Du lịch Việt Nam nửa đầu năm 2024 đã có mức tăng trưởng như kỳ vọng, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa vượt 50% mục tiêu đề ra của năm và được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa năm 2024, ngành Du lịch đã và đang có nhiều sản phẩm mới cũng nhiều giải pháp để kích cầu du lịch những tháng cuối năm.
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam được ban tặng nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa vô cùng đa dạng và hấp dẫn, với các danh lam thắng cảnh, di tích và lễ hội văn hóa dày đặc. Hiện nay, cả nước có hơn 40.000 di tích và khoảng gần 70.000 di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu bờ biển dài 3.260 km với 125 bãi tắm biển, hàng nghìn lễ hội, hang động, công viên địa chất, khu dự trữ sinh quyển... Tài nguyên du lịch vô cùng phong phú, đa dạng. |
Từ khóa: Du lịch, kích cầu, sản phẩm, khách quốc tế...
Đa dạng nhiều sản phẩm mới đón khách du lịch những tháng cuối năm
Theo Tổng cục Thống kê, với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch được đẩy mạnh cùng những giải thưởng du lịch danh giá được các tổ chức quốc tế trao tặng đã thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Tính chung 10 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 14,1 triệu lượt người, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu phân theo vùng lãnh thổ, đứng đầu là khách quốc tế đến từ châu Á đạt 11.256,8 nghìn lượt người; châu Âu đạt 1.576,4 nghìn lượt người; châu Mỹ đạt 812,8 nghìn lượt người; châu Úc đạt 436,3 nghìn lượt người và châu Phi đạt 42,8 nghìn lượt người. Hiện, thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Tiếp đà tăng trưởng, những tháng cuối năm 2024, nhiều địa phương đã tích cực đưa ra các săn phẩm du lịch mới hút khách du lịch tới địa phương thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm
Tại Hà Nội, mùa Thu - Đông là mùa vàng của du lịch Thủ đô, để tăng tốc đạt mục tiêu đón được 26,5 triệu lượt du khách, trong đó có 5 triệu lượt khách quốc tế, từ tháng Mười cho đến cuối năm, Hà Nội có nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi nhằm thu hút khách du lịch như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội năm 2024, chuỗi các sự kiện du lịch thể thao... Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục xây dựng mô hình thí điểm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để tăng trải nghiệm cho du khách ở ngoại thành.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tập trung triển khai có hiệu quả công tác phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch; đồng thời, tiếp tục triển khai đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung cho dự án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch”, tiếp tục triển khai kế hoạch truyền thông điểm đến “TPHCM - Chào đón bạn” năm 2024. Thành phố ngoài tập trung khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch tại TP. Thủ Đức và các quận, huyện cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch ban đêm, du lịch cộng đồng tại Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) gắn với khai thác giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ.
Cùng với hai thành phố lớn của cả nước, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang tích cực chuyển đổi xanh trong lĩnh vực du lịch với nhiều mô hình du lịch xanh thu hút du khách. Với lợi thế đặc thù miệt vườn sông nước, hệ thống kênh rạch cùng hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và các vùng đất ngập nước đồng bằng độc đáo, ĐBSCL thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm quan, trải nghiệm. Có thể kể tới các tour du lịch cộng đồng liên tỉnh thăm cù lao Thới Sơn, Tiền Giang; các làng nghề làm bánh kẹo thủ công truyền thống ở Bến Tre; các tour du lịch làng hoa Sa Đéc; thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê... Ngoài ra, ngành du lịch cũng đẩy mạnh đầu tư phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, khai thác tiềm năng của các loại hình du lịch mới như: Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm kết hợp với phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các vùng du lịch, các địa phương. Nâng cao chất lượng dịch vụ, nhân lực du lịch; cải thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách…
Tại Nghệ An để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch mùa Thu - Đông, Sở Du lịch Nghệ An đã ban hành nhiều kế hoạch kích cầu du lịch như: Tổ chức các sự kiện gắn với hoạt động du lịch văn hóa những tháng cuối năm 2024; tổ chức các hoạt động bên lề kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; các sản phẩm ẩm thực tại các điểm tham quan du lịch mùa thu đông với chủ đề “Trải nghiệm ẩm thực Thu - Đông Nghệ An”; du lịch tham quan tìm hiểu văn hóa - lịch sử; du lịch lễ hội - tín ngưỡng tạ lễ cuối năm tại các đền, chùa như: đền Cờn, đền Cuông, đền Nguyễn Xí, đền Quả Sơn, đền thờ Vua Quang Trung, chùa Đại Tuệ, chùa Diệc, chùa Cổ Am, chùa Gám…; khám phá bản sắc văn hóa cộng đồng, farmstay các huyện miền Tây Nghệ An với chủ đề “Sắc màu Tây Nghệ”; trải nghiệm sản phẩm du lịch: Ngắm hoa mận, hoa đào Kỳ Sơn kết hợp chinh phục đỉnh Puxailaileng, trekking leo thác Khe Kèm - Vườn quốc gia Pù Mát, trekking rừng săng Lẻ.... Ngoài ra, đến với Nghệ An du khách còn có dịp tham gia một số hoạt động sự kiện, hội chợ du lịch, lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen, Tuần Văn hóa, du lịch tại các tỉnh, thành phố có liên kết hợp tác trong hoạt động du lịch với Nghệ An
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Sở Du lịch đã công bố chương trình kích cầu du lịch quý IV gồm nhiều ưu đãi hấp dẫn như giảm giá từ 10-65% cho các dịch vụ lưu trú, tham quan, ăn uống, lữ hành, hội trường và dịch vụ khác, áp dụng đến hết ngày 31/12; đồng thời, đã cung cấp thông tin 233 khu, điểm đến du lịch và 54 tour, tuyến du lịch nội tỉnh và các chương trình kích cầu du lịch. Ngoài ra, để làm mới các sản phẩm du lịch hiện có và nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch mới, ngành tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại một số điểm, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu phát động chương trình kích cầu du lịch thu hút các đoàn khách đến dự hội nghị, hội thảo kết hợp du lịch (MICE) trong quý IV /2024.
