Kiểm soát tốt lạm phát để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025

10/02/2025 - 08:42 AM
Theo Bộ Tài chính, năm 2025, điều hành giá cần tiếp tục bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát. Theo đó, chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá cả năm 2025 như chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới.

CPI tháng 1/2025 tăng gần 1% do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết tăng cao
 
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 01/2025 tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2024, CPI tháng Một tăng 3,63%. Nguyên nhân khiến chỉ số CPI tháng Một tăng là do một số địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT, giá dịch vụ giao thông, thực phẩm tăng do nhu cầu đi lại và mua sắm của người dân tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
 
Ảnh minh họa

Trong mức tăng 0,98% của CPI tháng 01/2025 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với tăng 9,47% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,51 điểm phần trăm. Trong đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 12,57% do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 21/2024/TT-BYT ngày 17/10/2024 của Bộ Y tế quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, thời tiết chuyển sang mùa đông, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ban ngày và ban đêm nên bệnh cảm cúm, đường hô hấp gia tăng, nhu cầu tiêu dùng các loại thuốc về giảm đau, hạ sốt, đường hô hấp, vitamin và khoáng chất của người dân tăng. Cụ thể, giá nhóm thuốc vitamin và khoáng chất tăng 0,34%; thuốc đường tiêu hóa tăng 0,16%; thuốc tác dụng trên đường hô hấp tăng 0,12%.

Tiếp đến là nhóm giao thông tăng 0,95%, làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Trong đó, nhu cầu đi lại của người dân tăng vào dịp cuối năm làm cho giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 11,08%; vận tải hành khách đường bộ và vận tải hành khách bằng đường thủy cùng tăng 1,73%; vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 1,71%; vận tải hành khách bằng xe buýt tăng 0,24%. Chỉ số giá xăng tăng 2,02%, chỉ số giá dầu diezen tăng 4,99% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước. Giá phụ tùng ô tô tăng 0,66%; lốp, săm xe máy tăng 0,28%; phụ tùng khác của xe máy tăng 0,4%...

 
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 01/2025 so với tháng trước

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,74%, tác động làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm. Trong đó, lương thực tăng 0,3%; thực phẩm tăng 0,97% tác động làm CPI chung tăng 0,21 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,33%.

Ngoài ra, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,69% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng tăng vào dịp Tết Nguyên đán khiến giá rượu bia tăng 0,8%; thuốc hút tăng 0,7%; đồ uống không cồn tăng 0,36%.

Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,51%, chủ yếu tăng giá ở một số mặt hàng: Dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 1,91%; nhóm đồ trang sức tăng 0,95%; dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,56%; vật dụng thờ cúng tăng 0,42%; đồng hồ đeo tay tăng 0,3%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 0,11%...

Cận Tết nên nhóm văn hóa, giải trí và du lịch cũng tăng 0,27%, tập trung chủ yếu ở những mặt hàng: Giá nhóm hoa, cây cảnh, vật cảnh tăng 1,59% do nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; du lịch trọn gói tăng 0,64% (du lịch trong nước tăng 0,52%; du lịch ngoài nước tăng 0,99%) do nhu cầu đi du lịch của người dân và chi phí dịch vụ tăng; khách sạn, nhà khách tăng 0,43%; sách, báo, tạp chí các loại tăng 0,12%.

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 01/2025 tăng 0,42% so với tháng trước, tăng 3,07% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,63%).

Ba kịch bản dự báo CPI bình quân năm 2025

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo để đánh giá công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 và định hướng năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, năm 2024, tình hình trong nước, mặt bằng giá biến động theo quy luật tăng cao vào tháng Tết đầu năm, sau đó giảm trong tháng 3 theo quy luật sau Tết. Sang các tháng của quý II, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào nên mặt bằng giá nhìn chung ít biến động.

Trong 6 tháng cuối năm, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ do tác động của tăng lương cơ sở từ tháng 7 và do giá lương thực, thực phẩm tăng tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình bão lũ, giá bán lẻ điện bình quân tăng 4,8% từ tháng 10 và giá dịch vụ y tế tăng do kết cấu thêm chi phí lương tăng thêm theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng. CPI bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, trong phạm vi mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm do Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Bước sang năm 2025, CPI tháng 01/2025 tăng 0,98% so với tháng 12/2024 chủ yếu do tác động của việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tại các địa phương, giá thực phẩm, dịch vụ giao thông tăng khi nhu cầu người dân mua sắm, đi lại tăng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 1/2025 tăng 3,63%.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đưa ra dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá năm 2025. Đó là, giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tăng giảm đan xen do tác động của các yếu tố địa chính trị. Giá một số vật liệu xây dựng có nguồn cung hạn chế có thể tăng giá do nhu cầu phục vụ xây dựng các công trình trọng điểm. Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ uống, mặt hàng may mặc có thể tăng cục bộ vào một số thời điểm lễ Tết hoặc ảnh hưởng của bão lũ, thời tiết bất lợi...

Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát do Chính phủ và Quốc hội đề ra; tổng hợp thông tin và cập nhật dự báo xu hướng giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu kết hợp với kịch bản điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện tác động đến mặt bằng giá năm 2025, Bộ Tài chính xây dựng 3 kịch bản dự báo CPI bình quân năm 2025.

Kịch bản 1, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 3,83% so với năm 2024.

Kịch bản 2, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024.

Kịch bản 3, dự báo CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,5% so với năm 2024.

Trong ba kịch bản lạm phát năm 2025 được Bộ Tài chính đề xuất, Chính phủ Hồ Đức Phớc đề nghị chọn kịch bản thứ 2 (CPI bình quân năm 2025 tăng khoảng 4,15% so với năm 2024) để quyết liệt triển khai các giải pháp thực hiện.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu thực hiện ngay và nghiêm túc Luật Giá để giữ môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh trường hợp thao túng giá, chiếm dụng, nâng giá.

Chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều hành giá 

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2024, để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra và thực hiện lộ trình giá thị trường các dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp trọng tâm và đạt được kết quả tích cực.

Phát huy những kết quả đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, trong năm 2025, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bình ổn mặt bằng giá để ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân, thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng khó khăn.

Cùng với đó, các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; đồng thời, đề xuất các phương án điều hành, bình ổn giá, nhất là đối với các hàng hóa, tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường. Các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giá đối với các mặt hàng theo lĩnh vực quản lý.

Để quản lý, điều hành giá theo mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường quản lý, điều hành giá khi thị trường có nhu cầu cao trong các dịp lễ, Tết; chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; chủ động và linh hoạt trong quản lý, điều hành giá năm 2025. 

Bảo đảm cân đối cung - cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, nhất là đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm nguồn cung vào dịp lễ Tết, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về giá đối với các mặt hàng theo lĩnh vực quản lý (xăng dầu, điện, dịch vụ khám chữa bệnh, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, đất đai, bất động sản, vận tải, dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa)./.

 
PV
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top