Kinh tế tỉnh Bắc Ninh năm 2022 - Góc nhìn từ những con số

24/02/2023 - 11:15 AM

Năm 2022, bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế tỉnh Bắc Ninh vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, GRDP trên địa bàn tỉnh đạt 142.289 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021 góp phần đưa quy mô GRDP của tỉnh đứng thứ 9 cả nước và thứ 4 khu vực đồng bằng sông Hồng; số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao, sản xuất công nghiệp duy trì nhịp độ khá; thương mại dịch vụ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng cao; các cân đối lớn tiếp tục được duy trì ổn định... đây là những điểm nhấn ấn tượng mà kinh tế tỉnh Bắc Ninh đạt được trong năm qua.
 

Kinh tế tăng trưởng ở tất cả các ngành
 
Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là khu vực công nghiệp-xây dựng, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chủ đạo dẫn dắt kinh tế Bắc Ninh tăng trưởng khá, ước tính cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,03% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 6,01%, góp phần đưa giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp ước tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 5,03 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của tỉnh. Có khoảng 44% số sản phẩm đạt được mức tăng trưởng dương, trong đó có 2/6 sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt được mức tăng khá là máy in và linh kiện điện tử.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Khu vực xây dựng tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như giá nguyên vật liệu và giá nhân công tăng cao (do điều kiện làm việc vất vả nên việc tuyển nhân công khó khăn hơn trước); giá xăng dầu tăng cao đẩy chi phí vận chuyển tăng; nguồn cung vật liệu xây dựng, thiết bị không ổn định.v.v... nên ngành xây dựng tiếp tục sụt giảm. Giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010) năm 2022 ước đạt 4.384 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, do tỉnh đang đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng để đáp ứng yêu cầu trở thành thành phố trực thuộc trung ương nên hàng loạt các công trình đầu tư trọng điểm công của tỉnh đều hoàn thành đúng tiến độ như: Cầu Phật tích - Đại Đồng Thành; Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh; Trường Quốc tế FPT... Nhờ đó, giá trị gia tăng của cả khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,49% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp nhiều nhất 4,92 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh.

Hoạt động thương mại, dịch vụ đã bứt phá mạnh mẽ trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh, du lịch trở lại trạng thái bình thường mới cùng với nhiều chương trình kết nối cung -cầu hàng hóa được tổ chức đã và đang tạo đà tích cực cho sự phục hồi của ngành thương mại, dịch vụ. Ước tính cả năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đạt 84.662,3 tỷ đồng, tăng 36,7% so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ thương mại đang linh hoạt, tích cực tìm các giải pháp phù hợp để khai thác, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm dịch vụ trong mùa cao điểm của năm. Kết quả năm 2022, giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010) các ngành thương mại-dịch vụ ước đạt 25.732 tỷ đồng, tăng 13,67% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 2,34 điểm phần trăm vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh.

Đối với thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm năm 2022 chỉ thu đạt 5.461 tỷ đồng, một phần do ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine đã cắt đứt một số tuyến đường vận chuyển quan trọng, kéo giá cước vận chuyển quốc tế tăng vọt, gây ách tắc, gián đoạn hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Mặt khác, để hỗ trợ doanh nghiệp và các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, các chính sách hỗ trợ, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí,... đã được thực thi, nên thu thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt tăng thấp, làm cho thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chỉ tăng 2,83% và đóng góp 0,11 điểm phần trăm và tăng trưởng GRDP chung cả tỉnh.

Nông nghiệp tuy không phải là lĩnh vực đóng góp nhiều về giá trị tăng thêm cho kinh tế tỉnh Bắc Ninh, song vẫn phát huy vai trò trụ đỡ nền kinh tế việc áp dụng nhanh các giống tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất cây lương thực có hạt không ngừng được tăng lên. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 397.105 tấn, bằng 108,7% kế hoạch. Các cây trồng có giá trinh kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều góp phần đưa giá trị trên đơn vị diện tích canh tác của tỉnh luôn năm sau cao hơn năm trước, nhiều vùng sản xuất chuyên canh được hình thành như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 114 ha ở các huyện như Từ Sơn, Tiên Du, vùng chuyên canh hoa 120,4 ha ở thành phố Bắc Ninh, Thuận Thành... Ngoài trồng trọt, chăn nuôi cũng được tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nhất là những vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao và tiếp tục phát triển đàn gia súc, gia cầm, cả năm 2022 đạt 334,5 nghìn con, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất bán ước đạt 82.131 tấn, tăng 4,9%; nuôi trồng thủy sản tiếp tục được người dân tận dụng ao hồ, mặt nước ven sông nuôi lồng bè trên sông Cầu và sông Đuống, toàn tỉnh hiện có trên 850 lồng nuôi cá (cá trắm cỏ, cá nheo, cá tầm, cá chiên...). Sản lượng thủy sản năm 2022 ước đạt 40.447 tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2021... Theo đó, năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) đã tạo ra 3.962 tỷ đồng giá trị tăng thêm (theo giá so sánh 2010) tăng 0,52% so với cùng kỳ năm 2021 và đóng góp 0,02 điểm phần trăm tăng trưởng GRDP chung toàn tỉnh.
Quản lý tốt chính sách tín dụng và ổn định thị trường

Tỉnh đã triển khai thực hiện hàng loạt giải pháp chiến lược để duy trì sự phát triển, tăng trưởng của tỉnh, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, các sở ngành, địa phương tích cực rà soát, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc, thúc đẩy thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh, quản lý tốt hoạt động tín dụng trên địa bàn đảm bảo an toàn, ổn định, liên tục, góp phần kiềm chế lạm phát, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tính đến ngày 31/12/2022, tổng dư nợ tín dụng ước đạt 146.600 tỷ đồng, tăng 19% so với thời điểm cuối năm 2021. Nợ xấu giảm đáng kể hiện chỉ còn 1,19%.

Thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Do đó giá cả hàng hóa không có biến động nhiều, tính đến hết tháng 12/2022, bình quân cả năm CPI chỉ tăng 2,96% so với cùng kỳ năm 2021; giá vàng tăng trở lại, có thời điểm đạt đỉnh trong vòng 3 năm qua, song bình quân chỉ tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước, giá đô la Mỹ hiện cũng đạt ngưỡng cao và tiếp tục tăng 1,98% so với cùng kỳ năm 2021.


Tăng cường thu hút đầu tư đẩy mạnh xuất khẩu
 
Cũng nhờ sản xuất và lưu thông hàng hóa phát triển nên vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh tiếp tục hấp thụ được lượng vốn lớn phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, ước năm 2022, tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tỉnh đạt 63,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thu hút đầu tư FDI, toàn tỉnh đã thu hút được 150 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 19 dự án) so với cùng kỳ năm trước và vốn đăng ký mới đạt 419 triệu, giảm 785 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021, nhưng số dự án điều chỉnh tăng cao 129 dự án (tăng 25 dự án) làm cho vốn điều chỉnh đạt cao 1.760 triệu USD, tăng 1.515 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp 46 lượt (giảm 34 lượt) với giá trị là 48 triệu USD (giảm 110 triệu USD); thu hồi 48 dự án (tăng 3 dự án) với tổng vốn đầu tư là 103 triệu USD (giảm 140 triệu USD) nên tổng vốn đăng ký và điều chỉnh đến cuối năm đạt gần 2,124 tỷ USD, tăng 81,4%.

Xét theo ngành kinh tế: Vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo, chiếm 42%, với 52 dự án, vốn đăng ký mới đạt 176,8 triệu USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2021 giảm ở cả hai tiêu chí (giảm 28 dự án, vốn đầu tư giảm nhiều 895,7 triệu USD); tiếp theo là ngành bất động sản với 5 dự án và số vốn đăng ký mới 116,5 triệu USD (tăng 3 dự án, vốn đăng ký mới tăng 112,5 triệu USD); ngành Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có số dự án đăng ký nhiều nhất với 74 dự án, tuy nhiên số vốn đăng ký chỉ đạt 33,7 triệu USD (tăng 44 dự án và vốn đăng ký mới tăng 19,7 triệu USD)… Xét theo đối tác đầu tư: Trung Quốc chiếm nhiều dự án và vốn đầu tư nhất với 82 dự án, 145 triệu USD, bình quân 1,8 triệu USD/dự án (chiếm 55% về số dự án và 35% về vốn đầu tư); tuy nhiên, Singapo chỉ với 8 dự án nhưng 
vốn đầu tư lên tới 140 triệu USD, bình quân 17,5 triệu USD/dự án, cho thấy các dự án đầu từ của Singapo có chất lượng rất cao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.819 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 23.367 triệu USD.
 
Riêng đối với khu vực doanh nghiệp, kết quả thống kê cho thấy xu hướng phục hồi khá tích cực, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và số DN quay trở lại hoạt động là 3.537 doanh nghiệp, tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2021 (+13,2%). Đây là những tín hiệu rõ nét cho thấy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh, niềm tin của cộng đồng DN đã dần trở lại.

Tăng trưởng xuất, nhập khẩu tiếp tục điểm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế của Tỉnh, mặc dù năm 2022 được coi là năm có rất nhiều biến động đối với mọi lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Nhưng nhờ sự nỗ lực chủ động vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI đã duy trì sản xuất và xuất khẩu, với kim ngạnh xuất -nhập khẩu cả năm ước đạt 91,7 tỷ USD tăng 10,2% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 48,4 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2021 và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 43,3 tỷ USD, tăng 13,1%.
Dự báo triển vọng kinh tế Bắc Ninh năm 2023
Năm 2023, kinh tế thế giới được hầu hết các tổ chức quốc tế dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột Nga-Ukaine và việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn sẽ có những tác động khó lường. Ở trong nước, Chính phủ đặt mục tiêu kế hoạch GDP năm 2023 của cả nước tăng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm;… Các giải pháp tập trung gồm tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong tỉnh, do nền kinh tế của Bắc Ninh đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, với các ngành sản xuất sản phẩm điện tử có quy mô lớn sẽ chịu tác động mạnh. Hiện nay, theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, thị trường điện thoại thông minh sẽ giảm. Người dùng có xu hướng giữ các máy điện thoại hiện tại lâu hơn thay vì nâng cấp liên tục và sẽ giảm chi tiêu cho điện thoại mới. Ngoài ra, nguồn lực mới là các dự án FDI được cấp phép trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh không có suất đầu tư lớn và khả năng sẽ không có đột phá trong thu hút đầu tư năm 2023.

Tỉnh đang đẩy mạnh chương trình phát triển nhà máy thông minh (Smart Factory). Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo Quyết định số 295/QĐ-UBND ngày 31-8-2021 về thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong tỉnh, tạo động lực cho doanh nghiệp nội địa chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm công nghiệp. Chuẩn bị đầy đủ, kịp thời để đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư mới vào các lĩnh vực bán dẫn, chíp, công nghệ đầu cuối sản xuất thiết bị 5G 6G; sản xuất công nghiệp công nghệ cao; phát triển các trung tâm thương mại điện tử, dịch vụ với quy mô cấp vùng sẽ là cơ sở đóng góp cho tăng trưởng năm 2023.

Như vậy, để kinh tế Bắc Ninh thực sự phục hồi và tăng trưởng bền vững trong năm 2023 và các năm tiếp theo, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Một là, ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn… Đồng thời, tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tăng cường công tác an sinh xã hội, ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, y tế trong các doanh nghiệp và tiếp tục bao phủ tỷ lệ tiêm vắc-xin trên toàn tỉnh và dự trữ thuốc chữa bệnh, khuyến khích các doanh nghiệp có cơ chế giữ chân người lao động, khắc phục đứt gãy lao động; bảo đảm việc làm cho người lao động nhất là lao động trong khu vực không chính thức không có giao kết hợp đồng.

Ba là, đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; bám sát và hỗ trợ hoạt động của tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch 
và Đầu tư. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước.
 
Bốn là, giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, bởi đây là nguồn “vốn mồi” là động lực để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng khu công nghiệp. Cần tiếp tục coi trọng giải ngân vốn đầu tư công như một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (giao thông, năng lượng, viễn thông, nước…).

Năm là, cần có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng, tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào. Tránh phụ thuộc vào một thị trường để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điển tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Sáu là, thực hiện tốt công tác bình ổn giá, tiếp tục tổ chức hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng bình ổ giá. Tiếp tục đồng hành, tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại chú trọng hình thức trên nền tảng số bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống...

Bảy là, tập trung thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; có chính sách thu hút và khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực: Thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, tài chính…/.


 
Khổng Văn Thắng - Nguyễn Đức Chinh
Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh
 
 
 Tài liệu tham khảo:
  1. Niêm giám Thống kê tỉnh Bắc Ninh năm 2022;
  2. Báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh năm 2022;
  3. Báo cáo Tổng kết của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top