Trong quý II/2024, hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thuận lợi hơn quý I/2024 với 79,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn và giữ ổn định, 21,0% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có sự phục hồi rõ nét nhất với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định các yếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng”, “đơn đặt hàng xuất khẩu” và “sử dụng lao động” tăng so với quý I/2024 lần lượt là 45,6%, 40,1%, 40,7% và 31,7%.
Kết quả trên được Tổng cục Thống kê đánh giá dựa trên chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các chỉ số cân bằng thành phần (đơn đặt hàng mới, sử dụng lao động, khối lượng sản xuất và tồn kho thành phẩm) đánh giá về từng hoạt động SXKD cụ thể của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Cụ thể, chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý II/2024 so với quý I/2024 là 16,4%, với 37,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn; 41,6% doanh nghiệp đánh giá ổn định và 21,0% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn. Đây là quý có chỉ số cân bằng chung cao thứ ba kể từ sau đại dịch Covid-19 (thấp hơn quý II/2022 với 20,4% và quý IV/2021 với 19,1%).
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Chỉ số cân bằng của khu vực doanh nghiệp nhà nước cao nhất là 19,1%, với 39,9% doanh nghiệp trong khu vực đánh giá hoạt động SXKD trong quý II/2024 tốt hơn và 20,8% khó khăn hơn. Trong khi đó, chỉ số này của khu vực doanh nghiệp FDI chỉ là 18,8% (39,0% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn và 20,2% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn). Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn khá khó khăn khi có chỉ số cân bằng thấp nhất 15,1%, với 36,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý vừa qua tốt hơn và có tới 21,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Xét các chỉ số cân bằng thành phần cho thấy, chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II/2024 so với quý I/2024 là 13,5%. 34,6% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhận định đơn đặt hàng mới tăng và 44,3% doanh nghiệp nhận định có đơn hàng ổn định trong quý II/2024, phản ánh hoạt động SXKD của các doanh nghiệp thuận lợi hơn. Tuy nhiên vẫn còn 21,1% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm các đơn đặt hàng mới. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng mới quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 49,4%. Ngược lại, ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng giảm nhiều nhất với 32,7%.
Tình hình hoạt động SXKD của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng được phản ánh qua chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý II/2024 so với quý I/2024 là 17,9%. 79,2% doanh nghiệp đánh giá khối lượng sản xuất tăng và giữ nguyên so với quý I/2024, còn lại 20,8% doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm. Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan vẫn là ngành có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 53,6%. Trong khi ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế khác có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khối lượng sản xuất giảm nhiều nhất với 32,5%.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước phục hồi, 78,4% doanh nghiệp cho biết số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2024 tăng và giữ nguyên so với quý I/2024, chỉ có 21,6% doanh nghiệp có đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm. Tương tự các yếu tố trên, các doanh nghiệp hoạt động SXKD trong lĩnh vực sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ có đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 47,0%. Trong khi ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế lại gặp không ít khó khăn trong tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu mới với 37,6% doanh nghiệp nhận định đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm.
Tình hình hoạt động sản SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thuận lợi hơn còn thể hiện ở chỉ số cân bằng tồn kho thành phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 là -8,5%. Chỉ có 19,4% doanh nghiệp cho biết tồn kho thành phẩm tăng và có tới 80,6% doanh nghiệp cho biết tồn kho thành phẩm ổn định và giảm so quý I/2024. Ngành sản xuất xe có động cơ có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 25,3%. Ngược lại, ngành sản xuất kim loại có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định tồn kho thành phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 giảm nhiều nhất với 33,8%.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2024, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo là 73,8%. Có 43,5% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc, thiết bị từ 70% đến dưới 90%; 28,9% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 90% đến 100%; 17,7% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng từ 50% đến dưới 70% và 9,9% doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng dưới 50%. Ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan là ngành có công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân cao nhất với 81,2%. Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá công suất sử dụng máy móc thiết bị bình quân thấp nhất với 66,1%.
Quý II/2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
thuận lợi hơn quý I/2024
Tuy nhiên, kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy tình hình hoạt động của các doanh nghiệp chế biến chế tạo chưa thực sự phục hồi như kỳ vọng, thể hiện qua chỉ số cân bằng sử dụng lao động quý II/2024 so với quý I/2024 là -1,9%. Chỉ có 14,6% doanh nghiệp nhận định lao động tăng; 68,9% doanh nghiệp có lượng lao động ổn định trong quý thứ hai của năm và vẫn có16,5% doanh nghiệp nhận định lao động giảm. Với lượng đơn hàng mới, đơn hàng xuất khẩu tăng, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 33,2%. Trái ngược với đó là ngành sản xuất trang phục có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định lao động quý II/2024 so với quý I/2024 giảm nhiều nhất với 26,8%.
