Năm 2024 xác lập mốc 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển. Đây cũng là dấu mốc của hơn 5 thập kỷ Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với nước phương Tây đầu tiên khi đang tiến hành cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước năm 1969. Với ý nghĩa to lớn đó, Việt Nam và Thụy Điển đã giữ vững và phát huy quan hệ hữu nghị, hợp tác tin cậy trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là khai thác tiềm năng về lĩnh vực kinh tế, thương mại.
Từ khóa: Việt Nam, Thụy Điển, quan hệ, hợp tác, thýõng mại, phát triển…
Abstract: The year 2024 marks the 55th anniversary of the establishment of diplomatic relations between Vietnam and Sweden. It is also a milestone of over five decades since Vietnam established diplomatic relations with the first Western country during its struggle for independence and national unification in 1969. With this significant meaning, Vietnam and Sweden have maintained and enhanced their friendly and reliable cooperation in many areas, especially in exploring potential in the fields of economy and trade.
Keywords: Vietnam, Sweden, relations, cooperation, trade, development…
Bề dày lịch sử quan hệ hữu nghị, hợp tác
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 01/1969, Việt Nam và Thụy Điển đã tích cực xây dựng, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được những thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã duy trì mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục.
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, quan hệ thương mại - đầu tư song phương giữa Việt Nam và Thụy Điển đang trên đà phát triển, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước. Kể từ cuối năm 2013, quan hệ hai nước Việt Nam - Thụy Điển chuyển sang giai đoạn đối tác bình đẳng cùng có lợi; đồng thời, thương mại song phương cũng có những bước tiến đáng kể với các cột mốc ấn tượng. Thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế Thuỵ Điển cho thấy, tăng trưởng nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn 2018-2022 đạt được con số khá ấn tượng, trung bình 9%/năm.
Việt Nam và Thụy Điển đã tích cực xây dựng, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 đánh dấu cột mốc quan trọng trên chặng đường hợp tác và phát triển giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Thụy Điển. EVFTA mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho mối quan hệ đối tác toàn diện đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Song song với đó, Hiệp định đã thể hiện là một trong những động lực quan trọng góp phần gia tăng thương mại đầu tư giữa hai nước sau hơn nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao. Một trong những điểm nổi bật là việc giảm thuế quan giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường Thụy Điển. Điển hình với mặt hàng gạo xuất khẩu Việt Nam, trước đây gần như vắng bóng tại Thụy Điển, kim ngạch chỉ vài chục nghìn đến hơn 100 nghìn USD do không cạnh tranh được giá với gạo của Campuchia và Thái Lan, thì đến nay kim ngạch đã tăng lên hơn 3 triệu USD và đang từng bước tăng thị phần tại thị trường này. Lợi thế cạnh tranh cũng tương tự với một số mặt hàng nông, thủy sản khi mức thuế về 0% theo cam kết của Hiệp định.
Với việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển đã ghi mốc kỷ lục. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2022 đạt mức cao nhất, lên tới 1,62 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Thụy Điển đạt khoảng 1,26 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 353 triệu USD.
Năm 2023, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn nên hoạt động thương mại giữa hai nước không tránh khỏi bị ảnh hưởng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt khoảng 1,29 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Thụy Điển đạt khoảng 946 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 342 triệu USD. Mặc dù kim ngạch thương mại giảm sút trong năm 2023, nhưng so với các nước châu Á khác, Việt Nam vẫn đứng thứ hai về xuất khẩu sang Thuỵ Điển, chỉ sau Trung Quốc.
Bước sang năm 2024, quan hệ thương mại Việt Nam - Thụy Điển có nhiều khởi sắc, tổng kim ngạch thương mại hai nước trong nửa đầu năm đạt 695,9 triệu USD (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước). Cơ quan Thống kê Thụy Điển (SCB) nhận định, Thụy Điển là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Bắc Âu và ngược lại, Việt Nam là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Thụy Điển tại Đông Nam Á.
Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt 846,34 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển 606,09 triệu USD, tăng 6,3% và nhập khẩu từ Thụy Điển 240,24 triệu USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Thụy Điển có thể kể đến: Hàng dệt may, thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, dây điện và cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ... Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam nhập khẩu từ Thụy Điển gồm: Máy móc thiết bị, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm từ chất dẻo, thủy sản, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ sắt thép…
Bên cạnh hợp tác thương mại, EVFTA cũng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp châu Âu nói chung và các doanh nghiệp Thụy Điển nói riêng đối với thị trường Việt Nam. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp Thụy Điển đã tin tưởng và rót vốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 8/2024, Thụy Điển có 111 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 743,3 triệu USD, xếp thứ 29 trong số 149 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đã có dự án đầu tư đầu tiên tại Thụy Điển với tổng vốn đầu tư từ năm 2019 đến nay khoảng 5,2 triệu USD.
