Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế

17/03/2025 - 02:07 PM
Kinh tế tư nhân đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế thể hiện qua những đóng góp quan trọng vào GDP, tạo việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến đổi nhanh chóng, việc phát triển kinh tế tư nhân trở thành một yếu tố then chốt đối với sự thịnh vượng và bền vững của mỗi quốc gia. Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.

Sau gần 4 thập kỷ thực hiện công cuộc đổi mới, kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao mức sống của người dân. Theo báo cáo của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, Việt Nam hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp tư nhân, trong đó 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Kinh tế tư nhân chiếm hơn 85% tổng số lao động trong nền kinh tế, góp phần lớn vào việc tạo công ăn việc làm cho xã hội. Theo thống kê, khu vực này tạo ra 8,6 triệu việc làm trực tiếp trong năm 2023, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ thất nghiệp và nâng cao mức sống của người dân.

Đồng thời, kinh tế tư nhân đóng góp trên 50% GDP và đang có xu hướng tăng lên; đóng góp khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước thông qua thuế và phí. Từ đó, tạo điều kiện đầu tư vào hạ tầng, giáo dục và y tế, giúp cải thiện mức sống của người dân, giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách thu nhập.

 
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế

Khu vực tư nhân cũng là đầu tàu trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Dưới áp lực cạnh tranh, các doanh nghiệp tư nhân không ngừng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Nhiều tập đoàn tư nhân lớn của nước ta đã vươn ra thị trường quốc tế như: Vingroup, T&T, Masan, Sovico, Hòa Phát, Trung Nguyên, BIM Group…, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam lên bản đồ công nghệ và sản xuất toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực và giảm áp lực lên ngân sách nhà nước. Không giống như khu vực doanh nghiệp nhà nước, vốn thường bị ràng buộc bởi cơ chế quản lý phức tạp, khu vực tư nhân có khả năng tối ưu hóa nguồn lực tốt hơn, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) cao hơn 30-50% so với doanh nghiệp nhà nước. Các tập đoàn tư nhân lớn đã đầu tư hàng tỷ USD vào hạ tầng, sản xuất và công nghệ mà không cần sự hỗ trợ từ ngân sách công.

Không những thế, khu vực tư nhân còn đóng góp quan trọng vào xuất khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Bộ Công Thương, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao và nông sản.

Kinh tế tư nhân tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Tốc độ tăng năng suất lao động của khu vực này trung bình 6-8%/năm, góp phần đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhờ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, giá cả hợp lý hơn và chất lượng sản phẩm không ngừng cải thiện.

Với những đóng góp to lớn như vậy, có thể khẳng định rằng kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Để phát huy tối đa tiềm năng của khu vực này, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các rào cản thể chế, khuyến khích đầu tư và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, nhằm tạo nền tảng cho một nền kinh tế phát triển bền vững và thịnh vượng.

Tạo đột phá để kinh tế tư nhân phát triển

Kinh tế tư nhân hiện giữ vai trò then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam: Đóng góp hơn 50% GDP, 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động và là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn, kinh tế tư nhân vẫn đang gặp nhiều rào cản, như: Môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng; khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai…Đây là những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng đóng góp của khu vực này đối với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.


Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có chiến lược rõ ràng cho phát triển kinh tế tư nhân, trong đó phải có sự đột phá về tư duy, nhận thức và hành động. Thông điệp này được lãnh đạo Đảng, Chính phủ khẳng định những ngày qua, tạo niềm tin và động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tư nhân. Đảng, Nhà nước cũng xác định, đây là thời điểm không thể chậm trễ hơn, phải xoá bỏ những rào cản, khơi dậy sức mạnh của khu vực kinh tế quan trọng này, góp phần quyết định vào việc thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045.

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương vào đầu tháng 3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Phải có chiến lược rõ ràng cho phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của nền kinh tế, phù hợp với không gian địa kinh tế địa chính trị mới của đất nước. Trong đó, có tính tới những biến đổi địa kinh tế địa chính trị, nhằm bảo đảm cho kinh tế tư nhân đủ sức phát triển, có khả năng thích ứng, khả năng chống chọi và khả năng cạnh tranh cao. Cần tập trung nâng cao một bước cơ bản về hạ tầng, nhân lực phục vụ cho phát triển chung của khu vực kinh tế tư nhân.”

Khẳng định kinh tế tư nhân phải là nòng cốt, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, Đảng, Nhà nước sẽ có những quyết sách lớn, quan trọng, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để cộng đồng doanh nghiệp phát triển thịnh vượng.

Bên cạnh khuyến khích các doanh nghiệp nỗ lực đi lên, tập trung mạnh vào các ngành sản xuất và khai thác từ công nghệ cao bắt kịp với xu thế, Tổng Bí thư cũng trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững. Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu có chính sách vượt trội, đột phá để hình thành và phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, dẫn dắt, đi đầu trong một số ngành lĩnh vực then chốt, trọng yếu của đất nước.

Về phía Chính phủ, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân, do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm Trưởng ban. Chính phủ cũng đang tập trung xây dựng Nghị quyết về các cơ chế chính sách phát triển đột phá trong khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ trưởng Bộ tài Chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ phối hợp với các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp là gì, đặc biệt là doanh nghiệp lớn. Trên cơ sở đó, xây dựng những nội dung của Nghị quyết cũng như Nghị định của Chính phủ, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương của Đảng là đột phá, hỗ trợ, kiến tạo để doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển lâu dài. Trách nhiệm của Bộ Tài chính là sẽ phải cùng các doanh nghiệp, hiệp hội, các Bộ, ngành tính toán và đưa ra những chính sách ưu đãi phù hợp nhất, đảm bảo các cam kết quốc tế và tốt nhất cho các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam phát triển lớn mạnh, không chỉ trong nước, mà còn có thể vươn ra khu vực và thế giới.

Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP lên khoảng 55%, tăng trưởng đầu tư tư nhân lên 2 con số, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 16%, trong đó nguồn vốn tín dụng đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh của khối kinh tế tư nhân phải được tạo điều kiện tối đa. Ngoài ra, phải có sự phối hợp giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), để hơn 900 nghìn doanh nghiệp tư nhân và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động phải thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, lớn mạnh, đủ sức hấp thụ khoa học công nghệ và những tiến bộ mới, trở thành động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng với sự định hướng mạnh mẽ từ Đảng và sự quyết liệt của Chính phủ, kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước một tương lai đầy hứa hẹn. Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, khu vực này còn là nền tảng cốt lõi giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều quan trọng là cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa để biến tiềm năng thành hiện thực./.

 
PV
 

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top