Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch

25/02/2025 - 09:43 PM

Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch
Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 1
Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 2


Theo báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh Lào Cai trong năm 2023 chỉ đạt 67,38 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố. Lào Cai thuộc nhóm các tỉnh thành có chất lượng điều hành được đánh giá tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tăng tốc phát triển, Lào Cai vẫn còn một số rào cản, hạn chế trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ. Do đó, năm 2024, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao điểm số và thứ hạng, đưa Lào Cai trở lại nằm trong Top 10 cả nước vào năm 2025.
 

Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh tập trung cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục đầu tư, cấp phép kinh doanh; bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh; các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố không được tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức. Ông Phan Trung Bá - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai cho biết: Sở đã tham mưu để UBND tỉnh Lào Cai tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đặc biệt là công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng trên địa bàn. Trong năm 2024, Tỉnh đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp đảm nhận vai trò đặc biệt quan trọng trong kết nối, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư về các thủ tục đầu tư kinh doanh; thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng quản trị, tài chính cho doanh nghiệp; hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ cao.

Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 3

Để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, Lào Cai tập trung cải thiện mạnh mẽ chỉ số cơ sở hạ tầng (đó là: hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, điện và đô thị), phấn đấu nằm trong Top 30 cả nước năm 2025. Cụ thể, Lào Cai đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn mở rộng, dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không Sa Pa... Đây là các dự án quan trọng giúp tăng cường năng lực kết nối Lào Cai với các trung tâm kinh tế lớn, cảng biển và sân bay, giúp nâng cao năng lực sản xuất, tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, Tỉnh đang tăng tốc đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bản Qua và cụm công nghiệp Thống Nhất, Cốc Mỳ, xây dựng cầu Bá Sái, cầu Phú Thịnh, cầu Làng Múc, đường Kim Thành – Ngòi Phát, tăng cường đầu tư vào hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý môi trường tại các khu công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới của thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà.

Đối với việc cơ chế hỗ trợ, Lào Cai đã ban hành các văn bản để hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hưởng các ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành của Chính phủ như các ưu đãi về: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất – nhập khẩu, tiền thuê đất, thuê mặt nước; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu đãi đặc thù (ngoài các văn bản quy định của Trung ương) để thu hút đầu tư vào những địa bàn trọng điểm của Tỉnh.

Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 4

 

Nhận rõ những cơ hội và lợi ích to lớn của chuyển đổi số, Lào Cai đã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tăng cường đầu tư hạ tầng số. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, hạ tầng viễn thông của Tỉnh phát triển với tốc độ cao. Đến cuối năm 2024, sóng di động 3G, 4G đã phủ sóng đến 100% trung tâm xã, mạng di động thế hệ mới 5G tại 52 điểm, hạ tầng cáp quang đã triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn, tiếp cận được 96,4% thôn bản đáp ứng nhu cầu sử dụng internet băng rộng cố định cho người dân. 

Nhằm phát huy và khai thác thế mạnh về hạ tầng số, Lào Cai triển khai nhiều ứng dụng, nền tảng số, phát triển dữ liệu số phục vụ cho hoạt động quản lý, xây dựng chính quyền số và xã hội số, Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình xử lý công việc sẽ đảm bảo sự minh bạch giúp người dân, doanh nghiệp kiểm soát tiến độ thực hiện, các vướng mắc và trách nhiệm của người thụ lý. Nổi bật, Lào Cai đã triển khai Cổng du lịch thông minh, Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, phê duyệt Đề án phát triển dữ liệu số, tạo nền tảng cho việc nâng cao năng lực quản trị và minh bạch trong quản lý nhà nước, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ công và phát triển kinh tế bền vững.


Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 5

Về dữ liệu số, Tỉnh đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa hồ sơ địa chính 152/152 xã, phường, thị trấn trên địa bàn Tỉnh với tổng số thửa đất được tích hợp số hóa trên hệ thống VBDlis: 3.637.835 thửa đất. Tổng số dữ liệu số hoá đã được chuyển chính thức vào Hệ thống quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp là 547.371/592.193 trường hợp đạt 92,43%, còn 44.822 trường hợp đang chuyển dữ liệu…

Lào Cai đã triển khai 462 thủ tục hành chính nội bộ trên Cổng dịch vụ công tỉnh, giảm thiểu thời gian và tăng cường minh bạch, hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước. Năm 2024, Lào Cai đứng thứ 08/63 tỉnh, thành có chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (theo Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Lào Cai là một trong 17 địa phương đứng đầu có tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến; là một trong 23 địa phương đầu tiên hoàn thành chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính xếp thứ 24/63 tỉnh, thành.

Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 6

Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, tăng cường kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước Asean với vùng Tây Nam, Trung Quốc, Lào Cai đã đưa Nền tảng Cửa khẩu số vào hoạt động, nâng cao năng lực thông quan của Cửa khẩu Quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai Cửa khẩu thông minh, Hợp tác chiến lược hình thành Khu tiên phong hợp tác về kinh tế số và dữ liệu số Việt - Trung. Bên cạnh đó, Tỉnh hỗ trợ hộ nông dân, hợp tác xã đăng ký và bán sản phẩm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; triển khai chương trình tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, giúp họ làm quen với việc bán hàng trực tuyến và thanh toán số. Hiện, Lào Cai đã đưa 100% sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu lên các sàn thương mại điện tử. Việc thúc đẩy phát triển dữ liệu số, kinh tế số, kinh tế số xuyên biên giới, Lào Cai đang quyết tâm đưa chuyển đổi số trở thành một động lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh.

Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 7

Cùng với chuyển biến trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Lào Cai đã tăng cường quảng bá hình ảnh, tin tức về môi trường đầu tư, chính sách, tiềm năng, cơ hội đầu tư trên các kênh truyền thông đại chúng dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú; thường xuyên cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu về tiềm năng, kinh tế - xã hội, chính sách, thủ tục đầu tư, các quy hoạch… trên các trang thông tin điện tử của tỉnh. Bên cạnh đó, Lào Cai phối hợp với các tổ chức, hiệp hội xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế (KOTRA, THAICHAM, JVEDA…), tổ chức các Đoàn lãnh đạo tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng, tỉnh Bình Dương… Đặc biệt, năm 2024, Lào Cai  đã tổ chức thành công chuyến đi xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tại Nhật Bản, tổ chức Hội thảo chung với Vietnam Airlines và 100 doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản, kết thúc đã có 05 Biên bản ghi nhớ (MOU) được ký và trao.
Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai đồng bộ, tích cực, mang lại hiệu quả rõ rệt, năm 2024, tỉnh Lào Cai cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án vốn nhà đầu tư trong nước cho 60 dự án (tổng vốn đầu tư 6.357 tỷ đồng). Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 26 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt hơn 727,5 triệu USD. Các dự án FDI trên địa bàn Tỉnh chủ yếu tập trung tại khu công nghiệp, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn trên các lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến, du lịch - dịch vụ. Lào Cai hiện là nơi dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư lớn có bề dày kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh như: Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn T&T, Geleximco, Bitexco, TNG, Công ty cổ phần Sản xuất Xuất nhập khẩu Phú Hưng, Công ty cổ phần KOSY... Các dự án được đăng ký đầu tư tập trung vào các thế mạnh của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp đặc hữu.

Lào Cai: Cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hệ sinh thái đầu tư thuận lợi, minh bạch 8

Năm 2024, Lào Cai huy động được tổng nguồn vốn đầu tư là 60.345 tỷ đồng, trong đó thu hút đầu tư trong nước đạt 7.526 tỷ đồng, vốn ngoài nhà nước đạt 52.769 tỷ đồng. Nhờ huy động được nguồn lực đầu tư nên kinh tế của tỉnh Lào Cai tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Cụ thể, tăng trưởng GRDP đạt 7,38%, GRDP bình quân đầu người đạt 97,5 triệu đồng; quy mô kinh tế (theo giá hiện hành) tỉnh Lào Cai đạt 77.223,08 tỷ đồng, tăng 11,76% so với năm 2023, xếp thứ 4/14 tỉnh TDMN và xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố. Phát huy những kết quả đạt được, với quyết tâm cao nhất, năm 2025, Lào Cai đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức trên 10%, cùng hàng loạt các chỉ tiêu quan trọng khác ở mức cao đột phá so với năm 2024.

Để đạt được mục tiêu cao này, một trong những giải pháp quan trọng, đó là, Lào Cai mở rộng chào đón các nhà đầu tư, nâng cao tỷ lệ thu hút đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước, tăng cường thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các hình thức góp vốn, liên danh, liên kết; thu hút nguồn vốn ODA, các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ nước ngoài. Tỉnh sẽ tập trung xây dựng thêm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất công nghiệp theo hướng xanh, bền vững; nỗ lực thu hút đầu tư vào vào phát triển logistic, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm; thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu thông qua việc xây dựng và vận hành hiệu quả cửa khẩu số, tiến tới là cửa khẩu thông minh; xây dựng thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Bên cạnh những nỗ lực của địa phương, Lào Cai mong muốn thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ triển khai các dự án lớn liên quan đến liên kết vùng, có tầm ảnh hưởng lan tỏa như: Tuyến hầm đường bộ kết nối Lai Châu - Lào Cai, đường sắt khổ lớn kết nối ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc, khởi công dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Lào Cai - Lai Châu theo quy mô 04 làn xe, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa. Đây sẽ là động lực để Lào Cai bứt phá, tăng trưởng nhanh, bền vững, khẳng định vai trò cực tăng trưởng  của khu vực trung du và miền núi phía Bắc theo Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Tác giả: Trịnh Long
Trình bày: B.N


 


Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top