Thụy Điển còn là nước Bắc Âu cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu như: Xây dựng thể chế, cải cách hành chính, phát triển nguồn nhân lực, y tế, môi trường… Trong đó phải kể đến các công trình xây dựng tiêu biểu như: Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Uông Bí… Thụy Điển cũng giúp Việt Nam đào tạo chuyên gia, kỹ sư trong nhiều lĩnh vực như: Lâm nghiệp, giấy, năng lượng, sinh học, y học, báo chí... Qua đó, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.
Tăng cường khai thác tiềm năng, dư địa hợp tác phát triển
Trong xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển, Việt Nam - Thụy Điển còn nhiều dư địa và tiềm năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển, để đánh dấu cột mốc kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển, từ đầu năm tới nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển đã tập trung đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế với những giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy hợp tác song phương. Một số giải pháp cụ thể được đẩy mạnh có thể kể đến: Một là, tiếp xúc, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp hai nước. Đồng thời hỗ trợ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn mà một số doanh nghiệp Thụy Điển đang gặp phải trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Hai là, phối hợp với các doanh nghiệp trong nước tổ chức các hội thảo, hội chợ thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của Việt Nam ở nước sở tại. Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh như quản lý nước sạch, xử lý rác thải, chế tạo máy, điện - điện tử, công nghiệp chế biến… Bốn là, đẩy mạnh hợp tác giáo dục với các chương trình nghiên cứu, chia sẻ học thuật và trao đổi sinh viên, giảng viên giữa các trường đại học hai nước, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn. Năm là, hỗ trợ việc kết nối hợp tác vận tải biển và mở đường bay thẳng giữa hai nước; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là trong các ngành hàng nông sản, thực phẩm và thủy sản.
Ngoài ra, các chương trình tư vấn và cung cấp thông tin thị trường luôn được Văn phòng Thương vụ của Đại sứ quán triển khai thường xuyên, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và cải thiện khả năng cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Thụy Điển. Các giải pháp này không chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của cả hai quốc gia, mà còn hướng đến việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Thụy Điển cũng dành nhiều sự quan tâm đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Điển hình là việc Tập đoàn Wallenberg và Ngân hàng SEB của Thụy Điển đã dẫn đầu đoàn hơn 100 doanh nghiệp Bắc Âu, trong đó có hơn 40 doanh nghiệp Thụy Điển, tới Hà Nội vào tháng Ba vừa qua để tổ chức hội nghị khách hàng và tìm hiểu thị trường Việt Nam. Sự hiện diện ngày càng nhiều của các doanh nghiệp Thụy Điển tại Việt Nam không chỉ tạo ra cơ hội đầu tư, mà còn thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU và Thụy Điển. Các nhà máy được Thụy Điển và các nước Bắc Âu đầu tư tại Việt Nam có thể tận dụng các ưu đãi của EVFTA khi xuất khẩu ngược lại EU, qua đó góp phần làm tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
Đáng chú ý, trong tháng 9/2024, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển năm 2024 được tổ chức tại Stockholm với nội dung tập trung vào ba chủ đề chính: Chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo. Ngoài phiên thông tin về chiến lược và chính sách. Diễn đàn cũng tổ chức phiên thảo luận nhóm và thảo luận mở với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu phân tích về các cơ hội, thách thức và tiềm năng trong việc hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong tương lai. Sự kiện này sẽ là dịp để các doanh nghiệp hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và khám phá cơ hội hợp tác, mở ra những hướng phát triển mới trong quan hệ song phương, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cả hai quốc gia. Đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thời đại như: Chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhất là khi Thụy Điển được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ 2 toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2023.
Cũng trong dịp này, thành phố Hải Phòng đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) hợp tác với Cảng Gothenburg (Thụy Điển) - cảng biển lớn nhất khu vực Bắc Âu, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cảng biển, logistics. Thành phố Hải Phòng hiện có gần 40 cảng biển lớn nhỏ, là thương cảng lớn thứ hai cả nước, lớn nhất phía Bắc, các cảng biển có sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ không chỉ về số lượng mà còn cả về quy mô, trình độ công nghệ, năng lực bốc xếp hàng hóa cùng các dịch vụ kèm theo. Với thỏa thuận trên, Việt Nam và Thụy Điển sẽ có thêm nhiều cơ hội phối hợp phát triển, mở rộng hoạt động xúc tiến xuất nhập khẩu, hợp tác trong việc trao đổi và giới thiệu khách hàng tiềm năng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ logistics. Đồng thời hướng tới một hệ thống logistics bền vững hơn và thúc đẩy phát triển hơn nữa trong lĩnh vực số hóa về logistics, qua đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thương mại cho cả hai quốc gia./.
Tài liệu tham khảo:
1. Số liệu Kim ngạch xuất nhập khẩu phân theo nước, khối nước và vùng lãnh thổ chủ yếu sơ bộ các tháng năm 2022, 2023, Tổng cục Thống kê.
2. Số liệu Thu hút đầu tư nước ngoài 08 tháng năm 2024 theo đối tác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. 55 năm quan hệ Việt Nam - Thụy Điển: Còn nhiều dư địa phát triển, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển.
Minh Huyền