Kinh tế Hòa Bình chuyển biến tích cực sau dịch Covid-19

24/10/2022 - 08:11 AM
9 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước tiếp tục có xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nhờ đó một số lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực.
 
Tiến độ thực hiện vốn đầu tư được đẩy mạnh
 
Trong 9 tháng đầu năm, dịch bệnh được khống chế đã tạo thuận lợi cho nhiều hạng mục công trình/dự án tổ chức triển khai. Ngoài việc khởi công các dự án mới, các nhà thầu tiếp tục thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp từ năm 2021. Vốn đầu tư thực hiện trên toàn địa bàn 9 tháng đầu năm ước đạt gần 13,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,01% (tương ứng 894,57 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn Nhà nước ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,44%; vốn ngoài nhà nước ước đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,81%; tuy nhiên vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lại giảm 79,65%, ước đạt 92,18 tỷ đồng.
 
Tiến độ thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách địa phương 9 tháng đầu năm 2022 cao hơn so cùng kỳ năm ngoái là do một số dự án được khởi công mới và khởi động lại như: Dự án cải thiện nông nghiệp có tưới; dự án nâng cấp đường tỉnh 436...
 
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng
 
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh Hòa Bình ước có 380 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 14% tuy nhiên số vốn đăng ký bằng 82,5%. Bên cạnh đó, có 190 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; 175 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 35 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 90 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.
 
Các doanh nghiệp có 45 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 31,5 nghìn tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 30 dự án và có vốn đăng ký đầu tư tăng khoảng 129,4%. Quyết định chấm dứt hoạt động 03 dự án, tạm ngừng hoạt động 01 dự án trong nước; điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 12 dự án. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có tổng số 705 dự án đang hoạt động; trong đó, có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 600 triệu USD và 668 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 181,9 nghìn tỷ đồng.
 
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 103 dự án đầu tư đã được cấp phép; trong đó, có 25 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký 518,99 triệu USD và 78 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 13,6 nghìn tỷ đồng. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm của các doanh nghiệp trong các KCN ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, đạt 78,7% so với kế hoạch; giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn lao động, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
 
Kinh tế Hòa Bình chuyển biến tích cực sau dịch Covid-19
 

Sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều thuận lợi
 
Trong 9 tháng đầu năm 2022, nhờ điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nắng nóng đan xen mưa ẩm cho vụ mùa, lượng nước dự trữ ở các hồ đập được duy trì, bảo đảm đủ nước phục vụ gieo trồng nên sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực.
 
Đối với cây hàng năm, diện tích gieo trồng vụ mùa đạt trên 22.000 ha, bằng 99,64% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích trồng ngô từ đầu năm đạt 36,5 nghìn ha, bằng 100,56%, có diện tích thu hoạch đạt 25.000 ha; sản lượng thu hoạch ước đạt 111,5 nghìn tấn, bằng 100,93% so với cùng kỳ.
 
Một số cây chủ yếu thu hoạch đến ngày 15/9/2022 là: Cây khoai lang đạt 21,1 nghìn tấn, bằng 95,18%; cây lạc đạt 6,7 nghìn tấn, bằng 97,55%; cây đậu tương đạt 261,4 tấn, bằng 82,08%; rau đậu các loại đạt 191,8 nghìn tấn, đạt 99,41% so cùng kỳ năm 2021.
 
Tình hình sản xuất cây lâu năm 9 tháng đầu năm nay của tỉnh Hòa Bình tiếp tục theo hướng phát triển các loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao như cam, bưởi, táo... và cải tạo, phá bỏ vườn tạp. Ước tính trong 9 tháng đầu năm, sản lượng cam thu hoạch đạt 48,5 nghìn tấn, tăng 6,9% so cùng kỳ; sản lượng bưởi đạt 19,6 nghìn tấn; tăng 12,05%.
 
