Năm 1997, Việt Nam chính thức hòa vào mạng lưới internet toàn cầu. Đây là một cuộc cách mạng thể hiện tầm nhìn xa và là cột mốc ghi nhớ Việt Nam đặt dấu chân đầu tiên trên không gian mạng. Sau 25 năm khai phá vùng đất mới, đến nay Việt Nam không chỉ tiến gần hơn với thế giới, mà còn vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về internet với cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, công nghệ hiện đại, từ đó góp phần thay đổi toàn diện kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân nước ta. Song đây cũng là mảnh đất màu mỡ để những vụ lừa đảo trên không gian mạng xuất hiện, tạo ra các nguy cơ và thách thức đối với an ninh quốc gia, an ninh con người và trật tự an toàn xã hội.
Internet – thế giới mở không giới hạn bởi không gian và thời gian
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng internet tại Việt Nam là khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á. Với sự cải thiện liên tục về hạ tầng cùng các nền tảng kết nối, lượng người dùng internet tại Việt Nam tiếp tục tăng lên. Theo báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 phương hướng, nhiệm vu 6 tháng tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm tháng 6/2023, tỷ lệ người sử dụng internet đạt 78,59%, vượt mục tiêu kế hoạch 76% của năm 2023.
Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ dồi dào, có kỹ năng về kỹ thuật số, cộng với sự cải thiện đáng kể về đời sống kinh tế nên lượng người sử dụng điện thoại thông minh đang ngày một nhiều hơn. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, số thuê bao sử dụng điện thoại di động thông minh trên cả nước ước đạt 101,12 triệu thuê bao, tăng 8,73% so với cùng kỳ năm 2022.
Cùng với xu hướng tăng lên về tỷ lệ người dùng internet và sử dụng điện thoại thông minh là sự xuất hiện hàng loạt các trang thương mại điện tử, làm nhịp cầu kết nối và đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân. Thêm vào đó là sự xuất hiện của các mạng xã hội như facebook, zalo, youtube, tiktok… có sức hút mạnh mẽ và trở thành công cụ để người dân kết nối với bạn bè, người thân, tự do chia sẻ, bày tỏ thông tin, quan điểm cá nhân.
Việt Nam nằm trong số các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới. Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trong năm 2021, tỷ lệ người dùng dành ra 3-5 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet là 27%; 5-7 tiếng mỗi ngày là 23%; 7-9 tiếng là 13%, đáng chú ý, tỷ lệ người dùng dành ra hơn 9 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet là 22%.
Báo cáo “Những ứng dụng di động phổ biến với người Việt 2023” của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me tại Việt Nam công bố mới đây về kết quả cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 1/2023 cũng cho thấy, người Việt Nam năm 2023 dành trung bình 6,2 giờ/ngày cho việc sử dụng smartphone. Các ứng dụng được người Việt cài đặt nhiều nhất trên smartphone là Facebook, Messenger và Zalo với tỷ lệ người dùng lần lượt đạt 96%, 94% và 93%, một khoảng cách khá xa so với các ứng dụng còn lại. Nếu xét theo thời lượng sử dụng, 5 ứng dụng được người dùng phổ biến nhất lần lượt là Facebook, Zalo, TikTok, Messenger và Youtube.
Có thể nói, sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và các ứng dụng của Internet đã tạo nên một không gian xã hội mới để người dân, tổ chức có thể giao tiếp, sáng tạo, sản xuất, tiêu dùng, học tập và vui chơi giải trí mà không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Internet còn tạo một sân chơi chung, giúp nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là kinh tế số. Theo số liệu được công bố tại Ngày Internet Việt Nam 2022, tăng trưởng của kinh tế Internet của Việt Nam đạt gần 30%, đóng góp của kinh tế Internet tại Việt Nam là khoảng 6% GDP.
Mảnh đất màu mỡ cho các vụ lừa đảo
Bên cạnh lợi ích trên, không gian mạng mạng xã hội cũng đang là mảnh đất màu mỡ để các đối tượng xấu lợi dụng những tiện ích mà công nghệ thông tin mang lại và những kẽ hở trong bảo mật thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến. Không gian mạng là ảo nhưng tài sản bị chiếm đoạt là thật, thậm chí có giá trị khá cao, lên tới hàng chục tỷ đồng.
Các vụ lừa đảo trực tuyến thường nhắm vào các đội tượng là người cao tuổi, trẻ em-học sinh, sinh viên/thanh niên, các công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng thường sử dụng thiết bị công nghệ. Nhiều trong số họ là những người ít tiếp xúc, cập nhật các thông tin thời sự xã hội, có nhận thức và kỹ năng an toàn thông tin hạn chế nên dễ bị lộ, lọt thông tin cá nhân. Không chỉ tấn công vào các cá nhân, các loại tội phạm công nghệ cao cũng không ngừng tìm cách tấn công vào các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, các ngành giao thông - vận tải, tài chính, ngân hàng... nhằm chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước, dữ liệu khách hàng, gây ra nhiều hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Các vụ lừa đảo trên không gian mạng đã và đang diễn biến phức tạp hơn
với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 6.362 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng lưới máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại) là trên 512.700 địa chỉ. Cục An toàn thông tin cũng đã ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật (trong đó có 559 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 2,7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Bộ Công an cũng nhận định, thời gian vừa qua các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Những con số này chưa phản ánh đủ hết số lượng vụ lừa đảo qua mạng trên thực tế do nhiều người dân vẫn còn tâm lý e ngại trong việc tố giác tội phạm bởi chưa nắm bắt, hiểu biết quy trình, cách thức tố cáo với cơ quan chức năng.
Hiện có ba nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên zalo, facebook và các hình thức kết hợp. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, các hình thức lừa đảo khá tinh vi như: Lừa đảo tuyển cộng tác viên online với hàng loạt "việc nhẹ, lương cao"; Cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền; Giả danh nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Giả danh các công ty tài chính, ngân hàng thay mật khẩu, cho vay lãi suất cao; Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công - với các dịch vụ mua hàng trực tuyến; Đánh cắp thông tin căn cước công dân đi vay nợ tín dụng; Giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm; Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử... Song nhìn chung, các hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam chủ yếu là 2 loại hình chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân và lừa đảo tài chính. Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để các đối tượng viết lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Để phòng tránh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, việc nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt. Người dân cần có các kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân như: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên mạng, chỉ cung cấp thông tin cá nhân cho cá nhân và tổ chức tin tưởng. Cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư, thiết lập mật khẩu an toàn và nhiều lớp để bảo vệ tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo, tiktok, instagram...) của mình, người dân cần sử dụng mật khẩu an toàn. Chủ động tìm hiểu, cẩn trọng sàng lọc thông tin, cập nhật những tin tức về các mối đe dọa từ không gian mạng và học cách phòng ngừa.
Trong thời đại số hóa phát triển mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu với sự ra đời của vô số mạng xã hội, các vụ lừa đảo trên không gian mạng sẽ còn diễn biến phức tạp hơn với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Bảo vệ an toàn thông tin cho mọi đối tượng tham gia hoạt động trên môi trường mạng là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Với vai trò quản lý nhà nước, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia để các tổ chức, cá nhân có thể truy vấn, khai thác, đóng góp dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến kịp thời, đồng thời cung cấp các công cụ tự kiểm tra và bảo vệ an toàn thông tin trên không gian mạng. Các hành vi lừa đảo cũng sẽ được các cơ quan chức năng tăng cường điều tra, xử lý, từ đó xây dựng một không gian mạng lành mạnh, đảm bảo lợi ích và sự an toàn cho người dân và tổ chức./.
Bích Ngọc