Thời gian qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh Kiên Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, được đông đảo nhân dân quan tâm, đồng tình hưởng ứng. Thành tựu từ những nỗ lực đã đem lại trái ngọt, đưa Kiên Giang trở thành tấm gương điển hình trong xây dựng nông thôn mới của vùng.
Tấm gương điển hình nhìn từ thành quả
Sau hơn 10 năm kể từ khi được phát động, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh Kiên Giang với phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng".
Đến nay, tỉnh Kiên Giang có 111/116 số xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 95,7%). Trong đó, có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 16,38%); có 7/15 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 46,66%, gồm các huyện Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng, Vĩnh Thuận, An Biên, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên). 100% xã trong đất liền, các đường liên ấp, liên xã được nhựa hóa, bê-tông hóa, tổng chiều dài hơn 6.800/9.565 km, đạt tỷ lệ trên 71%. Hạ tầng điện, trường học, trạm y tế được đầu tư. Đời sống dân cư nông thôn ngày càng cải thiện, nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 46,7 triệu đồng/người (năm 2020) đến cuối năm 2023 tăng lên 57,8 triệu đồng/người/năm.
Phong trào xây dưng nông thôn mới tại Kiên Giang được quần chúng nhân dân hướng ứng mạnh mẽ
Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai sôi nổi, rộng khắp, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là giao thông được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, mạng lưới giao thông nông thôn phát triển. Công tác giáo dục, văn hóa, y tế, vệ sinh môi trường nông thôn được chú trọng, các chính sách xã hội và an sinh xã hội được thực hiện kịp thời. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao phát triển rộng khắp; ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và phát huy. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, chất lượng; nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Nhờ sự hỗ trợ vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như kịp thời hướng dẫn làm kinh tế, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều tập thể và cá nhân đã tìm ra hướng đi, phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, góp phần đảm bảo và nâng cao đời sống. Bên cạnh đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo điều kiện để các sản phẩm đặc trưng của địa phương được nâng cao giá trị, thương hiệu, mở rộng thị trường để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay, toàn tỉnh có 269 sản phẩm; trong đó có 6 sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao (Nước mắm Phú Quốc Khải Hoàn và Nước mắm Thanh Quốc), 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao với hơn 130 chủ thể. Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm OCOP của tỉnh có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường.
Với 95,7% xã đạt chuẩn nông thôn mới, Kiên Giang hiện là một trong những tỉnh có số xã đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất khu vực, trở thành tấm gương điển hình để các địa phương khác học hỏi. Kết quả xây dựng nông thôn mới của Kiên Giang dựa trên sự nỗ lực lực vượt khó, đóng góp thành quả của mỗi đơn vị hành chính cũng như Nhân dân trong tỉnh, với nhiều điển hình nổi bật.
Điển hình như xã Thới Quản, huyện Gò Quao, là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Kiên Giang vào năm 2017, đến năm 2023, Xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Đây là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, với hơn 1.500 người, chiếm trên 30% dân số của xã. Trước năm 2015, hầu hết các tuyến đường trong xã Thới Quản là lộ bê tông có chiều ngang chỉ từ 1,5 - 2 m, còn lại là lô đất nên việc đi lại cũng như giao thương hàng hóa của người dân hết sức khó khăn. Đến nay ngoài tuyến đường liên xã, 100% trục đường liên ấp của xã đã được nhựa hoặc bê tông hóa với chiều rộng từ 3 - 4 m, đảm bảo xe ô tô con, xe tải nhỏ đến tận nhà, vườn của nông dân để thu mua nông sản cũng như trao đổi hàng hóa của bà con. Cùng với đó, hệ thống trường học, trạm y tế đều đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao giúp việc học hành, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 99%.
Vùng nông thôn tỉnh Kiên Giang ngày càng phát triển, giàu mạnh nhờ chương trình nông thôn mới
Nhiều hộ dân được khen thưởng, biểu dương vì có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trong đó, tại xã Ngọc Chúc, huyện Giồng Riềng, có hộ dân tự nguyện hiến hơn 300 m2 đất vườn để Nhà nước mở rộng lộ giao thông từ 1,5 m lên 3,5 m; đồng thời, đóng góp tiền mua vật liệu xây dựng, ngày công để cùng chính quyền địa phương làm đường theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Chính sách xây dựng nông thôn mới mang tầm nhìn chiến lược
Những thành tựu to trong công tác xây dựng nông thôn mới của Kiên Giang có được là nhờ sự đoàn kết nhất trí của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và sự thống nhất, đồng lòng của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh Kiên Giang trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, là sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nhận thức, khát vọng vươn lên làm giàu của mỗi người dân và là nếp sống văn hóa, tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, trách nhiệm xã hội trong các cộng đồng dân cư nông thôn,...
