Khởi sắc kinh tế - xã hội Hà Nội quý I/2022

26/04/2022 - 03:46 PM
 
Hà Nội quyết liệt thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới
Năm 2021, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới và trong nước. Đặc biệt vào tháng Tư dịch Covid-19 bùng phát mạnh với biến thể Delta lây lan nhanh, phức tạp tại nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trước tình hình đó, để đảm bảo an toàn cho Thủ đô và sức khỏe của Nhân dân, Thành phố đã triển khai quyết liệt các biện pháp phù hợp với diễn biến dịch bệnh; ban hành nhiều Chỉ thị, Công điện và văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng các phương án, kịch bản cụ thể, bảo đảm xử lý kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Tập trung triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đến ngày 28/12/2021, Thành phố đã tiêm được 11,8 triệu liều cho các đối tượng đủ điều kiện, đạt 98,8% dân số 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 và 95,4% mũi 2. Cùng với đó, Thành phố quyết liệt thực hiện“mục tiêu kép”, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chuyển sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt”, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đó, kinh tế Hà Nội thể hiện rõ xu hướng phục hồi trong những tháng cuối năm 2021, GRDP quý IV tăng 6,69% so cùng kỳ trong khi GRDP quý III giảm 6,89%, đóng góp vào mức tăng 2,92% GRDP cả năm 2021 của Thành phố. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 267,7 nghìn tỷ, bằng 113,7% kế hoạch Trung ương giao; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; công nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của Thành phố, khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Bước sang năm 2022, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội tiếp tục diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với biến chủng Omicron lây lan nhanh, xuất hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng cùng căng thẳng địa chính trị, xung đột giữa các nước, nhất là xung đột giữa Nga và U-cờ-rai-na khiến giá dầu thô, lương thực và nhiều loại hàng hóa cơ bản tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát cho các nền kinh tế.

Trước tình hình đó, thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 theo các cấp độ phù hợp với mỗi địa phương, mỗi lĩnh vực trong điều kiện bình thường mới; đẩy nhanh triển khai hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thần tốc mùa Xuân năm 2022 trên địa bàn với độ bao phủ lớn. Tính đến ngày 24/3/2022, tỉ lệ tiêm 2 mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 99,9%, mũi nhắc lại 82,8%, nhờ đó tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ ca nhập viện điều trị chuyển nặng và tử vong giảm. Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, văn hóa, thể thao… tạo đà tích cực cho sự phục hồi các ngành, lĩnh vực góp phần tăng trưởng kinh tế.

Kết quả hoạt động của các ngành, lĩnh vực trong quý I/2022 có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2022 ước tăng 5,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,61%; khu vực dịch vụ tăng 6,15%;tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; chi ngân sách địa phương tăng 31,6%; vốn đầu tư phát triển tăng 7,8%; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 513,1 triệu USD, gấp 5 lần cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 2%. Ngành công nghiệp đang nỗ lực phục hồi tích cực, giá trị tăng thêm quý I ước tính tăng 5,74%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,3%. Khu vực dịch vụ có nhiều tín hiệu khởi sắc, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,1%; hoạt động vận tải hàng hóa tục tăng nhanh, đáp ứng yêu cầu vận chuyển và lưu thông hàng hóa, doanh thu vận tải hàng hóa tăng 43%. Hoạt động xuất nhập khẩu của Thành phố những tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 12,7 tỷ USD, tăng 14,7%, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 3,6 tỷ USD, tăng 6,1%; nhập khẩu hàng hóa đạt 9,1 tỷ USD, tăng 18,5%.

Một trong những điểm nổi bật nữa là ngành Du lịch Thủ đô đang tích cực đưa ra nhiều sự kiện nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế sau một thời gian dài đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Từ giữa tháng Hai, Hà Nội cho phép các điểm du lịch, di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng hoạt động trở lại đón du khách trong dịp đầu năm mới Nhâm Dần. Giữa tháng Ba, Hà Nội cùng cả nước mở cửa đón khách du lịch quốc tế, các hãng hàng không mở rộng thêm nhiều đường bay tới các nước trong khu vực và quốc tế, trong đó có nhiều quốc gia là thị trường khách du lịch lớn của Hà Nội, cho thấy ngành Du lịch Thủ đô đang phục hồi trở lại.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động cũng được Thành phố quan tâm chú trọng, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Thành phố đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Tính chung quý I/2022, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động, đạt 31,3% kế hoạch năm và tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2021. Công tác bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội tiếp tục được Thành phố và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện tốt, nhiều gói hỗ trợ cùng quà tặng được thực hiện đầy đủ, kịp thời đến các đối tượng chính sách. Thành phố đã tặng hơn 1,9 nghìn suất quà dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền 724,7 tỷ đồng, đạt 183,3% kế hoạch. Công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 được Thành phố quan tâm đẩy mạnh, hỗ trợ người dân theo chính sách của Trung ương và cơ chế đặc thù của Thành phố. Đến nay, Thành phố đã quyết định hỗ trợ bằng tiền mặt và cho vay gần 5,7 triệu lượt đối tượng gặp khó khăn với tổng kinh phí 7.204 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện hỗ trợ cho hơn 5,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí 7.153 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa, thể thao đã mở cửa trở lại sau thời gian dài tạm dừng để phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, Thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong các ngành, lĩnh vực, các sự kiện lớn về chính trị, xã hội. Hiện, Thành phố đang hoàn thành các khâu cuối cùng trong việc cải tạo, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị đảm bảo yêu cầu về mỹ quan, kỹ thuật, yêu cầu thi đấu theo tiêu chuẩn quốc tế quy định để chào đón SEA Games 31.
Quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra trong năm 2022 với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, tình hình thế giới biến động khó lường, mức tăng trưởng quý I ước đạt 5,83% của Thành phố là rất quan trọng thể hiện xu hướng phục hồi tích cực ở nhiều ngành, lĩnh vực. Để hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2022, trong đó GRDP tăng từ 7,0% - 7,5%. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát tình hình dịch Covid-19; đồng thời tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố. Thực hiện đồng bộ các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh như chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi, các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực. Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; huy động tốt nguồn vốn tư nhân cho đầu tư phát triển. Tiếp tục tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện các dự án; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm, công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, có sức lan tỏa, các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, làng nghề truyền thống. Ngoài ra, chú trọng khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước và phát triển thương hiệu Việt. Đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, tuyên truyền đến nhân dân trong nước và kiều bào nước ngoài ủng hộ có hiệu quả chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước. Tổ chức thêm nhiều chương trình khuyến mại tập trung của Thành phố để kích cầu tiêu dùng; vận động các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực kết hợp với các chương trình xúc tiến du lịch để tăng sức mua và tiêu dùng dân cư. Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm. Chăm lo sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần của người dân; tiếp tục hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phát huy, lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau vượt khó, sớm ổn định cuộc sống./.
 
Trần Phương Thảo
Phó trưởng phòng Phòng Thống kê Tổng hợp Cục Thống kê TP. Hà Nội
 
 
 

Trần Phương Thảo
Phó trưởng phòng Phòng Thống kê Tổng hợp Cục Thống kê TP. Hà Nội
 
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top