Lào Cai: Chủ động “tấn công” chống đói nghèo

23/05/2023 - 05:45 PM

Bằng tinh thần chủ động “đi cùng và đi trước”, những năm gần đây tỉnh Lào Cai đã điều hành và triển khai hiệu quả các chính sách liên quan đến giảm nghèo. Đồng thời, tỉnh tăng cường lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình Mục tiêu quốc gia để tạo bước đột phá trong thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân.

Tập trung cho khu vực có tỷ lệ nghèo cao

Đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm giúp nhiều
người dân thoát nghèo. Trong ảnh: Trung tâm Dịch vụ Việc làm tư vấn
cho người lao động tại Hội chợ việc làm cấp tỉnh năm 2022


Theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ, quy định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tính đến cuối năm 2020, số hộ nghèo của Lào Cai chỉ còn 14.322 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,2% (giảm gần 20% số với đầu giai đoạn, bình quân giảm gần 4%/năm). Với kết quả này, Lào Cai xếp thứ 5 trong top 10 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006 2021. Đặc biệt, tỷ lệ giảm nghèo các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ bình quân 8,6%/năm (vượt xa mục tiêu của Chính phủ là giảm 4%/năm).

Huyện Mường Khương cùng với Bắc Hà và Si Ma Cai được coi là vùng “lõi nghèo” của tỉnh. Đây đều là các địa phương nằm ở khu vực vùng cao, có địa hình tự nhiên không thuận lợi, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đại đa số. Do đó, để giúp đồng bào sống ở khu vực này có điều kiện vươn lên thoát nghèo, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của Mường Khương hướng mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa để giảm nghèo bền vững. Mường Khương đã tập trung khai thác thế mạnh tài nguyên đất đai, phát triển trồng rừng và nông nghiệp hàng hóa được ưu tiên, nhất là cây ăn quả, từng bước hình thành vùng sản phẩm cây ăn quả với các cây đặc sản như dứa, quýt, chè, sa nhân, hồi... Huyện cũng tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Cùng với sự đồng thuận của người dân, việc xóa đói giảm nghèo trên địa huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mức giảm bình quân đạt 10/% năm và được đánh giá là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng nhất tỉnh Lào Cai.

 

Trồng chè Shan tuyết theo quy trình sản xuất
an toàn VietGap giúp nhiều hộ dân có nguồn thu
ổn định góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh Quốc Hồng


Nhờ xác định được những khu vực “lõi nghèo’’và có những cách làm sáng tạo, chủ động “tấn công” vào đói nghèo đã đem lại cho Lào Cai nhiều kinh nghiệm. Đó là, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, vai trò chủ đạo của Nhà nước, đây là yếu tố quyết định đối với mục tiêu giảm nghèo bền vững; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là người nghèo, cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm tạo thêm nguồn lực hỗ trợ cho người nghèo cải thiện cuộc sống; đổi mới công tác quản lý nhà nước trong việc điều hành và phân công trách nhiệm…

Xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho giai đoạn 2021 - 2025

Từ những thành công trong giai đoạn trước, khi triển khai chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (với tiêu chí được nâng lên), Lào Cai tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản.
 

Một buổi giao dịch cho hộ nghèo vay vốn tại phường Sa Pả, thị xã Sa Pa. Ảnh Trần Việt


Với quan điểm “trên phải kịp thời, dưới phải chủ động”, “đi cùng và đi trước", khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, UBND tỉnh Lào Cai đã yêu cầu các địa phương chủ động chuẩn bị và khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình.

Cùng với việc chủ động thực hiện các dự án thành phần của các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Lào Cai còn xây dựng một số chính sách, cơ chế nhằm hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo theo hướng chuyển từ “cho không” sang hỗ trợ và “hỗ trợ có điều kiện”. Từ quan điểm xây dựng chính sách đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trong giai đoạn 2019-2025 với mức bình quân 1 tỷ đồng/xã/năm, với lãi suất ưu đãi để cho vay các hộ trên địa bàn các xã phát triển kinh tế.

Với đặc thù hộ nghèo ở Lào Cai chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn, sinh kế dựa vào nông, lâm nghiệp, Lào Cai dành 70% nguồn lực cho nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đến hết năm 2022, số thôn, bản có đường trục giao thông cứng hóa đạt hơn 90%; tỷ lệ thôn, bản có điện lưới đạt 95%; 100% số xã xóa phòng học tạm… Song song với kết cấu hạ tầng, Tỉnh ủy Lào Cai cũng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung phát triển các ngành, hàng chủ lực như: Cây chè, cây dứa, cây chuối, cây quế, cây dược liệu, chăn nuôi lợn và phát triển sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng theo hướng bền vững.

Mô hình nuôi ngựa là một trong những hướng
thoát nghèo tại các xã nghèo của huyện Bát Xát

 

Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển sản xuất theo mô hình hợp tác xã, nhóm liên kết cùng sở thích, coi hợp tác xã là lực đẩy để nâng cao chất lượng và giảm nghèo bền vững. Các hợp tác xã, tổ hợp tác chính là “bước trung gian”, để liên kết doanh nghiệp với người nông dân, tạo thành chuỗi giá trị, góp phần nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Để nâng cao chất lượng giảm nghèo, Lào Cai đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề. Hiện nay, Tỉnh có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với năng lực đào tạo khoảng 9.500 lao động/ năm. Các đơn vị khác ngoài tỉnh cũng tham gia đào tạo cho hơn 1.000 lao động/năm. Bên cạnh những nghề truyền thống phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, tỉnh chỉ đạo các trường, trung tâm tăng cường đào tạo chuyển đổi nghề, nhất các nghề dịch vụ, du lịch như: Kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ khách sạn, làm đẹp thẩm mỹ… Quá trình đào tạo luôn đi đôi với giải quyết việc làm giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

Nhờ các chính sách, cơ chế và các dự án được triển khai đồng bộ và kịp thời, kết thúc năm 2022, Lào Cai đã giảm được gần 9.800 hộ gia đình nghèo. Như vậy, sau 2 năm triển khai, Lào Cai đã đạt 43,5% kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, để 34.600 hộ còn lại thoát nghèo là nhiệm vụ không hề đơn giản. Song tin rằng, với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm, sáng tạo và đột phá trong tư duy xây dựng chính sách giảm nghèo, cùng sự vào cuộc của các cấp, ngành địa phương sẽ đưa Lào Cai sớm đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững./.

Trịnh Long

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top