Theo kế hoạch số 65/KH-UBND, ngày 3/6/2024 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang năm 2024, Tỉnh xác định các nhiệm vụ cụ thể: Có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm các xã: Bình Giang huyện Hòn Đất, Phú Lợi huyện Giang Thành, Thổ Châu thành phố Phú Quốc, An Minh Bắc, Minh Thuận huyện U Minh Thượng). Phấn đấu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là các xã: Vĩnh Phú huyện Giang Thành; An Sơn huyện Kiên Hải; Tân Hiệp A, Tân An huyện Tân Hiệp; Giục Tượng huyện Châu Thành; Hòa Lợi huyện Giồng Riềng; Vĩnh Phước A; Định Hòa huyện Gò Quao; Thạnh Yên huyện U Minh Thượng; Thuận Hòa, Vân Khánh huyện An Minh; Vĩnh Phong huyện Vĩnh Thuận. Đồng thời, đến hết năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, gồm các xã: Tân Hiệp B huyện Tân Hiệp, Thạnh Phước huyện Giồng Riềng, Bình Minh huyện Vĩnh Thuận; phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là huyện An Minh và huyện Kiên Hải.
Từ đầu năm 2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU này 6/02/2024 về tập trung hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị này được quán triệt đến chi bộ, phổ biến rộng rãi, được quần chúng nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và tham gia nhiệt tình. Qua đó, góp phần đem lại nhiều kết quả quan trọng, điểm tô thêm vào bức tranh tổng thể xây dựng nông thôn mới Kiên Giang.
Xuyên suốt quá trình thực hiện Chương trình, Kiên Giang luôn quán triệt tinh thần "xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc"; do đó tuyệt đối không chủ quan, bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt hơn nữa, đổi mới sáng tạo. Phát huy những thành tích đã đạt được; tập trung khắc phục những hạn chế, khó khăn; khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tiếp tục đẩy mạnh phát triển phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Tỉnh xác định giải pháp căn cơ, xuyên suốt của tỉnh trong quá triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đó là luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, phát huy cao sự tham gia tích cực chủ động của nhân dân và sự quan tâm của toàn xã hội; tiếp tục phổ biến mục tiêu, nội dung các cơ chế chính sách của Chương trình, rút kinh nghiệm và phổ biến cách làm hay, các mô hình hiệu quả.
Cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp với các đoàn thể, tổ chức tuyên truyền, vận động tới từng cộng đồng, hộ dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia bàn bạc, thực hiện và giám sát thực hiện các nội dung chung; hướng dẫn nhân dân thực hiện các nhiệm vụ của từng cộng đồng, từng hộ gia đình. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; tạo điều kiện để người dân thực sự là chủ thể thực hiện Chương trình.
Bên cạnh đó, Kiến Giang triển khai mạnh mẽ, áp dụng đầy đủ các cơ chế đặc thù hỗ trợ xây dựng nông thôn mới ở các vùng sâu vùng xa, điểm xuất phát thấp. Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ nhân dân thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới; thực thi chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp về nông thôn.
Tập trung chỉ đạo các xã đã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải hoàn thiện nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới bền vững. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa quy hoạch, điều chỉnh Đề án xây dựng nông thôn mới phù hợp với yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn; gắn quy hoạch cấp xã với quy hoạch huyện và tỉnh.
Chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn. Ưu tiên nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp… Đẩy mạnh phong trào thi đua "Kiên Giang chung sức xây dựng nông thôn mới".
Kiên Giang triển khai mạnh mẽ xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều thành tựu
Bên cạnh giải pháp và các chính sách điều hành, để đảm bảo cuối năm hoàn thành các chỉ tiêu được giao, Văn phòng Điều phối nông thôn mới phối hợp với các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện xây dựng phương án dự phòng thêm 11 xã và 01 huyện hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Qua đó có thể thấy được tầm nhìn bao quát và mang tính chiến lược từ chính sách, tạo nền tảng và góp phần vào thành công trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Kiên Giang./.
Thu Hiền