Khủng hoảng dân số do Covid-19 - Kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới

26/01/2022 - 10:13 AM
Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài trên khắp thế giới đang khiến xu hướng tăng trưởng dân số chậm lại, thậm chí ở nhiều quốc gia dân số suy giảm đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này đang làm ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế thế giới.
 
Thế giới đối mặt với khủng hoảng dân số ngày càng trầm trọng do Covid-19

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, dân số giảm có vẻ là một xu hướng đáng tích cực trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và an ninh lương thực. Tuy nhiên, giờ đây, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh kéo dài, xu hướng tăng trưởng dân số chậm lại hoặc thậm chí dân số suy giảm đang diễn ra ở nhiều quốc gia.

Hầu hết các dự báo trước đại dịch đều cho rằng dân số toàn cầu sẽ ổn định vào nửa sau của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lập luận rằng, dân số sẽ không chỉ ổn định mà còn suy giảm. Tỷ lệ sinh giảm là một xu hướng rõ ràng ở các nền kinh tế giàu có và mới nổi. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường khiến số lượng người tử vong ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dân số các nước trên toàn cầu.

 
Khủng hoảng dân số do Covid-19 Kìm hãm tăng trưởng kinh tế thế giới 1
Ảnh minh họa
 

Tại Mỹ, tốc độ tăng trưởng dân số yếu, vốn đã bị kìm hãm bởi sự sụt giảm tỷ lệ sinh trong suốt thập kỷ qua, đang giảm xuống gần bằng 0 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong năm 2020, khoảng một nửa trong tổng số 50 tiểu bang ở Mỹ ghi nhận tỷ lệ người chết nhiều hơn số trẻ được sinh ra. Các ước tính ban đầu cho thấy, tổng dân số Mỹ chỉ tăng 0,35% trong năm kết thúc vào ngày 1/7/2020, mức thấp nhất từng được ghi nhận và dự kiến tỷ lệ này sẽ gần như không đổi trong năm 2021.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), 2020 là năm mà các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi cơ quan chức năng bắt đầu thực hiện việc lưu trữ số liệu tử vong. Một trong các nguyên nhân chính là do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ sinh suy giảm. Kể từ năm 2012, số ca tử vong tại 27 quốc gia thuộc EU luôn cao hơn số trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, dân số EU trong giai đoạn 2001-2019 vẫn tăng 4% do người nhập cư tăng.

Nhật Bản cũng đang phải đối mặt với khủng hoảng dân số trầm trọng khi ghi nhận số trẻ em ra đời thấp kỷ lục trong năm 2020. Số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản cho thấy, năm 2020, số trẻ em mới sinh ra đã giảm xuống còn 840,8 nghìn, thấp hơn 2,8% so với năm 2019 và là mức thấp nhất kể từ khi nước này thống kê dân số vào năm 1899. Tỷ lệ sinh giảm xuống 1,34 lần cũng là mức thấp nhất trên thế giới.

Theo nghiên cứu, nhiều cặp đôi được cho là hoãn kế hoạch đám cưới hoặc sinh con khi đại dịch Covid-19 hoành hành, do lo ngại tài chính không ổn định. Số lượng các cặp đôi đăng ký kết hôn năm 2020 giảm 12,3%, xuống mức 525.490, mức thấp nhất kể từ sau Thế chiến II.

Nhật Bản đã lâm vào cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong nhiều năm qua khi tỷ lệ sinh liên tục giảm và hệ lụy của Covid-19 càng làm dấy lên hàng loạt lo ngại về dân số già và lực lượng lao động ngày càng bị thu hẹp.

Theo Nikkei, các nhà phân tích nhận định, tác động của Covid-19 lên vấn đề sinh đẻ sẽ nghiêm trọng hơn trong năm 2021, khi một thống kê chỉ ra số trẻ sơ sinh ở Nhật Bản từ tháng 1 đến tháng 3 đã giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Và số trẻ sơ sinh có thể giảm xuống mốc 700.000 trẻ sơ sinh vào năm 2021 sớm hơn 10 năm so với dự đoán trước đó của chính phủ Nhật Bản.

Ngoài ra, dân số Nhật Bản có xu hướng giảm trong thời gian tới vì người trẻ ngày càng tập trung cho sự nghiệp và không mặn mà với việc kết hôn, trong khi người già ngày càng sống thọ hơn. Cựu Thủ tướng Abe Shinzo từng mô tả tình trạng tỷ lệ sinh thấp ở Nhật Bản là cuộc "khủng hoảng quốc gia".

Không chỉ các quốc gia phát triển đang phải đối mặt với tình trạng "lão hóa dân số", các thống kê gần đây của Trung Quốc cũng cho thấy bước ngoặt dân số của nước này đang đến gần.

