Ngày 01/7/2024, cùng với các địa phương trong cả nước, Lạng Sơn đồng loạt ra quân thu thập thông tin Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Tạp chí Con số và Sự kiện có bài phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh về thực trạng kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và công tác triển khai Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024 nói riêng tại địa bàn.
Phóng viên: Phó Chủ tịch cho biết vài nét về thực trạng tình hình kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh:
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc, với diện tích 8.310,2 km2. Toàn tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 10 huyện và 01 thành phố loại II; 200 đơn vị hành chính cấp xã với 1.646 thôn, tổ dân phố. Dân số của Tỉnh năm 2023 là 807,3 nghìn người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, gồm các dân tộc như: Nùng, Tày, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông… chiếm khoảng 83,91% dân số toàn tỉnh; phần lớn dân số sống ở khu vực nông thôn, miền núi với 76,83%.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền của Tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác dân tộc, ưu tiên chăm lo cả vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời tạo mọi điều kiện để đồng bào phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, trong đó các Chương trình mục tiêu quốc gia (Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) được tập trung tổ chức thực hiện, phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Năm 2023, kinh tế của tỉnh Lạng Sơn phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7% so với năm 2022, trong đó: Nông, lâm nghiệp tăng 6,55%; Công nghiệp - xây dựng tăng 8,18%; Dịch vụ tăng 6,77%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người đạt 59,8 triệu đồng/người/năm.
Nhờ sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền của Tỉnh trong công tác dân tộc, đời sống vật chất và tinh thần
của đồng bào từng bước được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đổi mới
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông đạt 96,1%; tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm thôn được cứng hóa đạt 80,5%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch đạt 99,9%; 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 98,31%, đã có 285 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Công tác xây dựng nông thôn mới cũng đạt những kết quả tích cực. Đến nay toàn Tỉnh có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, số tiêu chí bình quân đạt 14,08 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh còn 12.397 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,02%, giảm 2,9% so với năm 2022; có 18.438 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,96%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 95% trên tổng số hộ nghèo, giảm 0,23% so với năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên tổng số hộ dân tộc thiểu số là 7,05%, giảm 3,37% so với năm 2022.
Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân luôn được Tỉnh quan tâm và đạt kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 33,3 giường bệnh/vạn dân; 11,3 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; 100% người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Ngoài yếu tố khó khăn đặc thù của tỉnh biên giới như quy mô kinh tế nhỏ, vốn đầu tư ít, trình độ dân trí không đồng đều; địa hình miền núi bị chia cắt phức tạp, khó thu hút đầu tư các nhà đầu tư lớn, thì kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới; tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số còn cao (chiếm 95% tổng số hộ nghèo), kết quả giảm nghèo chưa bền vững; quy mô sản xuất, canh tác của đồng bào còn nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chất lượng giáo dục và đào tạo ở một số nơi, đặc biệt là những vùng khó khăn chưa được cải thiện nhiều; cơ sở vật chất, hạ tầng giáo dục được đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; tệ nạn xã hội, an ninh, trật tự vùng biên giới còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp.
Trước tình hình đó, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung chỉ đạo tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn Trung ương, các Chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với ngân sách địa phương. Đồng thời triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.
Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đổi mới. Nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được giữ gìn và phát huy. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Phóng viên: Từ ngày 01/7/2024, Tổng cục Thống kê sẽ tiến hành Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Cuộc điều tra này có ý nghĩa như thế nào đối với việc xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương trong giai đoạn tới, thưa Phó Chủ tịch?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh:
Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm mục đích cung cấp toàn diện thông tin về dân số và phân bố dân cư, tiếp cận cơ sở hạ tầng, kinh tế, tình trạng nghèo đói, an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; y tế, vệ sinh môi trường nông thôn; cán bộ đảng viên; di cư tự do; tôn giáo, tín ngưỡng; an ninh nông thôn vùng dân tộc thiểu số. Đây sẽ là cơ sở căn bản hình thành hệ thống thông tin, số liệu thống kê, phản ánh thực trạng của 53 dân tộc thiểu số, phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc; điều hành, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cuộc điều tra này không chỉ hướng đến việc đánh giá trình độ phát triển của các dân tộc thiểu số so với mặt bằng chung của cả nước, mà còn đánh giá sự bình đẳng giữa các dân tộc. Do đó, kết quả cuộc điều tra làm tiền đề để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn và chính quyền các cấp xây dựng chính sách dân tộc, góp phần khuyến khích, hỗ trợ để đồng bào dân tộc phát huy nội lực, giảm bớt sự chênh lệch giữa trình độ phát triển của các dân tộc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh đánh giá kết quả điều tra 53 dân tộc sẽ làm tiền đề
để Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn và chính quyền các cấp xây dựng chính sách dân tộc tại địa phương
Cuộc điều tra sẽ đưa ra các số liệu, thông tin tin cậy giúp không chỉ các cơ quan Trung ương mà còn giúp các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng có được đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc và xây dựng định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030 cũng như các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Phóng viên: Để thực hiện thành công Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, Phó Chủ tịch có những lưu ý gì trong thực hiện thu thập thông tin tại địa bàn, đặc biệt về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh:
Để thực hiện hiệu quả cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thì sự vào cuộc, quan tâm, phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện cuộc điều tra có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê, các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các biện pháp nghiệp vụ, áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện tốt phương án điều tra. Bên cạnh việc triển khai nghiêm túc các công đoạn điều tra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để chính quyền cơ sở và bà con dân tộc thiểu số đồng tình phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác giúp cuộc điều tra đạt kết quả tốt nhất. Trong đó cần tập trung một số công việc chủ yếu sau:
Thứ nhất, giám sát viên từ cấp tỉnh đến huyện, tổ trưởng điều tra và điều tra viên tham dự đầy đủ, nghiêm túc các buổi tập huấn nghiệp vụ điều tra, nghiên cứu kỹ tài liệu, liên hệ tình hình thực tế của địa phương để nắm vững phạm vi trách nhiệm của mình, cụ thể hoá các vấn đề nghiệp vụ, phương pháp điều tra và cách ghi phiếu.
Thứ hai, thực hiện tốt Lễ ra quân và công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu và hợp tác chặt chẽ trong Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong công tác tuyên truyền. Công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa, có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, sinh động phù hợp với ngôn ngữ, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khâu trong quá trình điều tra, từ khâu rà soát địa bàn, cập nhật bảng kê hộ điều tra đến suốt quá trình thu thập thông tin tại địa bàn nhằm bảo đảm thu thập thông tin, số liệu đạt hiệu quả; bảo đảm điều tra viên đến đúng hộ, đúng đối tượng điều tra thu thập thông tin theo đúng quy định của Phương án Điều tra, không để xảy ra tình trạng điều tra trùng hay bỏ sót hộ điều tra.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
P.V