Ký kết Tuyên bố về Thỏa thuận đa phương giữa các nhà chức trách có thẩm quyền góp phần nâng cao uy tín quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam

11/03/2025 - 01:32 PM
Ngày 3/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, với tư cách là Nhà chức trách có thẩm quyền của Việt Nam, đã ký Tuyên bố về Thỏa thuận đa phương giữa các nhà chức trách có thẩm quyền (CbC MCAA) nhằm trao đổi Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (CbC).

Tiếp đó, ngày 7/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký 5 thông báo theo mẫu của OECD để kích hoạt cơ chế trao đổi Báo cáo CbC với các quốc gia đối tác, bao gồm toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Báo cáo CbC là công cụ quan trọng giúp cơ quan thuế đánh giá rủi ro giá chuyển nhượng và các vấn đề liên quan đến tránh thuế, nhờ vào dữ liệu chi tiết về doanh thu, lợi nhuận, thuế thu nhập đã nộp, tài sản hữu hình và hoạt động kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia tại mỗi quốc gia.

 
Ký kết CbC MCAA góp phần nâng cao uy tín quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam
EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam
 
Theo quy định của Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cơ quan thuế Việt Nam có trách nhiệm quản lý và sử dụng Báo cáo CbC nhằm phục vụ quản lý rủi ro và trao đổi thông tin quốc tế, nhưng không sử dụng để ấn định thuế.

Báo cáo này cũng giúp xác định doanh nghiệp thuộc diện áp dụng quy định về thuế tối thiểu toàn cầu, qua đó hỗ trợ việc thực thi cơ chế thuế doanh nghiệp tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) và thuế tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) theo Nghị quyết 07/2023/QH15 của Quốc hội.

Ký kết CbC MCAA là một bước đi quan trọng trong quá trình thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS (IF) và cam kết áp dụng Tiêu chuẩn tối thiểu của BEPS về Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.

Với việc ký kết CbC MCAA, Việt Nam sẽ thực hiện trao đổi thông tin tự động theo quy định tại Điều 6 của Hiệp định đa phương về Hỗ trợ hành chính thuế (MAAC), mà Việt Nam đã ký kết vào ngày 22/3/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/12/2023. Các công ty mẹ tối cao tại Việt Nam sẽ nộp Báo cáo CbC cho Cơ quan thuế Việt Nam theo định dạng chuẩn của OECD và Cơ quan thuế Việt Nam sẽ tự động gửi đi cho các Bên ký CbC MCAA có liên quan qua hệ thống truyền tải chung (CTS) của OECD; người nộp thuế tại Việt Nam có công ty mẹ tối cao tại nước ngoài không có nghĩa vụ phải nộp Báo cáo CbC cho Cơ quan thuế Việt Nam trong trường hợp Việt Nam và Nước cư trú của công ty mẹ tối cao đã cùng là các Bên ký CbC MCAA và đưa ra thông báo đồng ý trao đổi tự động Báo cáo CbC với nhau.

Ngay sau khi ký kết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Ngoại giao gửi bản gốc Tuyên bố và các Thông báo CbC MCAA đến Ban Thư ký OECD thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Paris và đường bưu điện đảm bảo.

Việt Nam đã chính thức trở thành Bên ký thứ 107 của CbC MCAA. EU ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết quốc tế, đồng thời đưa Việt Nam vào Phụ lục II (danh sách các quốc gia đang hợp tác với EU). Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ không áp dụng các biện pháp phòng thủ về thuế và phi thuế đối với Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín quốc tế và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước./.
 
PV
 
 
Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top