Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang rơi vào suy thoái với mức tăng trưởng yếu nhất trong gần 30 năm qua, do nhu cầu trong nước suy yếu và những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Tăng trưởng thấp nhất trong gần 30 năm qua
Trung Quốc từng là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới khi các quốc gia phát triển phải hứng chịu thiệt hại sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng với tốc độ chậm nhất kể từ đầu những năm 90.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý III/2019, tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ đạt 6%, mức thấp nhất trong gần ba thập niên, giảm so với mức tăng trưởng 6,2% trong quý II. Đây là mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ năm 1992, tuy nhiên, con số trên vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2019.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, việc Trung Quốc giảm đà tăng trưởng xuống đến mức thấp nhất trong gần 30 năm qua là do hậu quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ và nhu cầu trong nước suy yếu. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bắt đầu tăng trưởng chậm lại từ quý I/2018 khi cuộc chiến thương mại với Mỹ bùng nổ, gây thiệt hại lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong tháng 8/2019, xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng USD đột ngột giảm 1% so với năm 2018, đánh dấu mức giảm lớn nhất kể từ tháng 6, khi lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ giảm đáng kể. Trong khi đó, nhập khẩu của Trung Quốc giảm 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến thặng dư thương mại chỉ đạt 34,83 tỷ USD. Trong tháng 9/2019, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục có xu hướng giảm mạnh khi xuất khẩu của Trung Quốc tính bằng đồng USD giảm 3,2%, trong khi nhập khẩu cũng giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái; Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 39,65 tỷ USD. Nếu tính bằng đồng Nhân dân tệ, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 giảm 0,7% và nhập khẩu giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 8, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức giảm sâu nhất trong vòng 3 năm. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng doanh số bán lẻ - chỉ số đánh giá mức tiêu dùng của các hộ gia đình tại Trung Quốc tháng 8/2019 tăng 7,5%, giảm 0,1% so với tháng trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2019. Con số này cũng thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích đưa ra là 7,9%.
Đầu tư vào tài sản cố định chứng kiến mức tăng trưởng hàng năm là 5,5% trong 8 tháng đầu năm 2019, thấp hơn 0,2% so với 7 tháng đầu năm. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 8/2018.
Sản lượng công nghiệp cũng đang tăng với tốc độ chậm hơn. Tháng 8/2019, sản lượng công nghiệp tăng 4,4%, giảm so với mức 4,8% trong tháng 7, mức giảm thấp nhất kể từ tháng 2/2002, thấp hơn mức dự đoán được các nhà phân tích đưa ra là 5,2% trong cuộc khảo sát trước đó của hãng Bloomberg.
Theo các chuyên gia kinh tế cao cấp từ Oxford Economics, sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc đang trở nên khá nghiêm trọng. Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc hầu như không được mở rộng trong tháng 10/2019 khi cả nhu cầu trong và ngoài nước đều giảm. Chỉ số quản lý thu mua giảm còn 50,2 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016. Những đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm sút trong 5 tháng liên tiếp và giảm nhanh nhất trong vòng 1 năm qua.
Chính phủ Trung Quốc cho biết, kinh tế Trung Quốc đã duy trì sự ổn định trong các quý I và II/2019, song trước những diễn biến phức tạp của các điều kiện kinh tế ở trong lẫn ngoài nước, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và tình trạng gia tăng bất ổn bên ngoài đã khiến kinh tế nước này đang chịu những áp lực suy giảm. Đây là lần đầu tiên chính phủ Trung Quốc bày tỏ lo ngại về sự suy giảm trong phát triển kinh tế kể từ khi xảy ra cuộc chiến thương mại với Mỹ từ năm 2018.
Còn theo Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), Trung Quốc đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong năm 2019, với các chỉ số kinh tế quan trọng đều nằm trong vùng hợp lý với mục tiêu đặt ra, tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn từ bên ngoài do xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều nền kinh tế lớn. Theo đó, tính chung ba quý đầu năm 2019, GDP của Trung Quốc vẫn đạt mức tăng trưởng 6,2%, qua đó đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của toàn cầu.
Cần thêm những nỗ lực ứng phó
Để đối phó với những bất ổn và áp lực ngày càng gia tăng, Trung Quốc đang tăng cường hỗ trợ nền kinh tế bằng chương trình cắt giảm thuế, hạ lãi suất và dỡ bỏ các hạn chế đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, nhằm thúc đẩy cải cách và mở cửa.
Năm 2019, danh sách các hoạt động đầu tư nước ngoài tiêu cực đã được rút ngắn hơn nữa, đồng thời khả năng tiếp cận các ngành khai mỏ và nông nghiệp đã được nới lỏng; việc mở cửa lĩnh vực tài chính cũng có tiến triển đáng kể. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết, trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ vẫn giữ vững cam kết mở cửa toàn diện. Theo đó, Bắc Kinh sẽ mở cửa lĩnh vực sản xuất, tài chính và các lĩnh vực dịch vụ hiện đại khác, thúc đẩy cải cách cơ chế tỷ giá và khả năng chuyển đổi của đồng NDT trong tài khoản vốn, giảm thuế quan, cải thiện hơn nữa luật pháp và quy định liên quan, tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. PBoC khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng trước những diễn biến trong và ngoài nước. Kể từ đầu năm nay, PBoC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ba lần để giảm gánh nặng chi phí của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc cải cách lãi suất dựa trên thị trường đã có nhiều tiến triển. Kết quả là tăng trưởng nguồn tiền và tín dụng đều ổn định và lãi suất trên thị trường vẫn được duy trì ở các mức thấp. Trong biện pháp mới nhất để hỗ trợ tăng trưởng, PBoC đã bơm 200 tỷ NDT (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn đối với các ngân hàng, nhằm duy trì khả năng thanh khoản trên thị trường.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư nước ngoài. Theo đó, những hạn chế đối với phạm vi kinh doanh của ngân hàng nước ngoài, các công ty chứng khoán và doanh nghiệp quản lý đầu tư sẽ bị xóa bỏ hoàn toàn. Các chính sách về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất xe hơi sẽ được điều chỉnh, bao gồm việc đối xử công bằng về tiếp cận thị trường với các dòng xe chạy bằng năng lượng mới được chế tạo tại Trung Quốc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực trên vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu nội địa.
Xung đột thương mại và nhu cầu trong nước suy yếu đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc từ 6,2% xuống còn 6,1%.
Dự báo của IMF cũng tương tự như dự báo của Tổ chức Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NIFD). Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 5,8% vào năm 2020 so với ước tính 6,1% trong năm 2019.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng cảnh báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm tới do xuất khẩu giảm sút và căng thẳng thương mại với Mỹ. Tiêu dùng trong nước sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, trong khi rủi ro suy giảm chủ chốt xuất phát từ xung đột thương mại với Mỹ. ADB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 và 6% năm 2020, thấp hơn so với các mức dự báo được đưa ra hồi tháng Tư.
Trúc Linh