Đặt vấn đề
Chuẩn mực kế toán được soạn thảo và ban hành để thống nhất các hoạt động kế toán trong một phạm vi quốc gia, trong một khu vực kinh tế hay trên phạm vi toàn cầu. Theo Điều 8 Luật kế toán số 03/2003/QH11, các chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) được ban hành trên cơ sở các chuẩn mực kế toán quốc tế và Luật kế toán Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng và nội dung của chuẩn mực kế toán Việt Nam chưa tương đương với chuẩn mực kế toán quốc tế, một số nội dung kế toán thực tế phát sinh nhưng không được quy định, hướng dẫn trong chuẩn mực.
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, để phù hợp và thống nhất với các quy tắc chung của chuẩn mực kế toán quốc tế, Việt Nam đã và đang thay đổi các chuẩn mực kế toán và thực hiện lộ trình áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Việc áp dụng IFRS tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trình bày báo cáo tài chính một cách nhất quán, minh bạch, tin cậy và dễ dàng so sánh với nhau không phân biệt lĩnh vực, quốc gia hay vùng lãnh thổ.
Từ khóa: Kế toán quốc tế, chuẩn mực, báo cáo tài chính
Hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế
Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) International Accounting Standards là văn bản đầu tiên về chuẩn mực kế toán quốc tế do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành, trong đó tổng hợp các tiêu chuẩn quy định và hướng dẫn về phương pháp kế toán chung cho các quốc gia. Chuẩn mực kế toán quốc tế bao gồm 41 tiêu chuẩn, quy tắc.
Năm 2001, các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) được thay thế và bổ sung bằng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS có tên tiếng Anh là International Financial Reporting Standards do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) ban hành. IFRS gồm 17 chuẩn mực nhỏ, là một bộ quy tắc kế toán tập trung hướng dẫn chi tiết việc lập báo cáo tài chính của các công ty nhằm làm cho các Báo cáo tài chính (BCTC) trở nên thống nhất, minh bạch và dễ dàng so sánh trên toàn thế giới.
Hiện nay, IFRS đã trở thành ngôn ngữ kế toán chung phổ biến trên toàn cầu. Theo thống kê của IFRS.org, tính đến tháng 4/2018 đã có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bắt buộc sử dụng chuẩn mực IFRS. Việt Nam là một trong số 22 quốc gia còn lại vẫn sử dụng chuẩn mực kế toán riêng.
Nội dung của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS
Chuẩn mực |
Tên tiếng Việt |
Nội dung |
IFRS 1 |
Lần đầu tiên áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS |
Quy định các thủ tục một đơn vị cần phải tuân thủ khi lập Báo cáo tài chính theo IFRS lần đầu tiên. |
IFRS 2 |
Thanh toán trên cơ sở cổ phiếu |
Yêu cầu ghi nhận các giao dịch thanh toán trên cơ sở cổ phiếu vào Báo cáo tài chính. |
IFRS 3 |
Hợp nhất kinh doanh |
Hướng dẫn kế toán khi bên mua nắm quyền kiểm soát đối với một hoạt động kinh doanh. |
IFRS 5 |
Tài sản dài hạn nắm giữ cho mục đích bán và hoạt động không liên tục |
Hướng dẫn kế toán đối với các tài sản dài hạn nắm giữ để bán hoặc để phân phối cho chủ sở hữu. |
IFRS 6 |
Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản |
Ghi nhận các chi phí phát sinh từ hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản của doanh nghiệp |
IFRS 7 |
Công cụ tài chính: Trình bày |
Quy định các thông tin cần trình bày liên quan đến tầm quan trọng của các công cụ tài chính đối với đơn vị. |
IFRS 8 |
Bộ phận kinh doanh |
Yêu cầu một số loại hình doanh nghiệp cần trình bày các thông tin liên quan đến bộ phận kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ, khu vực địa lý hoạt động và các khách hàng chính của đơn vị trên Báo cáo tài chính |
IFRS 9 |
Công cụ tài chính |
Quy định các yêu cầu đối với việc ghi nhận, đo lường, đánh giá suy giảm giá trị, dừng ghi nhận và kế toán phòng ngừa rủi ro chung. |
IFRS 10 |
Báo cáo tài chính hợp nhất |
Thiết lập các nguyên tắc cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất khi một đơn vị kiểm soát một hoặc nhiều đơn vị khác. |
IFRS 11 |
Thỏa thuận liên doanh |
Thiết lập các nguyên tắc cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích trong các thỏa thuận được kiểm soát chung. |
