Kinh tế Mỹ trên đường phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19

09/08/2021 - 03:38 PM
Nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ đang từng bước phục hồi khi "cơn bão" Covid-19 đang dần qua đi và các gói kích thích khổng lồ của chính phủ phát huy tác dụng. Theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 6,4%, đạt 19,1 nghìn tỷ USD trong quý I/2021. Đây là mức tăng cao nhất được ghi nhận trong quý đầu tiên của bất kỳ năm nào kể từ năm 1984.
 
Kinh tế Mỹ đang tiệm cận với sự phục hồi hoàn toàn

Các hoạt động kinh tế Mỹ tăng bùng nổ trong quý đầu năm 2021, nhờ chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19 được đẩy nhanh và nỗ lực kích cầu của Chính phủ. Trong vòng 3 tháng, đã có 2 gói cứu trợ với tổng trị giá gần 3.000 tỉ USD được thông qua giúp thúc đẩy thu nhập và chi tiêu của người dân. Gói cứu trợ đầu tiên trị giá 900 tỉ USD được thông qua vào cuối tháng 12/2020 cấp cho mỗi người Mỹ 600 USD. Trong tháng 3/2021, một gói cứu trợ mới trị giá 1.900 tỉ USD cũng được thông qua và cấp thêm cho mỗi người 1.400 USD. Các chuyên gia kinh tế nhận định, dòng tiền mặt ồ ạt từ các gói ngân sách trên sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy chi tiêu. Mặt khác, việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội cũng như tăng cường tiêm chủng phòng Covid-19 sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng và đây chính là động lực kinh tế quan trọng trong năm nay.

 
Kinh tế Mỹ trên đường phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Báo cáo GDP do Bộ Thương mại Mỹ công bố mới đây cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nền kinh tế vẫn chưa hồi phục hoàn toàn về mức trước đại dịch. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ đạt mức tăng trưởng 6,4% trong quý I/2021. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với mức dự báo 6,5% mà giới phân tích đưa ra. Trước đó, trong quý IV/2020, kinh tế Mỹ tăng 4,3%. Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhận định, đây là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang cất cánh và năm nay có thể là một năm bùng nổ. Rõ ràng, người tiêu dùng Mỹ đang giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế và các doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư.

Tiêu dùng, khu vực chiếm 68,2% nền kinh tế Mỹ đạt tốc độ tăng trưởng 10,7% trong quý I/2021, so với mức tăng 3,2% đạt được trong quý IV/2020. Tốc độ tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ này xuất phát từ tấm séc kích cầu 1.400 USD trong khuôn khổ gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Các chi tiêu chủ yếu gồm mua xe có động cơ, đồ nội thất, hàng hóa giải trí và đồ điện tử… Doanh thu các nhà hàng, sòng bạc và dịch vụ lưu trú cũng tăng trong quý I/2021. Dự kiến, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều nhà hàng và địa điểm giải trí mở cửa trở lại thì người dân sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ giải trí. Điều này sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục tăng tốc trong quý II/2021. Bên cạnh đó, đầu tư và chi tiêu công cũng tăng 6,3%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, những con số trên phản ánh một nền kinh tế đã có những bước tiến dài kể từ đợt phong toả năm 2020 khiến hơn 22 triệu người Mỹ rơi vào cảnh thất nghiệp và GDP nước này có cú sụt chưa từng có tiền lệ 31,4% trong quý 2/2020. Tuy nhiên, Cục Nghiên cứu kinh tế Mỹ (BER) vẫn chưa công bố kinh tế Mỹ thoát suy thoái, vì tổng GDP tính bằng USD chưa quay trở lại mức đỉnh thiết lập trước đại dịch. Nếu so với trước đại dịch, GDP cả năm của Mỹ hiện mới đạt khoảng 96%.

Trong số người Mỹ mất việc vì Covid, đến nay đã có 14 triệu người tìm được việc. Dù vậy, theo ước tính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), số người có việc làm ở nước này hiện vẫn đang ít hơn khoảng 8,4 triệu so với trước đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm mạnh về 6% từ mức đỉnh 14,7%, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức 3,5% vào thời điểm tháng 2/2020. Công ty Xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics ước tính, kế hoạch kích cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tạo ra 7,5 triệu việc làm trong năm nay.

Với thị trường việc làm còn nhiều khó khăn, Fed có thể tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ phục hồi. Ngoài việc hạ lãi suất về 0-0,25% và duy trì cho đến nay, Fed đã chi gần 4 nghìn tỷ USD để mua tài sản, nâng giá trị bảng cân đối kế toán của ngân hàng trung ương này lên gần 8 nghìn tỷ USD.

Chỉ số lòng tin tiêu dùng do Đại học Michigan (Mỹ) khảo sát vừa được công bố vào ngày 30/4 cũng đã tăng lên 88,3 trong tháng Tư vừa qua, tăng từ mức 84,9 của tháng Ba và cao hơn mức tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là 71,8. Đây là mức cao nhất của chỉ số này kể khi đại dịch bắt đầu bùng phát. Dữ liệu trên phản ánh việc nền kinh tế lớn nhất thế giới dần mở cửa trở lại và mức độ sẵn sàng chi tiêu cho ăn uống, du lịch của người Mỹ ngày càng tăng sau khi được tiếp cận rộng rãi với các đợt tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Bên cạnh đó, theo một thống kê tích cực khác, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ cho biết, ngày càng có nhiều người Mỹ ký hợp đồng mua nhà trong tháng ba. Điều này cho thấy thị trường nhà đất tăng trưởng mạnh hơn khi mùa hè đến gần. Các nhà kinh tế nhận định, Hoạt động mở cửa trở lại của nhiều doanh nghiệp, gói viện trợ liên bang và tốc độ tạo việc làm sẽ giúp duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tháng 4, Fed nhấn mạnh rằng“các chỉ số về hoạt động kinh tế và việc làm đã khởi sắc gần đây, nhưng những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đại dịch vẫn còn đang yếu” và sự phục hồi của nền kinh tế còn chưa đều và sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thiện.

