Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân cách vĩ đại ẩn chứa trong con người bình dị

18/05/2023 - 11:25 AM
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng với nhân cách tốt đẹp, giản dị, dễ gần. Vì vậy, dù Người đã mãi đi xa nhưng hình ảnh của Người vẫn còn sống mãi trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Những ngày giữa tháng 5 đỏ rực màu hoa phượng, khắp mọi nơi trên đất nước, người dân Việt Nam lại rạo rực, từng bừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Người (19/5/1890-19/5/2023).

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước và lớn lên trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, suốt thời thanh thiếu niên của mình, Người đã sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Chứng kiến nỗi thống khổ của đồng bào và những cuộc khởi nghĩa, đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của Nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối, Người đã sớm hun đúc ý chí đánh đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Ngày 5/6/1911 với tên gọi mới là Văn Ba, Người đã lên tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, rời bến cảng Nhà Rồng đi Mác xây (Pháp).

Với khát vọng cháy bỏng giành độc lập, tự do cho dân, cho nước, Người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, vừa lao động, học tập, vừa quan sát, nghiên cứu lý luận và kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Người hiểu rõ cội nguồn những khổ đau của nhân dân lao động là ở sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa tư bản đế quốc và hình thành nên ý thức giai cấp rõ rệt. Người đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thu thế giới quan, phương pháp luận cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin. Bằng thiên tài trí tuệ, nhận thức đúng xu thế phát triển tất yếu của loài người và tính chất mới của thời đại mở ra từ Cách mạng tháng Mười Nga, Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 
Kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhân cách vĩ đại ẩn chứa trong con người bình dị
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bình dị, gần gũi với nhân dân

Tháng 7/1920, Hồ Chí Minh tiếp cận, nghiên cứu “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin. Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển hướng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đại hội Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế III và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam. Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người sáng lập vào năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam đã cơ bản được hình thành, con đường cứu nước đúng đắn của Việt Nam đã cơ bản được xác định. Điều này không chỉ khai thông bế tắc trong đường lối giải phóng dân tộc mà còn giải quyết đúng đắn, sáng tạo và lãnh đạo thực hiện thắng lợi các vấn đề trọng yếu của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong bản Tuyên ngôn độc lập đọc ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân, đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Ngay sau khi giành độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ của ta đứng trước tình thế vô cùng khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng toàn Đảng đã sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh, bảo vệ Đảng và giữ vững chính quyền cách mạng. Trên cơ sở đường lối kháng chiến “toàn dân”, “toàn diện”, “trường kỳ”, “dựa vào sức mình là chính”, phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân lần lượt đánh bại mọi âm mưu, kế hoạch xâm lược của kẻ thù, đặc biệt là thắng lợi trong Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 với đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (năm 1954), chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một tượng đài lớn, là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và Nhân dân Việt Nam, Người là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tuy nhiên, ẩn chứa bên trong con người vĩ đại ấy lại là đức tính giản dị, thanh bạch; như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu”. “Giản dị - lão thực - hiền minh” là những đặc tính nổi bật trong đạo đức, lối sống và phong cách Hồ Chí Minh, sự giản dị một cách tự nhiên vốn có của một bậc vĩ nhân, hiền triết.

Dù là anh Văn Ba phụ bếp trên tàu Đô đốc Latouche Tréville, là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc trong những năm tháng đầy khó khăn ở thủ đô Paris, nước Pháp, sau này là một vị Chủ tịch nước sống kham khổ nơi chiến khu trong những năm kháng chiến, hay là một vị nguyên thủ quốc gia sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch ở Thủ đô Hà Nội, thì cũng vẫn là một Hồ Chí Minh hết sức giản dị, yêu lao động và gần gũi với nhân dân.

Đức tính giản dị, thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết trong lối sống, sinh hoạt của Người. Dù đã bôn ba khắp nơi, nhưng khi trở về quê hương, bữa cơm thường ngày của Người vẫn là những món ăn mang đậm hương vị quê nhà với cá kho, cà muối… Ngày mới giành chính quyền năm 1945, Người làm việc tại Bắc Bộ Phủ, cùng ăn tại nhà ăn tập thể với bữa ăn đạm bạc, thường chỉ có một miếng cá nhỏ, một bát canh, vài quả cà, mấy cọng dưa, dăm lát ớt và miệng bát cơm. Tất cả trang phục của Người đều rất giản dị, quần áo Người mặc thường ngày cũng chỉ là bộ bà ba màu nâu với đôi dép cao su, khi tiếp khách hay đến những sự kiện quan trọng cũng chỉ bộ kaki với đôi giày vải. Tấm áo sờn vai, đôi dép cao su cũ kỹ đã bền bỉ theo Người đi đến mọi nơi và góp phần làm nên những chiến thắng lẫy lừng của dân tộc.

Lúc ở chiến khu, Người sống chung với cán bộ, nhân viên, cùng ăn ở, sinh hoạt như mọi người. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Người cùng Trung ương Đảng trở về Hà Nội. Theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng và Nhà nước trân trọng mời Chủ tịch Hồ Chí Minh về ở tại tòa nhà của Toàn quyền Đông Dương trước kia, nhưng Người đã từ chối và chọn cho mình ngôi nhà nhỏ của một người thợ điện phục vụ Phủ Toàn quyền Đông Dương để ở và làm việc. Đến năm 1958, theo ý tưởng của Người, Đảng và Nhà nước đã dựng cho Người ngôi nhà sàn bằng gỗ theo kiểu nhà của đồng bào dân tộc thiểu số ở chiến khu Việt Bắc, giống như ngôi nhà Người đã từng sống và đồng cam cộng khổ với đồng bào trong những năm kháng chiến chống Pháp.

Dù là lãnh tụ tối cao nhưng khi tiếp xúc với nhân dân, cử chỉ, lời nói của Người vẫn hết sức mộc mạc, dân dã. Ngay cả khi đứng trên lễ đài đọc Bản tuyên ngôn độc lập lịch sử, trước hàng nghìn dân chúng, Người cũng dừng lại để hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Một câu nói chân thật, giản dị đã xóa nhòa khoảng cách giữa người đứng trên lễ đài với hàng triệu người đang lắng nghe. Không chỉ trong lời ăn tiếng nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, gần gũi nhân dân bằng những hành động cụ thể thiết thực. Người đến với các chiến sỹ trên mặt trận, cùng chiến sỹ hành quân; Người đi thăm chỗ ở, nhà bếp, nhà vệ sinh của các gia đình, tập thể; trực tiếp xuống ruộng làm việc, hướng dẫn bà con về sâu bệnh, về thủy lợi; đến thăm các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, trường học; viết thư thăm hỏi người già, trẻ em… Người luôn chủ động tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đi vào lòng dân bằng trái tim nhân hậu, đồng cảm.

Người thanh cao, giản dị chứ không hề giản đơn, bởi suốt đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không màng danh lợi, mà chỉ theo đuổi một mục tiêu cao cả: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Cuộc sống giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự gần gũi với nhân dân là đặc trưng cho tình yêu đối với đất nước của một Con Người đã trở thành huyền thoại ngay trong cả cuộc sống đời thường của mình. Từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, trong khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm 1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập với thế giới, tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần to lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân Việt Nam. Đức tính thanh cao, giản dị của Người đã trở thành tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam học tập và noi theo./.

Thu Hiền

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top