Với 53 dân tộc thiểu số trên cả nước, Việt Nam có kho tàng văn hóa truyền thống rất phong phú và đa dạng, vừa là tư liệu tinh thần, vừa là tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội to lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, dành nhiều chính sách ưu tiên nhằm kế thừa, bảo tồn và phát huy.
Từ khóa: Văn hóa, dân tộc, thiểu số, phát huy, bảo tồn, chính sách…
With 53 ethnic minorities across the country, Vietnam has a rich and diverse treasure of traditional culture, which serves as both a spiritual resource and a significant potential for socio-economic development for the ethnic minority communities. Therefore, the traditional cultural values and cultural heritage of ethnic minorities in Vietnam are always a focus of attention from the Party and the State, which have implemented many priority policies aimed at inheriting, preserving, and promoting them.
Keywords: Culture, ethnicity, minority, promotion, preservation, policy…
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng
Việt Nam là đất nước đa văn hóa với 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số, còn lại 53 dân tộc thiểu số với khoảng 14,1 triệu người, chiếm khoảng 14,7% tổng số dân, sinh sống khắp cả nước. Các sắc thái của dân tộc Việt Nam chính là một kho tàng văn hóa độc đáo, phong phú và đa dạng; trong đó, dân tộc thiểu số có các sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc.
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số mang đậm tính đa dạng, không chỉ phổ biến ở từng dân tộc mà còn phản ánh đậm nét ở các vùng, miền khác nhau. Sự đa dạng về địa hình và những giao lưu văn hóa là những yếu tố tạo nên tính đa dạng văn hóa, góp phần làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh sự đa dạng, tính cộng đồng ở các dân tộc thiểu số Việt Nam được đề cao do đồng bào dân tộc thiểu số thường sống các phum, sóc, bản, làng với mối quan hệ chủ đạo là quan hệ cộng đồng. Trải qua bao thế kỷ, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thực sự là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số mang đậm tính đa dạng, không chỉ phổ biến ở từng dân tộc
mà còn phản ánh đậm nét ở các vùng, miền khác nhau.
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định tầm quan trọng của văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng với vai trò là động lực phát triển. Trong đó, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số được coi là tài sản quý báu của toàn xã hội, là nòng cốt để xây dựng nền văn hóa chung và phát triển bền vững văn hóa đất nước.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII định hướng và tạo nên luồng sinh khí mới chấn hưng các giá trị, bản sắc văn hóa quốc gia nói chung và văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước khẳng định quan điểm “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước… Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó có giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống; chủ động đón nhận cơ hội phát triển, vượt qua thách thức để giữ gìn, hoàn thiện bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, cần có chính sách văn hóa đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số, có chính sách khuyến khích họ trở về công tác tại địa phương. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư của Nhà nước, có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát huy.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần góp phần đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững. Định hướng phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết nhấn mạnh: “Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng, miền, các giai tầng xã hội, đặc biệt quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số... Quan tâm, tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ của các dân tộc thiểu số”. Đồng thời, phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ cần chú trọng trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn. Trong nhóm các nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ đại hội XIII, Đảng khẳng định cần xây dựng chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong quá trình hội nhập và phát triển, văn hóa vùng dân tộc thiểu số thể hiện một số đặc điểm riêng biệt, độc đáo. Tuy nhiên thời gian gần đây, những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số cũng chịu tác động và có những biến đổi nhất định trước xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đặc biệt, dành nhiều chính sách ưu tiên, qua đó, góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng bằng các chính sách phát triển
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, thời gian qua, Nhà nước đã ban hành các chính sách nhằm khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tập trung vào các nội dung cơ bản như: Bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết; phát triển các di sản văn hóa truyền thống; gắn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp với phát triển du lịch… Các chính sách với nội dung nào cũng hướng tới nguyên tắc bao trùm, thể hiện một cách đầy đủ các quyền bình đẳng về chính trị, quyền bình đẳng về mặt kinh tế, quyền bình đẳng về văn hóa, xã hội và đoàn kết giữa các dân tộc, tương trợ giúp đỡ nhau để cùng phát triển.
Đáng chú ý phải kể đến Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”. Đề án đã góp phần tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương và của đất nước. Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, cả nước có 3 bảo tàng Trung ương và 65 bảo tàng cấp tỉnh thực hiện sưu tầm, kiểm kê, trưng bày những di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Đã có hơn 150 di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trên tổng số gần 300 di sản của cả nước). Trong giai đoạn từ 2016- 2020, đã có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc thiểu số.
Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp về tuyên truyền, thể chế, môi trường văn hóa, nguồn lực; đặc biệt, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 ban hành Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu xóa bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu; đồng thời bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp đặc trưng của các dân tộc; tập trung xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/1-/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình). Chương trình xác định và lồng ghép nhiều mục tiêu, nội dung, nguồn lực gắn với chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, Dự án 6 của Chương trình nhằm thực hiện mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.
Để thực hiện Dự án 6 một cách nhanh chóng và hiệu quả, ngày 13/8/2024 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số ít người, năm 2022 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể, kế hoạch nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Các chính sách ưu tiên, chú trọng của Đảng và Nhà nước, tính tự quản, ý thức cội nguồn, đoàn kết cộng đồng trong các bản, làng, buôn, phum, sóc… của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được duy trì và phát huy. Qua đó góp phần tích cực tạo nên những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, phong phú, đa dạng hóa đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc. Đồng thời, tạo nên luồng sinh khí mới trong chấn hưng các giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc; góp phần vào công cuộc chấn hưng văn hóa của đất nước./.
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, XI, XIII của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội;
2. Kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số 2019, Tổng cục Thống kê;
3. Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;
4. Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/1-/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
5. Nghị quyết số 10/NQ-CP Ngày 28/01/2022 ban hành Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nguyễn Hà Thu
Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương