Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 9 tháng đầu năm 2024: Giữ nhịp phục hồi và tăng trưởng

16/10/2024 - 08:26 AM
Theo đánh giá của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội của Thành phố tháng 9 và 9 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ du lịch… trên địa bàn Thành phố 9 tháng qua tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi tích cực

Số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, kinh tế Thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực khi quý sau cao hơn quý trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý III năm 2024 tăng 7,33% so với cùng kỳ, cao hơn 0,79 điểm phần trăm so với mức tăng quý I (quý I/2024 tăng 6,54%) và cao hơn 1,02 điểm phần trăm so với mức tăng quý II (quý II/2024 tăng 6,31%).

GRDP 9 tháng năm 2024 tăng 6,85% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực nông nghiệp giảm 0,8%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,62%, đóng góp 22,2% vào mức tăng GRDP; khu vực dịch vụ tăng 7,46%, đóng góp 69,6%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,47%, đóng góp 8,2%.

 

Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp, tiêu dùng và xuất khẩu vẫn là 3 trụ cột chính tác động đến sự tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 6,9% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu thị trường đang tăng và chu kỳ sản xuất cuối năm sẽ tạo động lực cho khu vực sản xuất công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho biết đã có các đơn hàng ổn định từ nay đến cuối năm 2024, thậm chí một số đơn hàng kéo dài đến quý I/2025.

Các hoạt động thương mại, vận tải, du lịch vẫn duy trì đà tăng trưởng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2024 tăng 7,46% so với cùng kỳ, đóng góp 69,6% vào mức tăng GRDP.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5%, cao hơn trung bình cả nước. Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 413.188 tỷ đồng, tăng 11,0% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhóm có mức tăng cao như lương thực, thực phẩm tăng 11,9%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 11,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 23,6%; nhóm hàng hóa khác tăng 17,3%.

Hoạt động du lịch đã hoàn toàn phục hồi, đóng góp tích cực vào nền kinh tế Thành phố với sự gia tăng của khách trong và ngoài nước. Khách du lịch nước ngoài đến TP. HCM trong 9 tháng năm 2024 ước đạt 4,014 triệu lượt, tăng 12,4% so cùng kỳ năm 2023, đạt 66,9% so với kế hoạch năm 2024; Khách nội địa ước đạt 27,353 triệu lượt, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2023, đạt 72% so với kế hoạch năm 2024. Tổng thu du lịch trong 9 tháng năm 2024 ước đạt hơn 140 nghìn tỉ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 73,9% so với kế hoạch năm 2024.

Đặc biệt, thu ngân sách tăng 14,3% đã khẳng định một số lĩnh vực sản xuất kinh doanh có sự tăng trưởng ổn định. Cùng với đó, chi ngân sách thường xuyên tăng 14,1% là tín hiệu rất tốt trong sự tăng trưởng của thành phố. Hiện chỉ số lạm phát của TP. HCM cũng đang ở mức thấp 3,17% và dự báo duy trì mức 4% trong 2024.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 9% trong quý IV/2024

Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi, kết quả kinh tế - xã hội quý III/2024 của thành phố đang tiếp đà phục hồi và phát triển, theo chiều hướng quý sau tích cực hơn quý trước nhưng vẫn chưa có sự đột phá; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa thông suốt. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương, từng người đứng đầu phải rà soát, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của cơ quan và phối hợp để hệ thống hành chính hiệu quả hơn; Từng sở, ngành, địa phương, từng người đứng đầu phải chọn trọng tâm để thực hiện.

Trước dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Thành phố chỉ đạt hơn 7%, ông Phan Văn Mãi cho rằng, nếu muốn năm 2024 đạt được 7,5% thì trong quý IV, Thành phố phải tăng trưởng đến trên 9%.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, trong quý IV/2024 Thành phố phải sớm hoàn thiện kế hoạch triển khai các kết quả của Diễn đàn Kinh tế TP.Hồ Chí Minh 2024; xây dựng kế hoạch hoạt động Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0; phấn đấu chậm nhất tháng Mười hai đưa Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo vào hoạt động; hoàn thiện Đề án sử dụng tài sản công, kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đề án sắp xếp các khu công nghiệp, trung tâm logistics...

Bên cạnh đó, từng sở, ban ngành, quận huyện tập trung quyết liệt để triển khai Chỉ thị 12 của UBND TP. Hồ Chí Minh về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025.

Đối với giải ngân đầu tư công, Thành phố sẽ không điều chỉnh, mà tập trung giải quyết những vướng mắc để đạt kết quả cao nhất (95% kế hoạch vốn được giao). Đây là một trong những nhiệm vụ cả hệ thống chính trị phải tập trung toàn lực để thực hiện.

Thành phố tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, trong đó giải quyết các vấn đề nổi bật như quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, môi trường đầu tư; tập trung hoàn thành công tác sắp xếp đơn vị hành chính, đẩy nhanh hồ sơ quy hoạch TP. Thủ Đức và TP. Hồ Chí Minh, dự án Vành đai 4, dự án đường sắt đô thị,....; tăng cường thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Hồ Chí Minh; nghị quyết của HĐND Thành phố về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Về chuyển đổi số, Thành phố cần tập trung triển khai đề án 06 với những bước tiến mới về dữ liệu đất đai quy hoạch xây dựng; cần tận dụng dữ liệu dân cư để đưa vào phát triển app Công dân TP. Hồ Chí Minh; chú ý vấn đề thanh toán trực tuyến, thu thuế thương mại; xây dựng ngay Kế hoạch triển khai Đề án đào tạo nhân lực chuyển đổi số...

 
PV

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top