Ngoài sự hỗ trợ của Fed, nền kinh tế Mỹ còn nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ chính sách tài khoá. Quốc hội Mỹ từ đầu đại dịch đến nay đã phân bổ khoảng 5,3 nghìn tỷ USD để kích cầu, đẩy thâm hụt ngân sách liên bang lên 1,7 nghìn tỷ USD trong nửa đầu tài khoá 2021 và nợ liên bang lên mức 28,1 nghìn tỷ USD. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn đề xuất thêm một gói đầu tư hạ tầng 2,3 nghìn tỷ USD và một gói hỗ trợ gia đình-giáo dục trị giá 1,9 nghìn tỷ USD.

Trong một thông báo gửi cho khách hàng vào giữa tháng 3, ngân hàng Goldman Sachs dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 8% trong năm 2021. Nếu dự báo này là đúng, đây sẽ là năm mà nền kinh tế có sự cải thiện lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khi lần gần nhất mà GDP của Mỹ đạt mức tăng trưởng 8% là vào năm 1951. Goldman Sachs cho biết, việc nâng dự báo tăng trưởng phản ánh các chính sách tài khóa mới nhất của Mỹ.

Như vậy, sau khi tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,4% và 4,3% trong quý III và quý IV/2020; 6,4% trong quý I/2021, có thể nói nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi hoàn toàn. Điều này có nghĩa là kinh tế Mỹ sẽ hoàn toàn trở lại mức sản xuất như trước thời đại dịch COVID-19 vào quý III hoặc quý IV/2021.
Khi một số nhà kinh tế lo ngại việc Chính phủ Mỹ tiếp tục chi tiền để hỗ trợ nền kinh tế và giúp các hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, Goldman Sachs cho rằng động lực lạm phát sẽ phản ánh chu kỳ trước đó và sẽ chỉ chuyển thành lạm phát được tính bằng chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân lõi ở mức 2,1% vào năm 2023.


Tăng trưởng mạnh nhưng không “quá nóng”
 
Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng lạm phát có thể tăng cao hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Bà Janet Yellen cho rằng điều đó sẽ không xảy ra, đồng thời khẳng định có đủ công cụ để điều chỉnh tăng trưởng của nền kinh tế.

Bà Yellen cũng phản bác quan điểm cho rằng gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD là quá lớn để nền kinh tế có thể hấp thụ mà không bị phát triển quá nóng. Bà cho rằng, gói cứu trợ là cần thiết để vực dậy nền kinh tế trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Trong trường hợp gói kích thích này gây ra lạm phát sẽ có những công cụ để giải quyết và vấn đề này sẽ được giám sát chặt chẽ.

Phát biểu trên được bà Yellen đưa ra trong bối cảnh ngày 10/2 vừa qua, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm chưa điều chỉnh lạm phát của Mỹ đã tăng từ 1,13% lên 1,61%/năm, mức cao nhất trong một năm kể từ trước khi đại dịch bùng phát. Trong khi đó, Fed đã giữ nguyên mức lãi suất cho vay ở biên độ gần bằng 0 kể từ khi bùng phát dịch một năm trước đây.

Sự gia tăng lợi suất đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về khả năng lạm phát tăng vọt từ sự phục hồi kinh tế hình chữ V, đặc trưng cho sự phục hồi nhanh chóng và bền vững sau sự suy giảm mạnh mẽ. Lo ngại lạm phát gia tăng đang khiến các nhà đầu tư suy đoán Fed có thể phải thay đổi chính sách sớm hơn dự kiến bằng cách giảm mua trái phiếu hoặc thậm chí tăng lãi suất vào một thời điểm nào đó.

Chủ tịch Fed Jerome Powell nhận định, kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh hơn dự kiến, nhưng Fed sẽ không ngừng các nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế. Ông nhấn mạnh, Fed sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ cần thiết và không bỏ rơi hàng triệu người Mỹ vẫn đang chịu tổn thương trong cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19. Dù nâng dự báo tăng trưởng kinh tế đáng kể, Fed tiếp tục phát đi tín hiệu cho thấy lãi suất sẽ không đổi đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ cho các thị trường tài chính và lạm phát duy trì trên 2% trong một thời gian.

Trong khi đó, phân tích của Moody’s cũng chỉ ra rằng kế hoạch đầu tư cho cơ sở hạ tầng của ông Biden sẽ khiến tăng trưởng giảm nhẹ vào năm tới, khi việc tăng thuế đánh vào doanh nghiệp (nguồn tiền huy động cho kế hoạch này) sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ chuyển hướng tăng tốc về tăng trưởng và việc làm bắt đầu từ năm 2023.

Như vậy, sau năm 2020 với quá nhiều biến động, Mỹ muốn hướng đến sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 bằng việc đơn giản là quay trở lại hoạt động bình thường nhờ quá trình tiêm chủng. Dựa trên các thông số và chính sách mà Chính phủ Mỹ đã ban hành, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng và xu hướng phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới này./.

Tiến Long

 

 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top