Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tình hình kinh tế - xã hội tháng Tám và 8 tháng đầu năm trên địa bàn đạt nhiều kết quả tích cực và tiếp nối đà tăng trưởng ổn định.
Kinh tế tăng trưởng ổn định
Theo đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố tháng Tám tiếp tục hồi phục so với cùng kỳ ở cả 03 chỉ số: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,5%, chỉ số tiêu thụ ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7% và chỉ số tồn kho giảm 14,0%. Qua đó, đóng góp chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng năm 2024 tăng 6,4% so với cùng kỳ.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 22/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,5%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 20,0%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 19,6%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 12,4%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 11,8%.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tám năm 2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 10,7% so với cùng kỳ. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7% so với cùng kỳ, trong đó, có 12/23 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cấp II có chỉ số tiêu thụ tăng và 11/23 ngành có chỉ số tiêu thụ giảm. Một số ngành tăng cao như: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 41,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 34,9%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 18,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 18,0%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 17,9%.
Tổng thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm 2024 tăng 15,3% so với cùng kỳ, với mức tăng ấn tượng 23,8% từ các khu vực kinh tế nội địa. Đặc biệt, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng nhẹ 0,3%, cho thấy sự phục hồi trong hoạt động thương mại.
Bên cạnh đó, nhờ việc tiếp tục chương trình khuyến mãi tập trung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,3% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lữ hành ghi nhận mức tăng cao là 65,8%.
Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng qua tăng 3,23%, với 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức giá tăng, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế, cùng nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất, lần lượt là 7,80% và 7,48%.
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,5%, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Thành phố. Có đến 82,4% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ; 17,3% doanh nghiệp đăng ký ngành công nghiệp - xây dựng và 0,3% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Giải pháp tăng trưởng cho những tháng cuối năm
Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, Thành phố chỉ đạo các đơn vị bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Chính phủ vừa chỉ đạo theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu mà Thành phố đang triển khai, trong đó cần tuyên truyền để người dân phấn khởi, tạo động lực mua sắm, bên cạnh vận động các doanh nghiệp tham gia để hàng hóa đa dạng, phong phú.
Thành phố cũng kết nối với các sàn thương mại điện tử để thực hiện các chương trình khuyến mãi lớn, cam kết chất lượng, dịch vụ để thu hút người tiêu dùng tham gia. Thương mại điện tử phát triển đã ảnh hưởng đến các chợ truyền thống, các tuyến phố kinh doanh lâu năm, cần các chính sách hỗ trợ để đổi mới mô hình kinh doanh, chi phí thuê mặt bằng, chỉnh trang đô thị...
Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục thực hiện tốt việc kiềm chế lạm phát bằng chương trình bình ổn giá đã thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Thành phố đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp giải ngân đầu tư công, các cơ chế từ NQ98/2023QH15 để huy động tối đa vốn đầu tư xã hội, vì vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trong việc triển khai các giải pháp mà Thành phố đã đề ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, TP. Hồ Chí Minh cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh, quyết toán nợ đọng trong xây dựng cơ bản để doanh nghiệp quay vòng vốn; tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; hỗ trợ bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.
Xuất, nhập khẩu vẫn là động lực quan trọng đến tăng trưởng, vì vậy, Thành phố cần khẩn trương đi đầu thu hút các ngành, lĩnh vực sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới như xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Bên cạnh đó, Thành phố cũng cần đẩy nhanh việc đa dạng hóa sản phẩm và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.
Để tăng cường đầu tư cho khoa học - công nghệ, để khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực đột phá chiến lược, thúc đẩy Thành phố phát triển nhanh và bền vững, Thành phố cũng cần tập trung các giải pháp nâng cao năng suất lao động, góp phần dịch chuyển cơ cấu theo chiều sâu…/.
PV