Logistics với Thương mại điện tử trong thời đại số

17/11/2020 - 09:44 AM
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 đến nay. Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics giữ vai trò quan trọng trong dây chuyền thương mại từ người bán đến người mua với quy trình hoàn tất đơn hàng, bao gồm các khâu đóng gói, vận chuyển, thu tiền và thậm chí chăm sóc khách hàng sau bán hàng. Điều này cho thấy giữa thương mại điện tử và logistics có mối liên kết chặt chẽ và tương trợ đắc lực cho nhau.

Logistics trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử

Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Brain&Company dự đoán, tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015-2025 của thương mại điện tử Việt Nam là 29%. Dự báo đến năm 2025, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng thứ 3 trong khối ASEAN. Trong năm 2020, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) dự báo, tốc độ tăng trưởng sẽ ở mức trên 30% và quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD. Đặc biệt, trong những tháng cao điểm chống dịch Covid-19 của năm 2020, hành vi mua sắm của người tiêu dùng có sự thay đổi mạnh mẽ khi nhanh chóng chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm trực tuyến.

Hình thức mua sắm trực tuyến có 2 nhóm sản phẩm trao đổi được phân chia cụ thể. Nhóm thứ nhất là các sản phẩm vô hình có thể số hóa, chuyển giao trên nền tảng internet như các sản phẩm nhạc, phần mềm máy tính, trò chơi và các tiện ích của trò chơi trực tuyến… Nhóm thứ hai là các sản phẩm hữu hình, có trọng lượng, thể tích, không thể số hóa được như quần áo, dụng cụ, thiết bị gia đình, thiết bị điện tử, điện lạnh… Điều đáng nói là trong thương mại điện tử, dù giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng nhưng dịch vụ logistics và chuyển phát chính là mắt xích không thể thiếu để hoàn thành các đơn hàng thương mại điện tử của nhóm sản phẩm hữu hình này. Hệ thống logistics giữ vai trò quan trọng giúp liên kết và tối ưu toàn bộ quá trình sản xuất và lưu thông trên phạm vi rất rộng, từ trong quốc gia, trong khu vực và đến toàn thế giới. Đối với toàn bộ quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, việc ứng dụng hệ thống logistics là một bước phát triển cao hơn của dịch vụ giao nhận kho vận, dịch vụ vận tải đa phương thức. Vận tải đa phương thức đã liên kết được tất cả các phương thức vận tải với nhau để phục vụ cho nhu cầu cung ứng và tiêu thụ của nhà sản xuất, nhà phân phối cũng như nhu cầu với sản phẩm của người tiêu dùng. Với các doanh nghiệp thương mại điện tử, giao nhận do doanh nghiệp đảm nhận giúp tiết giảm thời gian xử lý đơn hàng, giảm chi phí vận hành và tạo nên sự khác biệt trong dịch vụ cung ứng. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (Worldbank), thị trường logistics dành cho thương mại điện tử Việt Nam có quy mô lên đến 560 triệu USD.

 
Logistics với Thương mại điện tử trong thời đại số
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Trong quy trình giao dịch trực tuyến, việc đẩy nhanh tốc độ giao hàng cũng ngày càng quan trọng, thậm chí tầm quan trọng không kém so với việc đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, với đặc điểm của thương mại điện tử là người bán và người mua không trực tiếp gặp mặt để giao dịch, lòng tin chưa vững, việc thực hiện logistics hiệu quả chính là yếu tố quyết định góp phần tạo nên lòng tin cho khách hàng. Về dài hạn, khi thị trường trực tuyến tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, thương mại điện tử rất cần có một hệ thống logistics phát triển tốt để đáp ứng nhu cầu vận tải và hậu cần vận tải cho ngành. Hệ thống logistics ở Việt Nam được phân loại thành các trung tâm phân phối, trung tâm hoàn tất đơn hàng, trung tâm cung ứng dịch vụ vận tải, trung tâm cung ứng dịch vụ logistics đa chức năng. Cùng với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và mục tiêu hướng đến nền kinh tế số trong đó thương mại điện tử là một trụ cột quan trọng, Việt Nam hiện đang tiến hành ứng dụng khoa học công nghệ cao như blockchain vào hoạt động logistics. Trong đó phải kể đến việc nghiên cứu áp dụng đại trà e-DO (Giấy giao hàng điện tử) cho các lô hàng lẻ (LCL) và tham gia dự án e-B/L của Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế FIATA. Thực tế đang dần chứng minh việc ứng dụng thành tựu công nghệ trong phân tích dữ liệu, phối hợp nguồn nhân lực vào hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần là xu thế và là giải pháp tối ưu. Vì vậy, ứng dụng công nghệ vào logistics, tham gia sâu vào hoạt động của chuỗi cung ứng đã giúp doanh nghiệp Việt có được công nghệ logistics, xây dựng thương hiệu, nâng tầm quốc tế; đồng thời giảm thiểu chi phí, đặc biệt là đẩy nhanh tốc độ giao hàng cho các đơn hàng thương mại điện tử. Hiện nay, các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ vào logistics giúp thuận lợi hóa thương mại điện tử tại Việt Nam phải kể đến Hateco logistics, Vietnam Post, Tân Cảng Sài Gòn, Viettel post, Gemadept…

Thương mại điện tử tạo động lực phát triển logistics

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và mở cửa, khối lượng hàng hóa luân chuyển không ngừng tăng lên, nhu cầu của người tiêu dùng cũng ngày càng tăng đã kéo theo sự tăng trưởng của logistics. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, dịch vụ vận tải hàng hóa đạt 1.684,1 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 1.650 triệu tấn, tăng 9,8%, vận tải nước ngoài đạt 34,1 triệu tấn, tăng 4,3%. Năm 2020, dù hoạt động vận tải là một trong những lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát đại dịch Covid-19 nhưng mức giảm của vận tải hàng hóa không quá nhiều so với nhiều lĩnh vực khác, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó vận tải trong nước chiếm trên 98% khối lượng hàng hóa cũng chỉ giảm 7,2%, vận tải nước ngoài dù giảm tới 14,9% nhưng chỉ chiếm khoảng 2% khối lượng hàng hóa.

