Trong điều kiện các nguồn lực còn hạn chế, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, trong đó, tập trung vào những đề tài có tính thực tiễn cao, có “địa chỉ” ứng dụng rõ ràng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La tham quan và kiểm traMô hình trồng nho Hạ Đen
theo hướng hữu cơ tại huyện Mộc Châu
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đặc biệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, những năm vừa qua, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh Sơn La tiếp tục định hướng và tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai 64 nhiệm vụ KH&CN (gồm 60 nhiệm vụ cấp tỉnh, 04 nhiệm vụ cấp quốc gia), trong đó trên 50% nhiệm vụ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN có đóng góp không nhỏ trong việc: Chuyển đổi, cải tạo giống cây trồng vật nuôi, nhất là các sản phẩm đặc hữu (có tính chất vùng miền) như: thanh long ruột đỏ, hồng giòn Mộc Châu, giống hoa lan, hoa ly, sản phẩm cá lăng, cá tầm...; phục tráng, bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng quý như: Lúa nếp tan lương Nậm Mằn, Lúa tẻ Dao, xoài Yên Châu, khoai sọ mán; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng chủ lực…. góp phần ổn định và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Mô hình trồng lan Hồ Điệp của Khu nghiên cứu ứng dụng, chuyển giaotiến bộ KH&CN
về nông lâm nghiệp tại huyện Mộc Châu
Các nhiệm vụ KH&CN được triển khai một cách bài bản, kỹ lượng từ khâu chọn lựa đề tài, thẩm định dự toán đến kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu. Nhờ vậy, kết quả nghiên cứu của nhiều đề tài, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ được các địa phương tiếp nhận và nhân rộng. Nổi bật, mô hình thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng, rải vụ thu hoạch trong sản xuất Na; Mô hình sản xuất và thâm canh mận chín sớm; Mô hình trồng giống nhãn mới T6 Ánh vàng... góp phần phát triển diện tích cây ăn quả của tỉnh Sơn La đạt 82.000 ha; Mô hình sản xuất thử nghiệm mận chín sớm tại Mộc Châu, xác định được 02 giống mận chín sớm, cho thu hoạch quả tươi sớm nhất trong năm, nâng cao giá thành sản phẩm mận gấp 3-4 lần so với mận Tam Hoa chính vụ. Đề tài: “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất hữu cơ cho cây: nhãn, xoài, bơ, thanh long” đã tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng đạt tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn hữu cơ; Đề tài: Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển một số giống xoài mới tại huyện Mai Sơn tỉnh Sơn La” đã chuyển giao 06 quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng thâm canh và ghép cải tạo giống xoài cũ và xây dựng; Dự án ứng dụng khoa học và công nghệ để nhân giống và trồng rừng và thâm canh Thông Caribe; Mô hình trồng nho giống mới chịu hạn (giống Hạ Đen) theo hướng hữu cơ; Đề tài khoa học “Nghiên cứu, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển của con lai F1 giữa bò BBB và bò lai Sind trên địa bàn tỉnh; Đề tài khoa học “Ứng dụng thiết bị máy bay không người lái (UAV) tích hợp công nghệ 4.0 theo dõi sinh trưởng, sức khỏe một số cây trồng nông nghiệp (xoài, nhãn)”...
Lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La trao kết quả nghiên cứu KH&CN đã nghiệm thu năm 2023 và đề nghị
các đơn vị, địa phương nhận bàn giao cần xây dựng kế hoạch triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu
vào thực tiễn hiệu quả
Trong lĩnh vực chế biến và bảo quản nông sản, khoa học và công nghệ được nghiên cứu và ứng dụng vào các công đoạn (thông qua các đề tài) đã góp phần nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp như: Rượu vang Sơn tra, chuối sấy Yên Châu, mứt mận Mộc Châu, Mật ong Sơn La, Nước mắm Quỳnh Nhai… Tiêu biểu nhất là Đề tài: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất một số sản phẩm từ cá nước ngọt tại huyện Quỳnh Nhai tỉnh Sơn La phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới”, đã đề xuất được 03 quy trình công nghệ sản xuất 03 sản phẩm từ cá nước ngọt, đó là chả cá, cá hộp và xúc xích cá.
Bên cạnh các nghiên cứu phục vụ cho sản xuất, chế biến nông nghiệp, để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La rất chú trọng tới hỗ trợ đăng ký xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, đặc thù có lợi thế và sản phẩm OCOP của Tỉnh. Trong 02 năm (2022-2024), tỉnh Sơn La có thêm 03 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; nâng số lượng sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ trên toàn tỉnh là 28 sản phẩm (03 chỉ dẫn địa lý; 22 nhãn hiệu chứng nhận; 03 nhãn hiệu tập thể); trong đó có 02 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài theo Hiệp định EVFTA là chè Shan Tuyết và quả Xoài tròn Yên Châu.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
cho 3 sản phẩm: Chanh leo, mận, bơ Sơn La, mở ra cơ hội tiêu thụ và nâng cao giá trị nông sản Sơn La
Sau khi xây dựng và được cấp văn bằng bảo hộ, giá trị của sản phẩm nông nghiệp được nâng lên, tiếp cận được thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu cho sản phẩm như: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty Cổ phần Phúc Sinh.... Với những kết quả tích cực này, Chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản Sơn La được đánh giá là một trong “10 sự kiện nổi bật của tỉnh Sơn La” trong 02 năm liên tiếp (2022 và 2023).
Ông Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, lĩnh vực KH&CN của Sơn La sẽ tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu phát triển các giống cây ăn quả có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu tạo vùng sản xuất hàng hóa nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong kiểm soát quá trình sản xuất, xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật mới, tiên tiến theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ gắn với chuỗi giá trị cho các cây ăn quả chủ lực.
Bên cạnh đó, Ngành sẽ tập trung duy trì và phát triển nhãn hiệu các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan liên quan và Nhân dân trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.
UBND huyện Phù Yên cấp quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo Phù Yên” cho HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy
Cùng với chương trình, nhiệm vụ của Nhà nước, để khuyến khích các tổ chức cá nhân tích cực tham gia ứng dụng đổi mới công nghệ, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh một số các cơ chế về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ; hỗ trợ các DN, HTX tiếp nhận chuyển giao công nghệ, và đổi mới công nghệ theo chỉ đạo của Chính phủ; tạo điều kiện phát triển thị trường về khoa học và công nghệ gắn với thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, khai thác sáng chế, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Tuy có số lượng đề tài, nhiệm vụ khoa học không nhiều, nhưng các nghiên cứu về xã hội, nhân văn cũng được quan tâm, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển du lịch. Nổi bật, Đề tài “Nghiên cứu và xây dựng mô hình điển hình phát triển du lịch xanh tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu”; hay Đề tài “Ứng dụng công nghệ VR (công nghệ thực tế ảo) xây dựng mô hình tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La” đã góp phần thu thập hình dữ liệu, ảnh thực địa cảnh quan Nhà tù Sơn La, tái hiện, phục dựng các hạng mục công trình, cảnh sinh hoạt của tù nhân, các chứng tích, tư liệu, nhân vật lịch sử tại di tích, phát huy giá trị lịch sử của khu di tích.
|
Trịnh Long