Kinh tế xanh trên ”xứ sở thốt nốt” An Giang

12/02/2020 - 03:52 PM

Năm 2019, năm “nước rút” An Giang thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2016-2020), với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, điều hành của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế An Giang tiếp tục chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 6,14% so cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển biến theo hướng tích cực và dần ổn định.
 

Kinh tế xanh trên ”xứ sở thốt nốt” An Giang

Xác định nông nghiệp và du lịch là hai ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2019, An Giang tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành, sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; Nâng cao hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cùng với việc nâng cao giá trị canh tác và thu nhập của nông dân; Thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, chủ động phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Mô hình sản xuất nông nghiệp An Giang đang chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu, tập trung nâng cao chất lượng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp; sản xuất theo hướng hữu cơ, sạch và theo chuỗi giá trị hướng tới ngành nông nghiệp xanh. Nhờ đó, An Giang đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm như: Vùng sản xuất giống cá tra chất lượng cao của Việt Úc; vùng sản xuất cá tra công nghệ cao của Cty Nam Việt Bình Phú; vùng sản xuất chuối công nghệ cao Vĩnh Phát; dự án trang trại bò sữa kết hợp chế biến sữa do Tập đoàn TH đầu tư... Ngoài ra, An Giang cũng đã thành công xây dựng nhiều chuỗi liên kết sản xuất bền vững thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả cao như: Chuỗi liên kết sản xuất lúa Nhật; chuỗi liên kết sản xuất nếp; chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo Japonica; chuỗi liên kết sản xuất xoài 3 màu ở Chợ Mới…

Đối với ngành thủy sản - là thế mạnh của An Giang, trong đó nghề nuôi cá tra đang được địa phương phát triển theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; sản xuất đi liền với bảo vệ môi trường, phát triển ngành cá tra theo hướng bền vững. Năm 2019, trước những yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu, ngành cá tra từng bước nâng cao chất lượng nguyên liệu, mở rộng diện tích nuôi áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng VietGap, GlobalGAP… đồng thời, tăng cường chuỗi liên kết gắn doanh nghiệp với người nuôi, nhờ vậy sản lượng cá tra của An Giang tiếp tục tăng và đạt 440 ngàn tấn, tăng 18,33% so với năm 2018.

Hoạt động cải cách, tái cơ cấu nông nghiệp An Giang bắt đầu có chuyển biến tích cực; đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp được triển khai vào thực tiễn. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp bắt đầu có hiệu ứng tốt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Cùng với việc hướng tới một nền nông nghiệp xanh, những năm qua, An Giang cũng triển khai nhiều chính sách, chương trình nhằm tạo thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đơn cử, UBND tỉnh An Giang đã quyết định chủ trương đầu tư 69 dự án vào nông nghiệp, nông thôn có tổng số vốn gần 18 ngàn tỷ đồng; Hỗ trợ các địa phương triển khai 360 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, được triển khai tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế của An Giang. Năm 2019, An Giang có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 61/119 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26% và hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 01 năm so với lộ trình, kế hoạch của tỉnh.

Bên cạnh nông nghiệp, để tạo động lực cho ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, An Giang tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch theo hướng hoàn chỉnh các tuyến đường chính đến các khu, điểm du lịch, như: Đường tránh Quốc lộ 91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên; đường tỉnh lộ 943 đi Thoại Sơn; đường tỉnh lộ 941 đi Tri Tôn... An Giang bước đầu cũng đã thu hút được nhiều dự án đầu tư khá lớn từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, như: Dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Trà Sư tại xã Văn Giáo và xã Vĩnh Trung (huyện Tịnh Biên) của Công ty CP Du lịch An Giang; Dự án Khu du lịch Núi Sam tại TP. Châu Đốc của Công ty TNHH MGA; Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ du lịch TP. Châu Đốc của Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Đến... Bên cạnh đó, ngành du lịch An Giang từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm du lịch kết hợp bảo vệ môi trường.

Năm 2019, doanh thu du lịch lữ hành của An Giang đạt 45 tỷ đồng, tăng 6,06% so với cùng kỳ năm trước. Theo Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, An Giang phấn đấu tăng tỷ lệ đóng góp trực tiếp của ngành du lịch trong GRDP của tỉnh lên 15,3% vào năm 2025. Tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân 5%/năm, đón 12,9 triệu lượt khách vào năm 2025; tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách vào năm 2025 với số ngày lưu trú bình quân là 3,0 ngày. Đến năm 2025, có thêm ít nhất 01 khu du lịch văn hóa tâm linh hỗn hợp quy mô lớn; có nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 5 sao; có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn tại các khu du lịch trọng điểm và các thành phố lớn như Long Xuyên, Châu Đốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế - xã hội An Giang vẫn còn nhiều khó khăn như: Trình độ sản xuất chưa cao; việc chuyển giao khoa học công nghệ còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu tăng nhanh năng suất, chất lượng sản phẩm. An Giang có những tiền đề trong sản xuất giống thủy sản, giống lúa… nhưng sản xuất còn nhỏ, lẻ, chưa tạo ra giá trị lớn đóng góp nhiều cho tăng trưởng nông nghiệp, chưa

 hình thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn có sức cạnh tranh cao. Phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ An Giang còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp sản xuất chính; Công nghiệp chế biến, chế tạo trong các ngành may mặc, da giày vẫn là sản xuất gia công nên giá trị gia tăng thấp. Các nhà máy chế biến thủy sản hiện gắn liền với vùng nuôi nguyên liệu để chủ động sản xuất song còn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Nhìn chung, năm 2019, kinh tế - xã hội trên địa bàn An Giang có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các mặt, nhiều lĩnh vực chuyển biến rõ nét hơn, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; các ngành mũi nhọn của tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư. Việc ngày càng quan tâm, chú trọng hơn trong hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh với quy trình “sản xuất sạch hơn” trên cơ sở phát huy vai trò của khoa học - công nghệ với doanh nghiệp là trung tâm đang từng bước hình thành kinh tế xanh trên xứ sở ”thốt nốt” này./.

An Hùng


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top