngọc Sơn, Khu Di tích thành Cổ Loa, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh,… Hay các lễ hội truyền thống góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô như: Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng; hội Cổ Loa (huyện Đông Anh); lễ hội Đống Đa (quận Đống Đa)... Hà Nội cũng có nhiều loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và sinh hoạt văn nghệ dân gian nổi tiếng và được vinh danh là di sản văn hóa thế giới, như: Ca trù, xẩm, hát văn… và nhiều làng nghề thủ công truyền thống lâu đời.

Tại TPHCM, địa phương có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, tiêu biểu như: Dinh Độc Lập, Địa đạo Củ Chi, Bưu điện Thành phố, Căn cứ Rừng Sác, Bảo tàng Áo Dài, Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng chứng tích chiến tranh…đã được khai thác thành các điểm đến trong các chương trình thăm quan tại Thành phố. Đặc biệt, du khách vô cùng ấn tượng với sự kiện Lễ hội Sông nước TP. Hồ Chí Minh lần thứ Nhất năm 2023 lấy văn hóa – lịch sử làm điểm khởi đầu, biến giá trị nhân văn thành sợi dây xuyên suốt. Chương trình Lễ hội đã tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo và  khai thác tối đa giá trị văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn, thúc đẩy truyền thông và quảng bá về các làng nghề truyền thống, các biểu tượng du lịch và điểm đến văn hóa, giải trí đặc trưng của Thành phố, qua đó giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của TP. Hồ Chí Minh...

Thông qua các tour du lịch di sản văn hóa, du khách quốc tế và trong nước được thăm quan tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm các giá trị văn hóa giúp các du khách hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa, đất nước con người Việt Nam. Trong thời đại ngày nay, quá trình giao lưu và hội nhập kinh tế, văn hóa diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc phát triển du lịch di sản văn hóa trở thành một trong những điểm nhấn riêng biệt mang đậm bản sắc văn hóa riêng biệt chỉ có của dân tộc Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023. Năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và tăng 52,5% so với năm trước do năm nay các địa phương đã tích cực triển khai nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động văn hóa, thể thao nhằm kích cầu du lịch. Tại một số địa phương doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 đã tăng so năm trước như: Đà Nẵng tăng 133,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 68%; TP.Hà Nội tăng 47,5%; Hải Phòng tăng 41,9%; Cần Thơ tăng 29,1%.

Trong 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 419,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước.

Có thể thấy, những giá trị đạt được trong khai thác di sản văn hóa vào phát triển du lịch đã góp phần phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sâu rộng hơn tới bạn bè quốc tế và những nỗ lực của Việt Nam trong triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hướng tới du xanh và Việt Nam hướng tới phát triển bền vững. Hiệu quả trong khai thác giá trị di sản văn hòa vào phát triển du lịch còn được thể hiện với việc năm 2023 Việt Nam đã đón nhận hàng loạt các danh hiệu, giải thưởng như: Việt Nam với danh hiệu Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới 2023; Hà Nội vinh dự nhận danh hiệu “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới 2023”. Đảo ngọc Phú Quốc đạt danh hiệu “Điểm đến biển đảo thiên nhiên hàng đầu thế giới 2023”. Mộc Châu được tôn vinh là “Điểm đến thiên nhiên địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Hà Nam giành giải thưởng “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”. Tam Đảo đạt danh hiệu “Điểm đến thị trấn hàng đầu thế giới 2023...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, khai thác các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững vẫn còn có hạn chế về hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Việc khai thác thế mạnh, tiềm năng di sản cũng chưa đạt hiệu quả cao; Sản phẩm du lịch văn hóa chưa khai thác hết hiệu quả đúng với tiềm năng nên giá trị sản phẩm chưa cao. Nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch còn hạn hẹp. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn không ít khó khăn, thách thức...

 Khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch 1

Tái hiện lễ Ban Sóc triều Nguyễn

Tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Việt Nam được biết đến là đất nước thân thiện, hiếu khách và nằm trong cộng đồng văn hóa châu Á. Việc khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch là hướng đi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của du lịch Việt Nam.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Đồng thời, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương; phát triển du lịch làng nghề và du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ tại nhà dân cũng được xác định là 1 trong 4 sản phẩm du lịch chính của Việt Nam tại đề án "Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"

Hiện, di sản văn hóa được ngành du lịch xem là nền tảng, trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế du lịch bên cạnh các yếu tố về hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành và nguồn nhân lực. Đồng thời, di sản văn hóa cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam. Để tiếp tục phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:

Một là, cần tiếp tục quan tâm đến việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạch định chính sách quản lý và quy hoạch bảo tồn và phát huy bền vững giá trị của di sản văn hóa trong phát triển du lịch; đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch phát triển du lịch.

Hai là, mỗi địa phương cần phải có chiến lược, hệ thống chính sách quản lý khoa học, đúng đắn để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển ngành kinh tế du lịch bền vững. Tổ chức nghiên cứu và đánh giá nguồn tài nguyên du lịch về di sản văn hóa, xem xét các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, các nguồn nhân lực và nguồn khách có nhu cầu. Từ đó, vạch ra các chiến lược trước mắt.

Ba là, đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, các công trình văn hóa; bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng. Nâng cấp các điểm đến thuộc di tích, danh thắng phục vụ khách du lịch. Triển khai chi tiết quy hoạch bảo tồn không gian di tích. Tăng cường đầu tư nguồn vốn và nguồn nhân lực cho công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa để bảo đảm giữ gìn bản sắc kiến trúc cổ trong quá trình trùng tu, tôn tạo. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, bảo tồn di sản văn hóa, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành liên quan trong công tác quản lý du lịch văn hóa

Bốn là, tăng cường đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về du lịch của đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong ngành du lịch. Bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng về du lịch văn hóa. Đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên có kiến thức, thành thạo về di sản văn hóa.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về hệ thống di sản văn hóa Việt Nam để giới thiệu sâu, rộng tới bạn bè quốc tế. Theo đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho người dân, các điểm đến, chương trình văn hóa nghệ thuật trong các chương trình, tour của các công ty lữ hành. Đa dạng hóa các hình thức quảng bá du lịch thông qua các phương tiện truyền thông, tổ chức các chương trình giới thiệu di sản văn hóa địa phương trên các phương tiện truyền thông.

Sáu là, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch, đào tạo nhân lực du lịch, nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá du lịch, cũng như trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích. nâng cao chất lượng đội ngũ thuyết minh viên tại các điểm du lịch di sản. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, phương pháp và kiến thức chuyên sâu trong hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững./.

Trang Nguyễn

 

 

 



Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top