Các doanh nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chưa cắt giảm được nhiều chi phí sản xuất để tạo lợi thế cạnh tranh. Quý II/2024, phần lớn doanh nghiệp (92,2%) nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên, chỉ rất ít doanh nghiệp (7,8%) cắt giảm được chi phí sản xuất so với quý I/2024. Ngành sản xuất trang phục và sản xuất kim loại cùng có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 tăng cao nhất với 32,4%. Ngành sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị có tỷ lệ doanh nghiệp nhận định chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm quý II/2024 so với quý I/2024 giảm nhiều nhất với 12,5%.
Qua phân tích của Tổng cục Thống kê, nhìn chung khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 vẫn là nhu cầu thị trường trong nước thấp và tính cạnh tranh của hàng trong nước cao. Bên cạnh đó, lãi suất vay vốn cao cũng là trở ngại đối với các doanh nghiệp.
Riêng đối với nhóm ngành dệt, may, da giầy, trong quý II/2024, các doanh nghiệp gặp những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu và lao động có tay nghề. Có tới 57,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục; 55,8% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 47,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do nhu cầu thị trường quốc tế thấp. Bên cạnh đó, có 54,7% doanh nghiệp sản xuất trang phục, 36,5% doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm có liên quan và 24,1% doanh nghiệp dệt gặp khó khăn do không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu.
Lạc quan sản xuất kinh doanh quý III/2024
Xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý III/2024 được dự báo khả quan hơn quý II/2024, thể hiện ở chỉ số cân bằng chung đạt 23,6%; với 40,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn, 42,2% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định và chỉ có 17,1% doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn.
Khu vực doanh nghiệp Nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý II/2024; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI và khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 83,2% và 82,7%.
Bên cạnh đó, 38,0% doanh nghiệp dự báo đơn đặt hàng mới quý III/2024 tăng so với quý II/2024; 45,8% doanh nghiệp nhận định ổn định và chỉ có 16,2% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Khối lượng sản xuất quý III/2024 so với quý II/2024 cũng khá khả quan khi có 39,8% doanh nghiệp dự báo tăng, 44% doanh nghiệp dự báo ổn định và 16,2% doanh nghiệp dự báo giảm.
Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng được dự báo tích cực hơn trong quý III/2024 với hơn với 83,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý II/2024; 16,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Đa số doanh nghiệp chế biến, chế tạo cũng nhận định các yếu tố sử dụng lao động, tồn kho thành phẩm, chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm sẽ ổn định trong quý III/20204
Cần có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Để hỗ trợ hoạt động SXKD trong các quý tiếp theo, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn cho SXKD.
Đối với nguồn nguyên vật liệu, năng lượng cho sản xuất, các doanh nghiệp cho rằng cần có các chính sách để bình ổn giá nguyên vật liệu, năng lượng và kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương ổn định nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Tăng cường kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn của vùng nguyên liệu, đặc biệt với các vùng cung cấp nguyên vật liệu nông sản nhằm ổn định chất lượng nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến sử dụng nguyên liệu nông sản nói riêng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, nâng cao tay nghề người lao động để đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất; tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ logistic; giảm tiền thuê đất cho SXKD; đảm bảo nguồn điện ổn định cho sản xuất.
Đối với thị trường đầu ra, để góp phần tăng khối lượng đơn hàng, các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước tiếp tục có các biện pháp kích cầu trong nước hiệu quả, tăng cường tuyên truyền để “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian chờ đợi và thực hiện các thủ tục hành chính của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới, đối tác mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng lượng tiêu thụ hàng hóa ở các thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, cung ứng; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ, phòng vệ thương mại, các yêu cầu mới về tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất (như sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn…), chuyển đổi số và nhận chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với điều kiện và yêu cầu đầu ra ngày càng cao. Các ngân hàng tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục và điều kiện vay vốn để doanh nghiệp nhanh chóng có nguồn vốn cho SXKD.
Đối với sản phẩm trên thị trường, các cơ quan Nhà nước cần tăng cường kiểm soát thị trường, giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái. Các doanh nghiệp FDI cũng kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vì mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% là gánh nặng không nhỏ đối với doanh nghiệp./.
BN