Trong khoảng thời gian chống dịch cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4, thói quen tiêu dùng và mua sắm của người tiêu dùng từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến đã có sự chuyển biến mạnh mẽ chưa từng có trước đây. Các trang thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Lazada, Shopee… hoạt động nhộn nhịp và sôi nổi. Việc giao dịch mua bán trên mạng với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… được ghi nhận mức tăng rất mạnh. Điều đó đã góp phần tác động giúp một bộ phận logistics đang bị ảnh hưởng bởi dịch không bị thiệt hại quá sâu.

Bên cạnh sự bùng nổ của thương mại điện tử trong năm 2018-2019, các chuyên gia cho rằng vận tải và logistics trong thương mại điện tử Việt Nam cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao. Theo Bộ Công thương, chỉ riêng số lượng đơn hàng qua Công ty Giao hàng nhanh đã tăng trưởng trung bình 45% trong giai đoạn 2015-2020 và có thể đạt 530 triệu đơn hàng trong năm 2020. Nhiều doanh nghiệp ngành bán lẻ như Vincommerce, Thế giới di động, FPT, Lottte, Aeon… đang định hướng phát triển E-commerce. Với tiềm năng đầy triển vọng, thương mại điện tử Việt Nam cũng thu hút các đại gia đầu ngành của thế giới như Alibaba, Amazon… gia nhập vào thị trường làm cho lĩnh vực logistics trở nên sôi động hơn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định trong năm 2020, nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ đổ dòng tiền vào lĩnh vực vận tải và logistics bởi lĩnh vực này còn rất nhiều tiềm năng.

Để lý giải thêm cho việc thương mại điện tử gia tăng sức bật cho logistics, trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/05/2020 đã đề cập đến giải pháp tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Trong đó giải pháp đặt ra yêu cầu có sự cải tạo, phát triển hạ tầng logistics, cụ thể: Cải thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và logistics cho thương mại điện tử, ứng dụng các công nghệ mới trong hoạt động logistics; khuyến khích thí điểm và triển khai ứng dụng các phương tiện giao thông mới hỗ trợ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử; khuyến khích các giải pháp tổng thể liên kết doanh nghiệp hậu cần từ chặng đầu tới chặng cuối; nghiên cứu bài bản các giải pháp cho chuyển phát xuyên biên giới, logistics trong đô thị. Thêm vào đó, cần xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến các dịch vụ vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử bao phủ tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, từng bước mở rộng ra khu vực nhằm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới; ban hành hệ thống tiêu chuẩn cho dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng trong thương mại điện tử; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chỉ; phát triển nền tảng Bản đồ số Việt Nam để hỗ trợ phục vụ cho công tác quản lý trực tuyến dịch vụ bưu chính, vận chuyển, giao nhận và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát tại Việt Nam còn khá cao trong các giao dịch sản phẩm hữu hình của thương mại điện tử; mặt khác, người tiêu dùng ít nhiều còn e ngại về thời gian giao hàng không đúng cam kết, khó truy vết người bán hay khâu trả lại hàng còn nhiều phức tạp, dẫn đến giá mua hàng trực tuyến không thấp hơn nhiều so với mua hàng theo phương thức truyền thống.

Như vậy, thương mại điện tử giữ vai trò tăng cường sức bật cho logistics, trong khi logistics là một phần không thể thiếu trong chuỗi cung ứng của thương mại điện tử. Sự thay đổi về phương thức và thay đổi của thương mại điện tử cả trong nước và trên thế giới sẽ có tác động mạnh, thúc đẩy ngành logistics theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; đồng thời cũng gây áp lực lớn tới chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp logistics. Các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam cũng đứng trước yêu cầu phải có sự đầu tư công nghệ, độ kỹ lưỡng, nâng cao chất lượng trong dịch vụ vận tải và logistics; phải thay đổi để thích nghi và phát triển hoặc chấp nhận bị cạnh tranh và thôn tính. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần chú tâm phát triển thêm khu vực logistics chuyên biệt cho thương mại điện tử xuyên biên giới và nhập khẩu (4PLs). Mặt khác, với xu hướng mua sắm qua mạng ngày càng phổ biến, chuỗi cung ứng logistics cần được cắt ngắn lại, bỏ bớt khâu trung gian để hàng hóa đi thẳng từ tổng kho của nhà phân phối đến tay người tiêu dùng./.

 
ThS. Đỗ Thị Thúy
Trường Đại học Lao động - Xã hội

Các bài viết khác
Liên kết website
Liên kết website
Thăm dò ý kiến

Đánh giá khách quan của bạn về thông tin chúng tôi cung cấp? Vui lòng tích vào ô bên dưới để trả lời!

Top