Các Tiểu vương quốc Ả - rập thống nhất (UAE) giữ vai trò là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, với vị trí chiến lược là trung tâm tái xuất khẩu hàng đầu trong khu vực. Không những thế, nhờ vị trí chiến lược nằm tại cửa ngõ giao thương giữa 3 châu lục Á - Âu - Phi và là một trong những trung tâm thương mại - tài chính của thế giới, UAE còn là trạm trung chuyển hàng hóa, giúp đưa các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận các thị trường khác trong khu vực Trung Đông và châu Phi.
Từ năm 2022, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế UAE đã chủ động nghiên cứu khả năng đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. FTA giữa Việt Nam và UAE được đánh giá là khả thi, kỳ vọng mang lại lợi ích cho cả hai Bên và phù hợp với mong muốn tăng cường hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại
quốc tế, Bộ Kinh tế UAE chứng kiến trao các biên bản ghi nhớ hợp tác - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sau quá trình nghiên cứu khả thi và đánh giá tác động của FTA giữa Việt Nam và UAE vào năm 2022, trên cơ sở thống nhất với UAE, tháng 4/2023, trong chuyến thăm và làm việc với UAE của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hai bên đã thống nhất tên gọi của FTA song phương là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA), ký Tuyên bố cấp Bộ trưởng về việc tiến tới khởi động đàm phán cũng như thống nhất Điều khoản tham chiếu (TOR) của CEPA.
Ngày 20/6/2023, Chính phủ đã chính thức quyết định khởi động đàm phán CEPA trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - UAE ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. Từ đó đến nay, Việt Nam và UAE đã trải qua 3 phiên đàm phán về CEPA với các nội dung: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thuận lợi hóa đầu tư, quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ, thương mại số, phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật (SPS), hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), hải quan và thuận lợi hóa thương mại, mua sắm của Chính phủ, các vấn đề về pháp lý - thể chế, hợp tác kinh tế và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với các nội dung này, CEPA giữa Việt Nam và UAE được đánh giá là một Hiệp định toàn diện và hứa hẹn đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và UAE.
Cùng với việc đàm phán Hiệp định CEPA, hai bên đã tổ chức nhiều đoàn giao thương tập trung vào các lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng về cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistics và các dịch vụ tài chính. Hai bên cũng thống nhất thúc đẩy các chương trình hợp tác mang tính thiết thực sau khi có CEPA như việc đàm phán hiệp định bảo hộ và xúc tiến đầu tư giữa hai nước, hợp tác để hàng nông sản của Việt Nam có chứng chỉ Halal khi đi vào thị trường các nước Hồi giáo...
Trong bối cảnh đó, Chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới UAE nhân dịp tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 28) tại UAE được coi là dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa quyết định để hai bên có thể thống nhất việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) ở cấp chính trị. Trong đó, Việt Nam và UAE đã đạt được các tiến bộ quan trọng, đã ký biên bản làm việc về gói nội dung kết thúc đàm phán để có thể báo cáo lên Lãnh đạo hai bên quyết định.
Việc ký kết FTA với một đối tác phát triển mạnh về công nghệ, dịch vụ, tài chính như UAE được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận nguồn công nghệ hiện đại, nguồn vốn dồi dào, cơ hội học hỏi kỹ năng quản lý, kinh doanh dịch vụ, tạo thêm việc làm cho người lao động, giúp ổn định an sinh-xã hội cho nước ta. Ngoài ra, việc ký kết CEPA với UAE sẽ chỉ là bước đầu trong việc thúc đẩy quan hệ sâu sắc hơn nữa giữa Việt Nam với các nước Vùng vịnh. Đây là khu vực có quy mô kinh tế hơn 2.000 tỷ USD và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, nắm nguồn tài nguyên dầu hỏa cũng như nguồn vốn đầu tư khổng lồ./.
P.V