Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức mới

03/06/2019 - 11:40 AM
Đối mặt với những thách thức mới
 
Hiện nay, kinh tế Trung Quốc đang chịu ảnh hưởng từ triển vọng thương mại yếu đi trong khi chính phủ đang rất nỗ lực kiểm soát rủi ro tín dụng. Theo các chuyên gia kinh tế, những gì Trung Quốc đang trải qua đều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh cũng như các thị trường trên thế giới, bởi quốc gia này hiện là nước có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Họ nhập khẩu nguyên liệu từ các quốc gia khác, sau đó xuất khẩu ra thế giới những mặt hàng như iPhone, máy tính xách tay và rất nhiều các loại hàng hóa khác. Do đó, một thay đổi nhỏ ở Trung Quốc cũng đủ sức tác động mạnh đến thị trường và nền kinh tế toàn cầu. Năm 2018, những lo ngại về“sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc đã manh nha tác động đến thị trường tài chính. Chỉ số chứng khoán Trung Quốc đã tuột dốc vào tháng 6/2018 và giảm 25% so với đầu năm 2018. Sự bất ổn định này cũng làm chao đảo đến các thị trường ở châu Âu và Mỹ.

 
Kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức mới
 
Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, rất khó để có thể đo lường được mức độ nghiêm trọng từ việc Trung Quốc tăng trưởng chững lại, đặc biệt là trong bối cảnh tác động từ cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dự kiến sẽ ảnh hưởng rõ rệt hơn vào năm 2019. Sau những động thái áp dụng hàng rào thuế quan trị giá hàng trăm triệu USD, Mỹ và Trung Quốc hiện đang cố gắng tiến tới một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên. Tuy nhiên, nếu đàm phán thất bại, hàng rào thuế quan sẽ tiếp tục được đẩy lên cao hơn. Đó là chưa kể, những tác động tiêu cực đến nền kinh tế từ cuộc chiến thương mại sẽ rõ rệt hơn ở Trung Quốc trong những tháng tới, làm tổn thương hoạt động xuất khẩu và lợi nhuận của các công ty. Theo số liệu công bố của cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 2/2019 đã giảm lần lượt là 20,7% và 5,2%, tương ứng với 135,2 tỷ USD và 131,1 tỷ USD, sụt giảm mạnh so với mức dự báo giảm 5% và 0,6% theo kết quả thăm dò ý kiến của hãng tin Bloomberg News tiến hành trước đó.
 
Hiện vẫn chưa rõ Bắc Kinh và Washington có đạt được thỏa thuận ngừng chiến hay không, nhưng xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ đơn giản là xung đột về thương mại mà còn về công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư, chính sách công nghiệp và khả năng tiếp cận thị trường. Ngoài áp thuế nhập khẩu lên Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã“cấm cửa” hai tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc tham gia thị trường Mỹ, tăng cường kiểm tra các thương vụ đầu tư nước ngoài. Giới phân tích đều cho rằng, con đường dẫn đến một thỏa thuận đình chiến cuối cùng giữa hai siêu cường quốc kinh tế sẽ còn nhiều gập ghềnh, khó khăn và kéo dài. Vì vậy, trong quá trình đó, hai nền kinh tế sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho mỗi bên cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.
 
Sự chuyển đổi kinh tế phi thường của Trung Quốc trong những thập niên gần đây đã kéo hàng trăm triệu người dân nước này thoát khỏi nghèo đói, thúc đẩy sự bùng nổ chi tiêu. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đã đang ngày càng mở rộng nhanh chóng, khiến Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất toàn cầu cho những mặt hàng tiêu dùng như: Xe hơi, điện thoại thông minh và bia đem lại hàng tỉ lợi nhuận cho các công ty hàng đầu thế giới như General MotorsApple… Theo các chuyên gia kinh tế, tiêu dùng hộ gia đình một trong những nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc, đưa quốc gia này trở thành cỗ máy tăng trưởng bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, hiện tại, những vết nứt ở thị trường tiêu dùng đã xuất hiện. Theo thống kê trong thời gian gần đây, doanh số bán xe hơi đã sụt giảm (giảm 6% trong năm 2018, năm giảm đầu tiên trong hơn hai thập niên); Doanh số bán lẻ nhìn chung cũng đang chậm lại; Mức nợ của người tiêu dùng Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, khiến nhu cầu chi tiêu giảm sút… Các yếu tố này khiến Trung Quốc mất đi một động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Theo dự báo, kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6% - 6,5%, so với mức 6,6% trong năm 2018.
 
