Lạm phát trong tầm kiểm soát

30/06/2024 - 05:00 PM

Lạm phát 6 tháng đầu năm 2024

Trong nửa đầu năm nay, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine và tại dải Gaza kéo dài, bất ổn leo thang trên Biển Đỏ. Kinh tế thế giới tiếp tục trải qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng chậm, triển vọng phát triển trong ngắn hạn và trung hạn còn nhiều thách thức, lãi suất ngân hàng của các nước vẫn ở mức khá cao. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề, đặc biệt tình trạng nắng nóng, hạn hán vì hiện tượng El Nino dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực tiềm ẩn tại một số quốc gia và khu vực.

Lạm phát toàn cầu đang có biểu hiện đi ngang sau một thời gian giảm nhanh nhưng trước bức tranh kinh tế khó đoán định khiến xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn vẫn chưa rõ rệt. Lạm phát của Mỹ tháng 5/2024 tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Tại cuộc họp tháng 6/2024, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%-5,5% nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Trong tháng 5/2024, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; Pháp tăng 2,3%; Đức tăng 2,4%; Tây Ban Nha tăng 3,6%. Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2024 của Lào tăng 25,77% so với cùng kỳ năm trước; Ấn Độ tăng 4,75%; Phi-lip-pin tăng 3,9%; Xin-ga-po tăng 3,1%; In-đô-nê-xi-a tăng 2,84%; Hàn Quốc tăng 2,7%. Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như: Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Theo đó, giá hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nhìn chung không có biến động bất thường, lạm phát trong tầm kiểm soát. CPI quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08%.

Lạm phát trong tầm kiểm soát 1

So với tháng trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm nay có xu hướng tăng, giảm đan xen theo quy luật tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Tháng 01/2024, CPI tăng 0,31% do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. Sang tháng 2/2024, CPI tăng cao nhất 1,04% do là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, giá gạo, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới. Tháng 3/2024, CPI giảm 0,23% do nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Từ tháng 4/2024 đến tháng 6/2024, CPI tăng lần lượt 0,07%, 0,05% và 0,17% chủ yếu do giá xăng dầu, thịt lợn và điện sinh hoạt tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23% so với tháng trước.

Lạm phát trong tầm kiểm soát 2

So với cùng kỳ năm trước, khác với xu hướng của năm 2023, CPI các tháng nửa đầu năm 2024 có xu hướng tăng. Từ mức 3,37% trong tháng Một lên mức cao nhất 4,44% vào tháng Năm. Sang tháng Sáu, CPI bắt đầu theo xu hướng tăng chậm lại, mức tăng còn 4,34%. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng tăng giá do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Như vậy, với mức CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, để lạm phát cả năm lên mức 4,5% thì dư địa cho lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9%.

Bên cạnh đó, hiện nay có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát.

Do đó, khả năng thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay từ 4-4,5% là khả thi.

Giải pháp kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm

Mặc dù dư địa để điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu của Quốc hội đề ra còn không ít nhưng thị trường giá cả trong nước phụ thuộc khá nhiều vào thị trường quốc tế, trong khi tình hình thế giới hiện nay rất phức tạp và khó dự báo. Vì vậy, để kiểm soát lạm phát trong những tháng còn lại của năm thì Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước.

Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với việc tăng giá các hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý cần được lên kế hoạch, có lộ trình cụ thể, cần có sự đánh giá tác động tới lạm phát khi điều chỉnh giá. Không nên điều chỉnh nhiều loại giá cùng một thời điểm. Tránh điều chỉnh giá cùng với thời điểm tăng lương. Không nên điều chỉnh giá điện sinh hoạt khi thời tiết nắng nóng, làm gia tăng chi phí cho người dân, đồng thời cân nhắc mức điều chỉnh giá hợp lý, không nên tăng quá cao tại một thời điểm. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá dịch vụ công không nên dồn vào cuối năm, vào dịp Lễ, Tết là thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao vì nếu chỉ số giá liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025.

Ngoài ra, cần phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra./.

  Nguyễn Thu Oanh

Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - TCTK

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top