Kinh tế cả nước 7 tháng năm 2024 - Nhiều tín hiệu tích cực

30/07/2024 - 07:35 AM
Đi qua nửa đầu năm 2024, kinh tế Việt Nam liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực và đặt kỳ vọng cao về khả năng tăng trưởng đạt, vượt mục tiêu. Đặc biệt, nhờ nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng Bảy và 7 tháng năm 2024 của nước ta duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo.
 
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục được triển khai mạnh mẽ
 
Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, lúa thu đông, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm. Chăn nuôi phát triển ổn định, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát. Sản xuất lâm nghiệp đẩy mạnh công tác trồng rừng tập trung và hoạt động khai thác gỗ do giá gỗ tăng cao. Nuôi trồng thủy sản tăng trưởng tích cực nhờ áp dụng các phương thức nuôi trồng tiên tiến, hiệu quả. Khai thác thủy sản biển đạt khá do thời tiết tương đối thuận lợi.
 
Về nông nghiệp, tính đến ngày 15/7/2024, cả nước gieo cấy được 1.206,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó: Các địa phương phía Bắc gieo cấy 852,5 nghìn ha, bằng 99,3%; các địa phương phía Nam gieo cấy 354,4 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Hiện các trà lúa đã gieo cấy đang trong giai đoạn phát triển tương đối tốt. Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.902,2  nghìn ha lúa hè thu, bằng 99,6% cùng kỳ năm trước. Phần lớn lúa hè thu đang ở thời kỳ sinh trưởng, đẻ nhánh, trổ đòng. Trong khi đó, diện lúa thu đông trà đầu đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Cùng với việc gieo cấy lúa, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Tuy nhiên, diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết không thuận lợi nắng nóng kéo dài trong những tháng đầu hè và mưa nhiều trong thời gian gần đây. Riêng diện tích khoai lang tăng nhẹ do gần đây có nhiều giống khoai lang chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên người dân tăng diện tích trồng mới.
 
Chăn nuôi trâu, bò trong tháng có xu hướng giảm. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển ổn định do người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và giá thịt lợn hơi tăng trong những tháng gần đây. Tuy vậy, người chăn nuôi vẫn cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cần cung cấp thông tin kịp thời, quản lý tốt tình hình chăn nuôi tại địa phương. Tính đến ngày 23/7/2024, cả nước không còn dịch tai xanh; dịch lở mồm long móng và dịch cúm gia cầm còn ở Tiền Giang; dịch viêm da nổi cục còn ở 8 địa phương và dịch tả lợn châu Phi còn ở 25 địa phương chưa qua 21 ngày.
 
Về lâm nghiệp, tính chung 7 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 143,4 nghìn ha, tăng 4,6% so cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,1 triệu cây, tăng 3%; sản lượng gỗ khai thác đạt 11.943,2 nghìn m3, tăng 7,1%. Từ đâu năm, cả nước có 1.303,0 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó diện tích rừng bị chặt, phá là 588,0 ha, giảm 23,0%; diện tích rừng bị cháy là 715,0 ha, tăng 16,8%.
 
Về thủy sản, tính chung 7 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 5.225,8 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 3.760,2 nghìn tấn, tăng 2,5%; tôm đạt 699,0 nghìn tấn, tăng 3,9%; thủy sản khác 766,6 nghìn tấn, tăng 2,1%.
 
Kinh tế cả nước 7 tháng năm 2024 - Nhiều tín hiệu tích cực
Tình hình kinh tế cả nước 7 tháng đầu năm 2024 có nhiều tín hiệu tích cực

 
Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng tích cực
 
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm.
 
Chỉ số sản xuất 7 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,0%; sản xuất kim loại tăng 12,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,5%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 11,1%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,4%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%.
 
Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 03 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
 
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/7/2024 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,3% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và tăng 1,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5% và tăng 0,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,2% và tăng 4,3%.
 
Doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về chất và lượng
 
Tính chung 7 tháng năm 2024, cả nước có hơn 95,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 854,6 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 600,4 nghìn lao động, tăng 6,3% về số doanh nghiệp, tăng 2,4% về vốn đăng ký và tăng 2,0% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2024 đạt 9,0 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 919,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của hơn 27,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2024 là 1.773,8 nghìn tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có gần 44,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2024 lên gần 139,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
 
Tính chung 7 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 78 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; hơn 35,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 1,5%; 11,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5%. Bình quân một tháng có hơn 17,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
 
Vốn trực tiếp nước ngoài tiếp tục là điểm sáng đầu tư
 
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục được các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh thực hiện. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 7/2024 ước tăng 8,2% so với tháng trước; tính chung 7 tháng năm 2024 ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 301,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 40,2% và tăng 23,6%).
 
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2024 ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
 
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 150,7 triệu USD, giảm 53% so với cùng kỳ năm trước.
 
Thu ngân sách Nhà nước với tín hiệu lạc quan
 
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 ước tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách Nhà nước ước tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2023, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định. Theo đó, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 ước đạt 1.188,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế tổng chi ngân sách Nhà nước 7 tháng năm 2024 ước đạt 948,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,7% dự toán năm và tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
 
Hoạt động thương mại tiếp tục là điểm nhấn của bức tranh kinh tế 7 tháng năm 2024
 
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.625,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,6%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 9,8%). Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 2.801,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%); Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 419,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% tổng mức và tăng 15,2%; Doanh thu du lịch lữ hành ước đạt 35,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 31,8%; Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 370,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,1% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
 
Đóng góp lớn vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phải kể đến sự tăng trưởng tích cực của ngành du lịch. Nhờ chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh đã thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, khách quốc tế đến nước ta đạt gần 10 triệu lượt người, tăng 51,0% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
 
Bên cạnh đó, xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 439,88 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
 
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 57,5 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 19,4%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,1 tỷ USD, giảm 14%; nhập siêu từ Trung Quốc 45,8 tỷ USD, tăng 65,4%; nhập siêu từ Hàn Quốc 17,7 tỷ USD, tăng 15,7%; nhập siêu từ ASEAN 5,5 tỷ USD, tăng 21%.
 
Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
 
Bình quân 7 tháng năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,73%, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
 
Hoạt động vận tải sôi động, tiếp tục duy trì tốc độ tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 7,2% và luân chuyển tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 13,3% và luân chuyển tăng 11,3%./.
 
Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top