IFRS 12 |
Thuyết minh về lợi ích trong các đơn vị khác |
Yêu cầu công bố thông tin có thể khiến người sử dụng Báo cáo tài chính để đánh giá. |
IFRS 13 |
Xác định giá trị hợp lý |
Áp dụng đối với các khoản mục tài sản và nợ phải trả có giá trị được xác định theo giá trị hợp lý trình bày trên BCTC. |
IFRS 14 |
Các khoản hoãn lại theo luật định |
Ghi nhận và xác định giá trị số dư các khoản hoãn lại theo luật định trên Báo cáo tài chính được lập lần đầu theo IFRS và sau đó theo các nguyên tắc kế toán được thừa nhận chung trước đó. |
IFRS 15 |
Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng |
Ghi nhận doanh thu toàn diện cho tất cả các hợp đồng với khách hàng. |
IFRS 16 |
Thuê tài sản |
Yêu cầu bên đi thuê phải ghi nhận hầu hết các hợp đồng thuê trên bảng cân đối kế toán. |
IFRS 17 |
Hợp đồng bảo hiểm |
Cho phép các doanh nghiệp tiếp tục với các chính sách kế toán hiện tại với các hợp đồng bảo hiểm nếu các chính sách đó đáp ứng các tiêu chí tối thiểu nhất định. |
Nguồn: https://ifrs.vn/chuan-muc
Lộ trình áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam
Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS của Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý kế toán, tài chính cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể hội nhập với các thị trường tài chính quốc tế. Trước những lợi ích mang lại của việc áp dụng IFRS, ngày 16/3/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam với lộ trình áp dụng này gồm 3 giai đoạn, cụ thể như sau:
Giai đoạn |
Nội dung chính |
Giai đoạn chuẩn bị: Từ 2019 -
2021 |
Bộ Tài chính chuẩn bị các điều kiện cần thiết như:
-
Công bố bản dịch Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) ra tiếng Việt
-
Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS)
-
Xây dựng cơ chế tài chính liên quan
-
Đào tạo nguồn nhân lực, quy trình triển khai cho các doanh nghiệp
|
Giai đoạn tự nguyện: Từ 2022 -
2025 |
-
Đối với việc lập báo cáo tài chính hợp nhất: Các doanh nghiệp sau có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng (IFRS):
+ Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có các khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế;
+ Công ty mẹ là công ty niêm yết;
+ Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết;
+ Các công ty mẹ khác.
-
Đối với báo cáo tài chính riêng: Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế IFRS.
|
Giai đoạn bắt buộc: sau năm 2025 |
-
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các doanh nghiệp và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm doanh nghiệp thuộc các đối tượng cụ thể sau:
+ Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước;
+ Công ty mẹ là công ty niêm yết;
+ Công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết;
+ Công ty mẹ quy mô lớn khác.
-
Các công ty khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IFRS) để lập báo cáo tài chính hợp nhất hay báo cáo riêng.
|
Nguồn: Quyết định số 345/QĐ-BTC
Giải pháp áp dụng IFRS tại Việt Nam
Việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính sẽ tạo điều kiện cho môi trường kế toán tài chính của Việt Nam theo kịp đà phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế trên thế giới thì việc áp dụng IFRS là vô cùng cần thiết. Hiện Chính phủ đang có những bước đi tích cực, để sẵn sàng tiến tới áp dụng IFRS. Tuy nhiên, việc triển khai
áp dụng IFRS lần đầu chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, không chỉ với doanh nghiệp áp dụng IFRS mà cả các bên liên quan như: Cơ quan quản lý Nhà nước, các trường đại học, các nhà nghiên cứu, công ty kiểm toán, hội nghề nghiệp… Vì vậy, để thực hiện đúng lộ trình áp dụng chuẩn mực IFRS, tác giả kiến nghị một số giải pháp sau đây:
-
Về phía cơ quan nhà nước, Bộ Tài chính: Chính phủ cần quy định thời điểm có hiệu lực đối với hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) trùng với thời điểm những chuẩn mực kế toán quốc tế mới ban hành, được cập nhật hay bổ sung. Mặt khác, Luật Kế toán sửa đổi cần quy định rõ ràng về việc lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung, phải tuân thủ hoàn toàn với quy định của IFRS/VAS thay vì các quy định đặc thù.