Đồng hành với các địa phương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã triển khai hiệu quả Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 15/8/2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững; Triển khai hiệu quả Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045. Đặc biệt, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã triển khai thành công nhiều chương trình xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài như: Úc, Pháp, Đức, Ý…
Giải pháp để du lịch Việt Nam bứt tốc những tháng cuối năm
Mặc dù đạt kết quả tích cực trong những tháng đầu năm song ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Singapore, Malaysia... Một số thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm chưa phục hồi như trước dịch Covid-19. Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vẫn thiếu hướng dẫn viên đối với các thị trường trọng điểm và thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nên xu hướng, nhu cầu và tâm lý của du khách trong nước và quốc tế thay đổi nhiều đòi hỏi ngành du lịch cần có những giải pháp để thích ứng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024, những tháng cuối năm, các địa phương cần phải lên kế hoạch đón mùa cao điểm khách quốc tế (từ tháng Mười đến tháng Tư năm 2025). Trong đó, những địa phương có lợi thế du lịch biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa... mở thêm hướng phát triển du lịch tàu biển. Những tỉnh miền núi như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng... tiếp tục tận dụng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đẩy mạnh sản phẩm du lịch về hoa; tour du lịch biên giới... Ngoài ra, các công ty lữ hành cũng cần tiếp tục chủ động triển khai nhiều giải pháp đổi mới sản phẩm, kết hợp với tăng trải nghiệm và dịch vụ. Các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân viên và cải thiện quy trình phục vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách.
Bên cạnh các chương trình xúc tiến quảng bá của từng địa phương, Cục Du lịch Quốc gia thông báo rộng rãi tới các địa phương cũng như các doanh nghiệp cùng tham gia phối hợp đồng hành trong các hoạt động, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch Việt Nam tại các hội chợ quốc tế, roadshow ở trong nước và nước ngoài… Cục cũng tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp ban hành một số văn bản đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, các địa phương tăng cường công tác điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch cũng như đảm bảo chất lượng về dịch vụ.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay kết nối thị trường với các điểm du lịch truyền thống, trọng điểm. Thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp du lịch để lắng nghe, đồng hành, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc...
Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xác định rõ các thị trường, các vùng, địa phương. Đặc biệt, mục tiêu quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045 là tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, dịch vụ chất lượng cao dựa trên các tiềm năng, lợi thế và thế mạnh của mình. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp. Đổi mới nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề Việt Nam có thế mạnh.
Ngoài ra, ngành du lịch cần tiếp tục thực hiện tốt các gải pháp trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 gồm: Tiếp tục đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển du lịch; Phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch; Phát triển và đa dạng hóa thị trường khách du lịch; Phát triển sản phẩm du lịch; Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch và hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch; Ứng dụng khoa học, công nghệ; Quản lý nhà nước về du lịch. /.
Tài liệu tham khảo
Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam dến năm 2030.
Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và mưới tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê.
Đồng bằng sông Cửu Long tập trung các giải pháp thu hút du khách dịp cuối năm (https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-bang-song-cuu-long-tap-trung-cac-giai-phap-thu-hut-du-khach-dip-cuoi-nam-162905.html)
Cơ hội du lịch bứt phá vào mùa cao điểm cuối năm (https://thanhtra.com.vn/xa-hoi/du-lich/co-hoi-du-lich-but-pha-vao-mua-cao-diem-cuoi-nam-231901.html)
Hoài An