Mặc dù dân số Trung Quốc đã tăng lên 1,41 tỉ trong năm 2020, nhưng số trẻ sinh ra trong năm này lại giảm còn 12 triệu, thấp hơn so với 14,65 triệu trẻ của năm 2019. Năm 2020 tỷ lệ sinh giảm xuống còn 8,5%, mức thấp nhất kể từ năm 1952 khi Trung Quốc bắt đầu lưu trữ số liệu dân số và cũng là năm thứ tư liên tiếp số trẻ sinh thêm ở Trung Quốc giảm. So với mức tăng 10,48% của năm 2019, tỷ lệ sinh năm 2020 gần như lao dốc thẳng đứng.

Tổng tỉ suất sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh con của Trung Quốc năm 2020 giảm còn 1,3 con/người, thấp hơn nhiều so với mức 2,1 con/người - mức cần thiết để duy trì dân số ổn định, tương đương với mức sinh ở những quốc gia đang lão hoá dân số như Nhật Bản và Italy.

Mặc dù Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2016, nhưng các cặp vợ chồng trẻ vẫn không muốn sinh hai con hoặc nhiều hơn do chi phí chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở ngày càng tăng. Bên cạnh đó, những bất ổn kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra càng đè nặng lên quyết định có con của các cặp vợ chồng.

Ngoài ra, dân số Trung Quốc đang già đi nhanh hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia. Số liệu điều tra cho thấy, người trên 65 tuổi hiện chiếm 13,5% dân số, tăng từ mức 8,9% vào năm 2010. Trong những thập kỷ tới, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và duy trì tính cạnh tranh trên toàn cầu khi dân số trong độ tuổi lao động thu hẹp.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, các nhà nhân khẩu học Trung Quốc đều nhất trí rằng, dân số Trung Quốc hiện đang tiến đến một bước ngoặt quan trọng khi dân số già đi nhanh chóng và tỉ suất sinh giảm và đối mặt với thách thức nhân khẩu học cấp bách và nghiêm trọng nhất trên thế giới và nó giống một quả bom hẹn giờ.

Theo các nhà phân tích, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới có thể đã bước vào thời kỳ suy giảm dân số không thể đảo ngược, trong khi chưa đạt được mức thu nhập như các nước thuộc nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7). Đây chính là hồi chuông báo động với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc.

 

Nỗ lực tìm giải pháp


Tăng trưởng dân số là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến quy mô của thị trường lao động, sức mạnh kinh tế cũng như sự phân bổ ngân sách của một quốc gia. Ngay cả trước khi dịch Covid-19 xảy ra, nhân khẩu học đã trở thành một trong những vấn đề nan giải ở nhiều quốc gia. Theo các chuyên gia nhận định, tác động từ đại dịch Covid-19 lần này có thể tạo thành một "vết sẹo" đối với sự gia tăng dân số, có ảnh hưởng sâu rộng hơn so với các giai đoạn bất ổn kinh tế trong lịch sử.

Suy thoái kinh tế dẫn đến tình trạng mất việc làm, thu nhập giảm và những bất ổn lớn do đại dịch Covid-19 gây ra là những lý do khiến nhiều cặp đôi trì hoãn việc kết hôn hay sinh con.

Bên cạnh đó, phụ nữ ngày càng có xu hướng kết hôn ở độ tuổi lớn hơn và điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của họ. Số lượng sinh giảm có nghĩa là số lượng lao động ngày càng ít đi và số lượng người nghỉ hưu tăng lên nhanh chóng, tạo ra gánh nặng cho hệ thống y tế và phúc lợi xã hội.

Để ứng phó với tình trạng già hóa dân số và duy trì lợi thế nguồn nhân lực, nhiều quốc gia đã đưa ra các chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh như cung cấp các khoản trợ cấp sinh đẻ, chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có lương, và xây dựng hệ thống trường mầm non ở các địa phương.

Trung Quốc mới đây cho phép cặp vợ chồng ở nước này sinh con thứ 3. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, các chính sách khuyến khích sinh con đã không có tác dụng ở các xã hội như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản hay Đài Loan (Trung Quốc).

Ngay cả việc bù đắp các tác động của nhân khẩu học cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Một số chính phủ quyết định nâng tuổi nghỉ hưu hoặc tăng tỷ lệ đóng góp cho chương trình bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, cách tiếp cận này không dễ được thực hiện do vấp phải sự phản đối của các đảng phái chính trị và người dân.

Các chuyên gia khuyến nghị, để giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động, các quốc gia có thể xây dựng chính sách thu hút người nhập cư nước ngoài.

Tại Mỹ, người nhập cư (chiếm từ 1/3 đến 1/2 mức tăng dân số của nước này trong thập kỷ qua) đang gia tăng trở lại vì chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nới lỏng một số hạn chế vốn được ban hành dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Sự thay đổi nhân khẩu học đòi hỏi các nước cải cách cơ cấu kinh tế để duy trì tăng trưởng lâu dài, ví dụ như cần có các công nghệ tiên tiến để thay thế sức lao động của con người. Hơn nữa, việc nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh thông qua nền kinh tế sáng tạo và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao cũng được xem là những giải pháp quan trọng đảm bảo phát triển kinh tế khi bài toán về dân số đang gặp khó./.

 
Trúc Linh

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top