Một số loại cây lâu năm thu hoạch đến nay là: Chuối ước đạt 14 nghìn tấn, tăng 12,77%; xoài ước đạt 726,5 tấn, tăng 1,31%; chè 5,5 nghìn tấn, tăng 1,79% và vải ước đạt 1,7 nghìn tấn, bằng 99,52% so cùng kỳ năm 2021.
 
Về chăn nuôi, dịch tả lợn châu phi cơ bản được kiểm soát, tình hình chăn nuôi hiện nay đang giữ ổn định. Tổng đàn trâu hiện nay là gần 115,7 nghìn con, bằng 99,98% so với cùng kỳ năm trước; tổng đàn bò là 88 nghìn con, bằng 101,32%; tổng đàn lợn là 473 nghìn con, bằng 102,6%; tổng đàn gia cầm là 8,6 triệu con, bằng 104,6%.
 
Sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 9 tháng đầu năm 2022, trâu xuất chuồng đạt 2.900 tấn, bằng 101,93% so với cùng kỳ năm trước; bò xuất chuồng đạt hơn 2.300 tấn, bằng 102,24%; lợn hơi xuất chuồng đạt 49,1 nghìn tấn bằng 104,53%; thịt gia cầm xuất chuồng đạt 19,4 nghìn tấn bằng 105,32%.
 
Tính đến nay diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 2,4 nghìn ha, so với cùng kỳ năm 2021 bằng 100,03%. Tổng sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm 2022 đạt 6,5 nghìn tấn, tăng 5,26%. Trong đó, sản lượng cá đạt 6.319,3 tấn (chiếm 96,92% tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh), tăng 5,3%  so với cùng kỳ; sản lượng tôm đạt 76,9 tấn, tăng 3,92%; sản lượng thủy sản khác đạt 123,8 tấn, tăng 4,03%.
 
Hoạt động sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi
 
9 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hòa Bình có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng có chỉ số sản xuất giảm 9,22% so với cùng kỳ năm trước, do hoạt động khai thác đá từ đầu năm đến nay luôn gặp khó khăn, các chi phí nguyên nhiên vật liệu thiết yếu xăng, dầu, vật liệu nổ... liên quan đến khai thác đá tăng cao, làm tăng giá thành khai thác, sản phẩm đá tiêu thụ chậm, hoạt động không hiệu quả.
 
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước, do  hoạt động sản xuất một số sản phẩm đang trên đà phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như: Cửa ra vào, cửa sổ bằng sắt, thép tăng 117,11%; áo sơ mi cho người lớn không dệt kim hoặc đan móc tăng 60,4%; gỗ dán tăng 53,94%; bê tông trộn sẵn (bê tông tươi) tăng 45,24%; tinh bột sắn, bột dong riềng tăng 41,63%...
 
Sản xuất và phân phối điện cũng đạt kết quả tích cực và tăng 18,85% so với cùng kỳ năm trước, với chủ lực đóng góp chỉ số sản xuất là công ty Thủy điện Hòa Bình, ước 9 tháng đầu năm 2022 là 8.074 triệu Kwh, tăng 1.295 triệu Kwh (tăng 19,11%) so với cùng kỳ năm 2021.
 
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, nhu cầu người dân đi chơi nghỉ mát, sử dụng các ăng uống các nhà hàng tăng nên ngành công nghiệp cung cấp nước sạch và xử lý rác thải tăng 2,84% sovới cùng kỳ năm trước. 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng nước sạch khai thác và cung cấp là 92.266 nghìn m3, tăng 3.504 nghìn m3 (tăng 3,95%) so với cùng kỳ năm 2021.
 
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng các loại hình dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, vui chơi và giải trí tăng đã góp phần làm cho doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ và vận tải trong 9 tháng đầu năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 194,75 tỷ đồng tăng 2,55 lần so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 38,86%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 9,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 2,8 nghìn tỷ đồng,  so với cùng kỳ năm trước tăng gấp hơn 7 lần./.
 
K.H
 
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top