Loay hoay tìm lối thoát
 
10 năm sau khi Trung Quốc ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu bằng một kế hoạch kích thích khổng lồ, các nhà đầu tư đang một lần nữa hướng về Bắc Kinh khi nền kinh tế thế giới cũng đang đứng trước tình trạng tăng trưởng chậm lại và dự báo sẽ giảm hơn trong năm 2019. Trung Quốc hiện đang chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng trong nền kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây. vậy, tốc độ tăng trưởng chậm của nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng gần đây đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về thị trường quan trọng này. Theo đó, tăng tưởng kinh tế toàn cầu và lợi nhuận của giới đầu tư sẽ bị thu hẹp đáng kể. Chính phủ Trung Quốc và các nhà hoạch định chính sách đã và đang tăng cường nỗ lực để hỗ trợ nền kinh tế, cố gắng hạn chế sự tăng trưởng nhờ vào xuất khẩu và hướng tới tăng tiêu dùng trong nước. Những biện pháp thúc đẩy nhu cầu bao gồm đẩy nhanh các dự án xây dựng, cắt giảm một số thuếgiảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại.
 
Trung Quốc từng đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ nền kinh tế vào năm 2018 và dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều biện pháp hơn nữa trong những tháng tới để ngăn chặn nguy cơ suy giảm kinh tế sâu hơn. Theo một báo cáo đăng trên trang web của Chính phủ Trung Quốc, việc thực hiện cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chủ yếu là để hỗ trợ việc làm. Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho biết sẽ tiếp tục giảm thuế cho các công ty nhỏ hơn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng cường cắt giảm thuế và phí để giảm bớt gánh nặng cho công ty.
 
Để hạn chế đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, Trung Quốc tung một gói giảm thuế có quy 200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 29 tỷ USD. Đây là gói giảm thuế trong thời gian 3 năm dành cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ - lực lượng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Chương trình hỗ trợ này được đưa ra đồng thời với kế hoạch của Bắc Kinh về tăng mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2019. Trước đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tiến hành cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm giải phóng một lượng vốn tương đương khoảng 117 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng. Cuối năm 2018, PBoC cũng triển khai một chương trình khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị kẹt vốn, do chiến dịch giảm nợ của Bắc Kinh. Các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc có thêm nhiều dấu hiệu giảm tốc đáng lo ngại.
 
Việc áp dụng song song các biện pháp kích thích đi kèm nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng nghĩa với việc ngân sách của Chính phủ Trung Quốc sẽ thâm hụt lớn. Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Trung Quốc dự kiến nâng mục tiêu thâm hụt ngân sách 2019 lên 2,8% GDP, so với mục tiêu thâm hụt 2,6% GDP trong năm 2018.
 
Năm 2019, giới phân tích dự báo, Trung Quốc sẽ cần phải tung ra nhiều biện pháp hơn nữa để ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế, tuy nhiên, các biện pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro, làm suy yếu các nỗ lực của Bắc Kinh trong việc đối phó với các vấn đề quan trọng hơn, bao gồm kiểm soát các khoản nợ khổng lồ. Vì vậy, chính quyền Trung Quốc đã trì hoãn việc cải tổ nền kinh tế thay vào đó là các biện pháp tập trung kích thích hỗ trợ cho kinh tế phát triển./.

 
TiếnLong
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top