Các báo cáo tài chính tuân thủ hoàn toàn với IFRS/VAS có nghĩa là nếu các quy định đặc thù có yêu cầu về hạch toán kế toán khác biệt với VAS, yêu cầu này sẽ được đáp ứng bằng thông tin bổ sung trong thuyết minh báo cáo tài chính; Với các hướng dẫn đặc thù, ngoại lệ với VAS cho các trường hợp đặc biệt nên được giảm dần và loại bỏ.
+ Doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ việc tuân thủ chuẩn mực kế toán Việt Nam sang áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế từ xác định kỳ kế toán đầu tiên, đến việc dự trù ngân sách, bồi dưỡng nhân sự… Tùy thuộc vào quy mô, đặc điểm hoạt động mà các doanh nghiệp cần phải xác định sự khác biệt giữa VAS và IFRS như: Nhận diện các giao dịch, khoản mục trên báo cáo tài chính (BCTC) cần chuyển đổi; Xây dựng hệ thống hồ sơ, dữ liệu, bộ quy tắc chuyển đổi BCTC với hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp mình.
+ Doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các thông tin cho việc lập và trình bày BCTC theo IFRS như: Xác định các đơn vị tạo tiền của doanh nghiệp; Phân loại rõ những loại tài sản cố định (TSCĐ), BĐSĐT cần đánh giá lại định kỳ; chuẩn bị dữ liệu phù hợp với các phương pháp định giá đối với các tài sản được ghi nhận theo giá trị tương lai; Thường xuyên đánh giá và tăng cường quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro thị trường; Rà soát các hợp đồng thuê tài chính; thay đổi các điều khoản trên hợp đồng kinh tế để phù hợp với các quy định về pháp lý liên quan tới chuẩn mực IFR; Xác định mối quan hệ giữa công ty mẹ và các công ty con đảm bảo quyền kiểm soát của công ty mẹ đối với công ty con; Định hướng việc cung cấp thông tin tài chính tại các công ty con, liên doanh, liên kết theo cơ sở tài sản thuần;….
+ Yêu cầu về sự minh bạch và đầy đủ về các thông tin trong việc trình bày báo cáo tài chính theo chuẩn mực IFRS là rất quan trọng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sẵn sàng để tuân thủ về việc cung cấp.
-
Về phía người làm kế toán:
+ Người làm kế toán cần phải tự nhận thức và nâng cao trình độ chuyên môn bằng việc tham dự thường xuyên các khóa đào tạo trực tiếp liên quan tới việc áp dụng Chuẩn mực IFRS, để từ đó có được các kiển thức, kỹ năng xử lý dữ liệu và trình bày các dữ liệu trên báo cáo tài chính.
+ Nhiều quy định của Chuẩn mực yêu cầu sử dụng các kỹ năng tính toán tài chính, như tính dòng tiền chiết khấu, xác định giá trị hợp lý, giá trị có thể thu hồi, ước tính tổn thất… Do vậy, người làm kế toán cần phải có được các kiến thức về tài chính, nắm được kỹ năng tổng hợp và phân tích thông tin tài chính quá khứ và dự báo trong tương lai.
+ Ngoài ra, người làm công tác kế toán cần phải sử dụng thành thạo công nghệ thông tin và các phần mềm kế toán, phần mềm quản trị, thường xuyên tự cập nhật những quy định về chuẩn mực kế toán Việt Nam, chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Đặc biệt, cần phải thông thạo ngoại ngữ là điều kiện để trình bày, đọc hiểu các báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế.
Kết luận
Chuẩn mực kế toán riêng biệt tạo ra rào cản trong việc so sánh báo cáo tài chính của các quốc gia, khiến cho việc hợp tác kinh tế quốc tế trở nên khó khăn phức tạp. IFRS ra đời như một nỗ lực nhằm thống nhất chuẩn mực kế toán quốc tế, hướng đến sự hòa hợp trong công tác kế toán tài chính. Việc áp dụng IFRS giúp Việt Nam và các quốc gia có được sự thống nhất trong hạch toán lĩnh vực tài chính kế toán, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế quốc tế và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
-
Chính phủ (2020), Quyết định số 345/QĐ/BTC Phê duyệt đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam.
-
Ðường Thị Quỳnh Liên (2017), Khó khăn, thách thức khi áp dụng IFRS tại Việt Nam và lộ trình thực hiện
-
Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng – Cục Quản lý giám sát kế toán và kiểm toán – Bộ Tài chính, Giải pháp để áp dụng thành công IFRS tại Việt Nam
ThS. Nguyễn Thị Bích Liên
Khoa Kế toán - Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội