Kinh tế Ấn Độ hứng chịu sức tàn phá nặng nề từ Covid-19

21/12/2020 - 03:48 PM
Năm 2019, Ấn Độ chính thức vượt qua Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với GDP đạt 2.940 tỷ USD. Tuy nhiên, sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến nền kinh tế này bị tàn phá nặng nề.
 
Ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19
 
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Ấn Độ đã không tránh khỏi làn sóng dịch bệnh Covid-19 khi ghi nhận ca mắc nhiễm bệnh đầu tiên vào cuối tháng 1/2020. Thời gian tiếp sau đó, số ca nhiễm mới tại quốc gia này đã tăng lên chóng mặt và “xô đổ’ mọi kỷ lục thế giới về số ca mắc Covid-19 trong ngày. Đến cuối tháng 9/2020, Ấn Độ chính thức trở thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới với hơn 6,3 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 98.000 người trong số đó tử vong.
 
Tự hào là một nền kinh tế năng động, đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng, có những siêu đô thị hiện đại… Ấn Độ hướng tới đặt mục tiêu trở thành một siêu cường quốc về kinh tế. Thế nhưng giấc mơ đó dường như bị nhấn chìm bởi dịch bệnh Covid-19 với sức tàn phá nặng nề tới nền kinh tế.
 
Cuối tháng 3/2020, để hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế quốc gia, Ấn Độ đã sớm triển khai các biện pháp phong tỏa một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, các biện pháp trên “vừa quá chặt, vừa quá rỗng”, không những không phát huy được hiệu quả mà đã khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư cá nhân giảm mạnh, làm cho kinh tế Ấn Độ rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước tới nay và sụt giảm nhanh hơn bất cứ quốc gia lớn nào.
 
Minh chứng là ngay sau khi lệnh phong tỏa được thực hiện, nhiều hoạt động kinh tế bị gián đoạn, nhiều nhà máy dệt đã được gây dựng qua rất nhiều thế hệ đã phải thu hẹp sản xuất, tâm lý người tiêu dùng bị tác động mạnh. Hàng chục triệu người dân Ấn Độ ngay lập tức lâm vào cảnh mất việc làm, nhiều hộ gia đình kinh doanh ế ẩm. Người dân đã phải cắt giảm chi tiêu, thậm chí cắt khẩu phần ăn hàng ngày.
 
Kinh tế Ấn Độ hứng chịu sức tàn phá nặng nề từ Covid-19
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Hơn nữa, tại Ấn Độ, phần lớn người lao động làm việc trong các nhà máy, trên công trường xây dựng, các khu đô thị là người nhập cư. Hoảng sợ trước một cuộc sống “u ám” trong các khu ổ chuột, hàng triệu người đổ xô rời khỏi trung tâm thành phố quay trở về làng quê, dẫn đến một cuộc “di cư ngược” trên quy mô lớn. Điều này đã góp phần làm lây lan dịch bệnh đến từng ngõ ngách, con hẻm của quốc gia trên 1,3 tỷ dân, khiến cho nền kinh tế Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn và giảm tốc nhanh chóng.
 
Theo số liệu công bố của Bộ Thống kê và Thực thi chương trình Ấn Độ vào cuối tháng 8/2020, trong quý I/2020 của năm tài chính 2020-2021 (tháng 4-6/2020), GDP theo giá cố định của nước này chỉ đạt khoảng 37,8 tỷ USD, sụt giảm khoảng 23,9% so với mức tăng trưởng dương 5,2% của cùng kỳ năm trước. Đây là mức sụt giảm GDP mạnh nhất kể từ khi các số liệu kinh tế theo quý của Ấn Độ bắt đầu được công bố năm 1996 và là mức giảm mạnh nhất trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới (theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD). Trong đó, đầu tư nước này giảm tới 47% so với năm trước, tiêu dùng hộ gia đình giảm gần 27% (theo Capital Economics).
 
Sau khi mức sụt giảm GDP 23,9% được công bố, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch đã điều chỉnh dự báo GDP của Ấn Độ trong tài khóa 2020-2021 (kết thúc tháng 3/2021) sẽ giảm 10,5% thay vì mức giảm 5% theo dự báo ban đầu. Trước đó, công ty tài chính Nomura cũng hạ dự báo tăng trưởng của Ấn Độ từ mức -6,1% xuống -10,8% cho tài khóa 2020-2021.
 
Chính phủ nỗ lực vực dậy nền kinh tế
 
Trước tình trạng sụt giảm mạnh của nền kinh tế, chính phủ nước này đã buộc phải nới lỏng đáng kể lệnh phong tỏa toàn quốc. Bước đi tuy khiến Ấn Độ tiếp tục rơi vào vòng xoáy của dịch bệnh với số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 liên tiếp tăng lên với tốc độ kỷ lục, đặc biệt là trong tháng 9/2020, song rõ ràng việc khởi động lại các hoạt động để khôi phục nền kinh tế vẫn là việc làm cần thiết đối với Ấn Độ lúc này. Chính quyền các bang và vùng lãnh thổ được phép linh hoạt để đưa ra quyết định cho phép mở cửa các lớp học cho lứa tuổi từ 14-17 trước hay sau thời điểm 15/10 theo từng mức khác nhau. Các rạp chiếu phim sẽ được phép mở cửa với 50% công suất, các bể bơi có thể đưa vào sử dụng cho việc tập luyện thể thao. Trong khi các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn bị đình chỉ thì các chuyến tàu, siêu thị, chuyến bay nội địa, chợ và nhà hàng đã được mở cửa hoặc phục vụ trở lại với một số hạn chế.
 
Bên cạnh đó, Chính phủ và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (Ngân hàng Trung ương) cũng đã nhanh chóng triển khai các biện pháp cải cách, cắt giảm lãi suất và tung ra các gói kích thích kinh tế nhằm làm giảm tác động của đại dịch. Ví dụ như gói kích thích trị giá gần 270 tỉ USD vào tháng 5/2020, dành cho các đối tượng là doanh nghiệp vừa và nhỏ; lao động nhập cư, người bán hàng rong, buôn bán nhỏ, lao động tự do và nông dân… Tiếp đến là gói kích thích kinh tế trị giá 6,5 tỷ USD, trong đó có việc trả trước một phần tiền lương của nhân viên chính phủ liên bang và các khoản vay không lãi suất cho các bang, nhằm mục đích thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng trong mùa lễ hội của Ấn Độ và tăng chi tiêu vốn. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, Ấn Độ đầu tư gần 1.500 tỷ USD để tập trung đầu tư lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng, giúp vực dậy nền kinh tế nước này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Điểm đáng chú ý là trong các gói kích thích nền kinh tế, Ấn Độ đặc biệt chú trọng vực dậy sự phát triển của các ngành công nghệ và tập trung phát triển chuỗi giá trị toàn cầu trong các ngành ô tô, linh kiện ô tô, điện tử, viễn thông, dược phẩm, thiết bị y tế, dệt may, chế biến thực phẩm, thiết bị gia dụng và thép đặc chủng.
 
Cùng với đó, trong sự ảnh hưởng của đại dịch, với sự đứt gãy của nhiều chuỗi cung ứng, Ấn Độ ngày càng cảm nhận rõ hơn khiếm khuyết trong nền kinh tế của mình khi đang phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài trong rất nhiều lĩnh vực. Đây là động lực để chính phủ Ấn Độ phát động chiến dịch mang tên “Atmanirbhar Bharat” có nghĩa là “Ấn Độ tự cường” và các doanh nghiệp nước này xem đây là một định hướng mới cho nền kinh tế quốc gia.
 
Với những nỗ lực hành động trên của Chính phủ Ấn Độ, các nhà phân tích cho rằng nền kinh tế 1,3 tỷ dân có thể đảo chiều, nhanh chóng phục hồi trở lại bởi những thế mạnh mà nước này đang có như lực lượng lao động trẻ khổng lồ và có nhiều thiên tài công nghệ. Theo dự báo của Lancet, Ấn Độ sẽ có dân số trong độ tuổi lao động lớn nhất trước năm 2030, sau đó tiếp tục tăng để đạt mức cao nhất trước năm 2050. Dù sau mốc này có sự sụt giảm nhưng Ấn Độ vẫn sẽ có nhiều người trong độ tuổi lao động hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới vào cuối thế kỷ này. Sự thay đổi về nhân khẩu học cho phép quốc gia Nam Á này trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 vào năm 2030 sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Theo dự báo, năm 2050, Ấn Độ sẽ vượt lên Nhật Bản giành vị trí thứ 3 và giữ vị trí này cho đến năm 2100. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng đang là lựa chọn thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới trong bối cảnh cả Mỹ và thế giới đang “quay lưng”với Bắc Kinh. Điển hình là từ giữa năm 2019, 200 tập đoàn của Mỹ đã tìm cách chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Ấn Độ (theo Diễn đàn đối tác và chiến lược Mỹ - Ấn) hay những dòng dịch chuyển của các tên tuổi lớn như Apple, Samsung...
 
Hơn nữa, những tín hiệu tốt thể hiện trong báo cáo triển vọng kinh tế hàng tháng cho tháng 9 của Bộ Tài chính Ấn Độ cũng là niềm tin để kỳ vọng sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế nước này. Theo báo cáo, Ấn Độ có thể đã vượt qua đỉnh của đại dịch Covid-19; sản lượng kỷ lục về hạt thực phẩm vào mùa gió mùa (kharif ); sự gia tăng nhu cầu ở khu vực nông thôn, thể hiện qua sự gia tăng đăng ký xe hai bánh, xe ba bánh và xe chở khách và doanh số bán máy kéo trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước; nhiều chỉ số dịch chuyển xã hội và hậu cần tăng; vận tải đường sắt, doanh thu từ vận chuyển hành khách đường sắt, lưu lượng vận chuyển hàng hóa và lưu lượng hàng không nội địa đã được cải thiện; xuất khẩu tăng hơn 5% trong tháng 9.…
 
Những yếu tố trên là cơ sở để Fitch dự báo GDP của Ấn Độ sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý II và III khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng cảnh báo tốc độ sẽ diễn ra một cách chậm chạp không đồng đều. Trong khi đó, chuyên gia ngân hàng HSBC nhận định GDP của Ấn Độ sẽ vẫn tăng trưởng âm cho đến hết năm nay, trước khi đạt mức dương nhẹ vào đầu năm 2021./.
Quang Vinh
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top