Kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm ghi nhận nhiều điểm sáng

15/07/2024 - 02:13 PM
Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội Thành phố ghi nhận nhiều điểm sáng tích cực. Kinh tế tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 6,46% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng chung của cả nước (6,42%) và là mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp cao nhất trong 3 năm gần đây

6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ghi nhận tăng 5,6% và là mức tăng cao nhất kể từ năm 2022. Tính riêng trong tháng 6, IIP ước tính tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2023. 

 

Nếu phân loại theo các ngành cụ thể, ngành khai khoáng có mức tăng cao nhất, 42,9%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chỉ 5,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 0,8%.

Riêng các ngành công nghiệp cấp II, có 17 trên tổng số 30 ngành có chỉ số IIP 6 tháng đầu năm 2024 tăng so với cùng kỳ. Một số ngành có mức tăng cao như sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,1%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 21,1%; sản xuất giường tủ, bàn, ghế tăng 14,1%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 14,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 11,7%. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp đang có sự phục hồi tích cực.

Trong khi đó, chỉ số sản xuất 3 ngành công nghiệp truyền thống (dệt, may, da giày…) 6 tháng giảm 2,3% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của Thành phố có sự phục hồi song chưa bền vững.

Trong mức tăng trưởng chung GRDP 6,46% của kinh tế Thành phố, ghi nhận khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất với 4,34 điểm phần trăm và là khu vực có mức tăng trưởng cao nhất 7,26%. Kế đến là khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp 1,2 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 5,55%; trong đó công nghiệp đóng góp 1,05 điểm phần trăm và xây dựng đóng góp 0,15 điểm phần trăm. Khu vực nông nghiệp đóng góp 0,38 điểm phần trăm và tăng 0,18%.

Về cơ cấu nền kinh tế, xét theo giá hiện hành thì khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 65,6%; kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 12,9%. Khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng thấp nhất 0,5%.

Thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá

Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn Thành phố diễn ra sôi nổi với nhiều chương trình được thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong mùa du lịch hè.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn ước tăng trưởng khá với mức tăng 10% so cùng kỳ năm 2023; trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 10,2%, lưu trú và ăn uống tăng 8,1%, dịch vụ lữ hành tăng 63,3% và dịch vụ khác tăng 7,2%.

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước ước đạt 22,56 tỷ USD, tăng 13,1% so cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 48,8% so với kế hoạch năm.

Xét tỷ trọng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong tăng trưởng GRDP của TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2024 thì giá trị tăng thêm của 9 ngành này chiếm 59,9% trong GRDP và chiếm 91,3% trong khu vực dịch vụ. Có 4/9 ngành có tỷ trọng tăng trưởng cao và chiếm 63,1% nội bộ khu vực dịch vụ gồm thương nghiệp (16,4%), vận tải kho bãi (10,5%), tài chính ngân hàng (9,1%), hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (5,4%).

Tổng thể thì tất cả 9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố đều có mức tăng trưởng dương và tăng cao nhất là ngành vận tải, kho bãi với tỷ lệ tăng 18,47%; tăng thấp nhất là ngành bất động sản với tỷ lệ tăng 2,94%.

Hoạt động sản xuất kinh doanh có tín hiệu khởi sắc

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2024 so với quý I/2024 đã có tín hiệu khởi sắc. Có 37% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, trong khi 36,6% giữ ổn định và 26,4% nhận định khó khăn hơn. Trong số đó, 80% doanh nghiệp nhà nước nhận định hoạt động quý II/2024 tốt lên và giữ ổn định so với quý I/2024. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI lần lượt là 72,7% và 73,6%.

 

Nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, trong quý III và từ nay đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Thành phố đã và đang tiếp tục chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên trường quốc tế.

Giải quyết việc làm cho hơn 166.000 lượt người lao động

Theo Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 6/2024, Thành phố đã giải quyết việc làm cho 28.000 lượt người lao động, nâng tổng số giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 là 166.135 lượt, đạt 55,4% kế hoạch năm. Đã có 12.000 việc làm mới được tạo ra, nâng tổng số việc làm mới trong 6 tháng đầu năm là 74.004, đạt 52,9% kế hoạch năm. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài là 4.137 người, tập trung ở ngành nghề chính như chế biến thực phẩm, đóng gói, điều dưỡng…

Trong nửa đầu năm nay, Thành phố đã tiếp nhận 59.964 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua đó, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 55.601 người lao động đủ điều kiện.

 
Thu Hường

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top