Theo báo cáo về kinh tế số toàn cầu của Công ty tư vấn và nghiên cứu Forrester, nền kinh tế số toàn cầu dự kiến sẽ đạt 16.500 tỷ USD vào năm 2028, tăng trưởng trung bình 6,9%/năm từ năm 2023 đến năm 2028. Trong đó, hai lĩnh vực đóng góp chính cho mức tăng trưởng này là thương mại điện tử và du lịch trực tuyến với mức tăng lần lượt 9% và 7% mỗi năm.
Mỹ và Trung Quốc chiếm 70% nền kinh tế số toàn cầu
Forrester cho biết, 6 nền kinh tế số lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Đức và Hàn Quốc. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc sẽ chiếm gần 70% nền kinh tế số toàn cầu.
Mỹ dẫn đầu về chi tiêu công nghệ (42%), Trung Quốc thống trị lĩnh vực thương mại điện tử, với dự báo 41% tổng doanh số bán lẻ sẽ diễn ra trực tuyến vào năm 2028.
Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số, theo ông Michael O’Grady, nhà phân tích dự báo chính của Forrester, các quốc gia cần tập trung vào các doanh nghiệp kỹ thuật số, dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng số, nghiên cứu và phát triển, cũng như đầu tư vào công nghệ ảnh hưởng đến các hoạt động phi kỹ thuật số. Ước tính của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), gần 70% giá trị mới được tạo ra trong thập kỷ tới sẽ đến từ các nền tảng kỹ thuật số.
Ảnh minh họa
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Hàn Quốc là quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển, với trọng tâm vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn cho AI, 5G và 6G, metaverse và an ninh mạng.
Ngược lại, đầu tư kỹ thuật số ở châu Âu còn chậm chạp, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm từ năm 2024 đến năm 2027 dự kiến đạt 83 tỷ euro (91,8 tỷ USD), thấp hơn đáng kể so với mức 125 tỷ euro mà Ủy ban châu Âu đề ra.
Kỳ vọng thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 11 tỷ USD năm 2027
Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế số tăng dần qua các năm. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và 2 năm tiếp theo 2022 - 2023 đứng thứ 1.
Theo báo cáo của Google, kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Google dự báo, nền kinh tế số của Việt Nam sẽ tăng trưởng gấp 11 lần vào năm 2030, đạt mức 220 tỷ USD, tương đương gần một nửa GDP hiện tại của Việt Nam.
Tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động thương mại điện tử, mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 được nhiều chuyên gia dự báo là hoàn toàn khả thi.
Hiện nay, Việt Nam có nhiều dư địa, tiềm năng rất lớn về thương mại điện tử xuyên biên giới. Một số ước tính về xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới cho thấy, năm 2022 đạt khoảng 3,3 tỷ USD, năm 2027 kỳ vọng đạt hơn 11 tỷ USD nếu có những cơ chế hỗ trợ từ cả nền tảng thương mại điện tử cũng như nhà nước.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang tham mưu trình Chính phủ định hướng kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong 5 năm tới hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế và có tính cạnh tranh, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các nhà sản xuất có thể bán hàng ra thị trường toàn cầu./.
PV